Giáo dục lịch sử qua bảo tàng
VH- Nhằm giáo dục lịch sử địa phương, để thế hệ trẻ có cái nhìn đúng và yêu thích những giá trị lịch sử của cha ông, trong những năm qua, bên cạnh dạy và học môn lịch sử ở nhà trường, ngành giáo dục tỉnh Kiên Giang đã đẩy mạnh việc học sử thông qua kênh bảo tàng. Phương pháp này mang lại hiệu quả thiết thực, từ đó học sinh và đoàn viên thanh niên có cái nhìn toàn diện và sinh động thông qua những bằng chứng cụ thể được lưu giữ tại bảo tàng.
Một tiết học môn lịch sử tại bảo tàng của trường THPT Nguyễn Trung Trực, TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang Ảnh: VIỆT TRUNG
Theo ông Nguyễn Quang Khánh, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Kiên Giang, thực tế trong giới trẻ hiện nay, tỷ lệ học sinh phổ thông chưa nắm được các kiến thức lịch sử chiếm khá đông. Qua kết quả khảo sát về kiến thức lịch sử nhân tổ chức các cuộc trưng bày lưu động thực hiện trên địa bàn tỉnh trong các năm 2015-2017 cho biết, có chưa tới 50% trong tổng số học sinh được khảo sát nắm kiến thức về lịch sử địa phương. Chương trình đưa bảo tàng đến với học đường nhằm giúp học sinh tiếp cận phương thức giáo dục mới sinh động hơn.
Đại diện ngành giáo dục thành phố Rạch Giá nhìn nhận, trong những năm 2014-2017, chương trình “Bảo tàng với học đường” được thực hiện, đánh dấu mốc quan trọng, tạo cầu nối giữa học sinh các trường và bảo tàng thông qua tổ chức các chương trình tham quan thực tế tìm hiểu về lịch sử địa phương. Có khá nhiều trường có mối liên hệ gắn kết trong việc tổ chức đưa học sinh đến tham quan như: Trường THPT Nguyễn Trung Trực; Trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Kiên Giang; THPT Nguyễn Hùng Sơn; Tiểu học - Mẫu giáo Lê Hồng Phong; THPT Ngô Sĩ Liên; Tiểu học Lý Tự Trọng, TP.Rạch Giá… Thông qua chương trình này, học sinh có cơ hội nghiên cứu, tìm hiểu các giá trị di sản, từ đó, học sinh có những hiểu biết và yêu thích môn học lịch sử nhiều hơn. Chương trình “Bảo tàng với học đường” bước đầu đã gặt hái được những thành quả trong việc xây dựng mối liên hệ gắn kết giữa giáo dục học đường và bảo tàng, giữa thế hệ trẻ với những giá trị lịch sử truyền thống của dân tộc. Theo đó, dưới góc độ tiếp cận môn lịch sử, có rất nhiều thông tin để học sinh tiếp cận từ bài giảng ở nhà trường đến việc xem các hình ảnh, tư liệu qua sách báo, tranh ảnh, phim tư liệu hoặc các câu chuyện lịch sử phát trên sóng truyền thanh tại địa phương.
Tuy có những thành công nhất định, song theo đánh giá, tính phổ biến của chương trình này chưa cao, phạm vi triển khai còn khá hạn chế, chủ yếu tập trung ở khu vực thành phố. Bên cạnh đó, một số trường chưa có hoạt động tham quan bảo tàng thường xuyên mà chỉ mang tính hình thức, hoặc khi có sự kiện mới tổ chức cho học sinh đến học tập tại bảo tàng. Hiện nay, các trường thường thực hiện theo cách đưa học sinh theo từng đoàn đến bảo tàng, nghe thuyết minh, giới thiệu khái quát về nội dung trưng bày mà chưa có nhiều hoạt động tương tác, tìm hiểu sâu để học sinh nắm kỹ nội dung, do đó việc học sử tại bảo tàng còn gặp nhiều hạn chế… Theo ông Nguyễn Quang Khánh, để khắc phục tình trạng này, đối với các trường, việc biên soạn lịch sử của trường học và phần trưng bày lịch sử địa phương tại bảo tàng cần phối hợp thống nhất về nội dung. Trường học cần chủ động liên hệ mượn các hình ảnh, tư liệu liên quan đến phần dạy học để làm phong phú nội dung giảng dạy của mình. Giáo viên phải tìm hiểu kỹ mối liên hệ giữa bài học và nội dung đang trưng bày tại bảo tàng để dạy các bài học lịch sử có liên quan trong chương trình, theo cách, giáo viên giảng bài học trước ở trường, sau đó đưa học sinh đến bảo tàng tham quan. Sau tham quan, yêu cầu học sinh viết bài cảm tưởng hoặc bài thu hoạch, có những hình thức biểu dương, khen thưởng, điều này sẽ giúp các em yêu thích các sự kiện, nhân vật lịch sử, hứng thú với môn học hơn.
KIỀU GIANG