Giáo dục STEM: Học mà chơi, chơi mà học

VHO- -STEM là chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học - theo cách tiếp cận liên môn (interdisciplinary). Người học có thể áp dụng để giải quyết vấn đề trong cuộc sống hằng ngày. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế.

 

Giáo dục STEM: Học mà chơi, chơi mà học - Anh 1

 Hoạt động ngoại khóa của cô trò lớp 1A Trường Tiểu học Tô Vĩnh Diện (Hà Nội)

 Xu hướng tất yếu

Thuật ngữ STEM xuất hiện lần đầu tiên tại Hoa Kỳ từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, đó là: Khoa học (Science), Công nghệ (Technology), Kỹ thuật (Engineering) và Toán học (Maths), được xem là mô hình giáo dục diện rộng trong tương lai gần của thế giới. Hiện nay, trên thế giới có rất nhiều mô hình STEM khác nhau.

Đối với Việt Nam, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ thị: Bộ GD&ĐT phải “Thúc đẩy triển khai giáo dục về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) trong chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức thí điểm tại một số trường phổ thông ngay từ năm học 2017- 2018. Nâng cao năng lực nghiên cứu, giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học; tăng cường giáo dục những kỹ năng, kiến thức cơ bản, tư duy sáng tạo, khả năng thích nghi với những yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4” (Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 4.5.2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4).

Theo các chuyên gia giáo dục, việc giảng dạy khoa học STEM đang trở thành một yêu cầu trong giáo dục hiện nay. Phương pháp này cho thấy tầm quan trọng của việc học tập liên môn, có nghĩa là những môn học liên quan đến khoa học - kỹ thuật - công nghệ và toán học không nên được dạy độc lập mà phải có sự kết hợp và hoà quyện nhuần nhuyễn, bổ trợ cho nhau, để từ đó học sinh sẽ có một cái nhìn tổng hợp trong cuộc sống, bao quát về nghề nghiệp, trong sáng tạo, đi từ tính logic của khoa học đến kỹ thuật, công nghệ của một sản phẩm, một kết quả cụ thể.

TS Nguyễn Thành Hải, Trưởng nhóm nghiên cứu dự án giáo dục STEM THRIVE, Đại học Missouri (Hoa Kỳ) cho biết, mục đích chính của chương trình này không phải để đào tạo ra các nhà khoa học, toán học, kỹ sư mà là truyền cảm hứng trong học tập; giúp trò thấy được mối liên hệ giữa các kiến thức, nhất là kiến thức khoa học và toán; nhận thức được tầm quan trọng của kiến thức STEM ảnh hưởng đến thế giới và sự phát triển của xã hội thực tại và trong tương lai.

Đối với lứa tuổi mầm non và tiểu học, việc đưa giáo dục STEM vào quá trình học tập của trẻ không phải để trẻ tập trung nhớ nhiều kiến thức mà mục đích là chuẩn bị năng lực cho những thế hệ công dân trong tương lai. Với nền tảng được chuẩn bị toàn diện và phù hợp với lứa tuổi, là bước đệm từ óc tò mò của trẻ đến hình thành tư duy bậc cao khi trưởng thành và đây là quá trình phát triển logic và cần đến giáo dục.

Các chuyên đề dạy học về giáo dục STEM ở lớp 11, 12 là các hoạt động trải nghiệm dưới hình thức CLB nghiên cứu khoa học, trong đó có các hoạt động nghiên cứu STEM. Tính mở của chương trình cho phép một số nội dung giáo dục STEM có thể được xây dựng thông qua chương trình địa phương, kế hoạch giáo dục nhà trường; qua những chương trình, hoạt động STEM được triển khai, tổ chức thông qua hoạt động xã hội hóa giáo dục.

Giáo dục STEM: Học mà chơi, chơi mà học - Anh 2

Học mà chơi, chơi mà học

Tiến sĩ Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học (Bộ GD&ĐT) cho biết, trong Chương trình GDPT mới, hoạt động trải nghiệm ở cấp tiểu học đã được triển khai ở các địa phương với nhiều hình thức phong phú, các hoạt động tập trung vào khám phá, rèn luyện bản thân, phát triển quan hệ với bạn bè, thầy cô, người thân trong gia đình.

Đơn cử như giờ hoạt động ngoại khóa mang tên Ngày hội “Học thông qua chơi” dành cho học sinh từ lớp 1 - 3 của trường Tiểu học số 2, TP Lai Châu có nhiều hoạt động góc bổ ích, lý thú như: Phát triển cảm xúc, thể chất, kỹ năng sáng tạo, nhận thức và phát triển kỹ năng xã hội… Tham gia Ngày hội, học sinh được trải nghiệm, khám phá những điều mới lạ để phát triển các kỹ năng sống. Đồng thời, được tiếp cận mục tiêu học tập với hoạt động vui chơi tạo sự tự chủ. Đặc biệt, các bậc phụ huynh cũng có cơ hội tìm hiểu lợi ích của việc học thông qua chơi để hỗ trợ con tại nhà...

Đối với Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (quận Hồng Bàng, Hải Phòng), việc giảng dạy STEM được triển khai theo mô hình STEM - Robotics, dạy lồng ghép tích hợp liên môn, dạy theo chủ đề, tổ chức CLB sở thích STEM; tổ chức hội thi sản phẩm sáng tạo STEM, tham gia các cuộc thi sáng tạo robot… Trường là một trong những cơ sở giáo dục nhận được phòng học STEM Robot Lego Education do các công ty về đồ chơi công nghệ giáo dục trao tặng, tạo điều kiện cho học sinh được học tập cùng những chú robot. Từ đó, các em sẽ được phát triển toàn diện về tư duy, sáng tạo, phát huy trí tưởng tượng, kỹ năng thuyết trình và kỹ năng làm việc nhóm.

Cô giáo Minh Phượng, giáo viên Trường Tiểu học Ngô Gia Tự cho biết, môn học STEM giúp phát triển kỹ năng tìm tòi khám phá khoa học, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng phản biện, kỹ năng tự tìm tòi sáng tạo cho học sinh. Bên cạnh đó, học sinh cũng được hình thành các phẩm chất như yêu khoa học, tinh thần đồng đội, đoàn kết, chia sẻ.

Có thể nói, giáo dục STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết. Với phương pháp “học mà chơi, chơi mà học”, giáo dục STEM mang lại cho học sinh nhiều kiến thức hơn những môn học đơn lẻ, nặng về lý thuyết. 

 HOÀNG HƯƠNG

Ý kiến bạn đọc