Đà Nẵng thiếu trường, lớp học kéo dài: Đề nghị làm rõ trách nhiệm

VHO- Ngành giáo dục Đà Nẵng đã và đang đối mặt với tình trạng thiếu trường, lớp học kéo dài suốt nhiều năm qua, trong khi rất nhiều dự án ban đầu cam kết dành quỹ đất cho trường học và các công trình công cộng, nhưng sau đó lại không thực hiện.

Đà Nẵng thiếu trường, lớp học kéo dài: Đề nghị làm rõ trách nhiệm - Anh 1

 Giờ ra chơi của các em học sinh tiểu học (ảnh minh họa)

Cần xử lý các chủ dự án “nói không đi đôi với làm”

Báo cáo tại kỳ họp lần thứ 12 của HĐND TP Đà Nẵng diễn ra ngày 18.7 vừa qua, ông Nguyễn Đình Khánh Vân, Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP nêu rõ: “Việc triển khai xây dựng trường học tại các khu đô thị còn chậm. Riêng tại Khu đô thị Hòa Xuân (quận Cẩm Lệ), quy hoạch 19 điểm trường nhưng đến nay vẫn chưa có cơ sở nào đi vào hoạt động. Khu đô thị Golden Hills (huyện Hòa Vang) quy hoạch 13 điểm trường nhưng chỉ có một số ít trường có thể hoạt động. Công tác mua sắm trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra”.

Ông Trần Tuấn Lợi, Đại biểu HĐND TP Đà Nẵng khẳng định, vấn đề thiếu trường, lớp, giáo viên đã diễn ra và kéo dài suốt nhiều năm, đặc biệt tại các khu đô thị mới. Thực tế cho thấy, việc kiểm tra giám sát lỏng lẻo đã gây áp lực rất lớn cho việc phát triển cơ sở hạ tầng thiết yếu tại các khu đô thị. Nhiều dự án đưa vào sử dụng đã “bỏ quên” trường học, nhà văn hóa, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng... Dù có quy hoạch đất xây dựng trường nhưng chậm triển khai.

“Khi phê duyệt dự án có đầy đủ trường học, thiết chế văn hóa, xã hội nhưng khi người dân vào ở thì chủ đầu tư đã “bỏ quên” các hạng mục này. Phần lớn chỉ tập trung xây dựng nhà ở phục vụ cho mục đích kinh doanh, phân lô bán nền, chưa quan tâm đến công trình công cộng phục vụ đời sống người dân. Có chủ đầu tư cam kết xây dựng 10 trường học, trong đó 8 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS. Thế nhưng, đến thời điểm hiện tại, mặc dù dân cư đã đến ở rất đông, lấp đầy hết dự án, nhưng họ vẫn chưa thực hiện bất kỳ một cam kết nào. Khu đô thị mới có 7 khu dân cư nhưng không có nổi một nhà sinh hoạt cộng đồng. Nếu không đầu tư cơ sở vật chất cũng như đội ngũ giáo viên thì tình trạng thiếu trường, lớp tại các khu đô thị thật sự trầm trọng”, ông Lợi nói.

Ông Lương Nguyễn Minh Triết, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng cũng xác nhận nhiều cử tri phàn nàn về việc này: “Các chủ đầu tư dự án khi phê duyệt quy hoạch chi tiết, rao bán rất đẹp, đầy đủ chỉ tiêu, có trường lớp, có sân chơi, hồ bơi, nhưng khi tổ chức triển khai thì liên tục điều chỉnh và chậm thực hiện những cam kết về đầu tư hạ tầng xã hội. Tôi chưa muốn nói là không muốn làm”.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng cho giáo dục khiến học sinh không đảm bảo được giờ học theo đúng quy định, đại biểu Trần Tuấn Lợi đề nghị UBND, HĐND TP phải truy xét trách nhiệm của chủ đầu tư, của từng cá nhân có trách nhiệm. Thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất các trường hợp cố tình chây ỳ, cần thiết thì phải dùng biện pháp mạnh như thu hồi đất, lựa chọn nhà đầu tư có tiềm năng khác.

Trưởng ban Văn hóa - xã hội HĐND TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Đình Khánh Vân thông tin: Theo khảo sát, năm học 2023-2024, một số trường trên địa bàn quận Liên Chiểu tiếp tục thiếu phòng học; phải tiến hành cải tạo các phòng chức năng, ngăn sảnh chơi để bảo đảm nhu cầu học tập của học sinh như Trường THCS Nguyễn Lương Bằng, Trường Tiểu học Âu Cơ, Trường THCS Ngô Thì Nhậm, Trường Tiểu học Duy Tân… Bên cạnh đó, nhiều công trình trường học đã xuống cấp nghiêm trọng, cần đẩy nhanh ưu tiên bố trí vốn đầu tư, sửa chữa như: Trường THPT Phan Thành Tài, Trường Tiểu học Lâm Quang Thự (huyện Hòa Vang); Trường Tiểu học Hồng Quang, Trường Tiểu học Duy Tân (quận Liên Chiểu); Trường Tiểu học Thái Thị Bôi (quận Cẩm Lệ)…

Quận Liên Chiểu đã đề xuất một số vị trí đất quy hoạch xây dựng trường học như Trường Tiểu học Trung Nghĩa, Trường liên cấp I và II phường Hòa Khánh Bắc (cuối đường Bùi Chát)...; một số khu đất quy hoạch đất giáo dục nhưng chủ đầu tư chưa triển khai như dự án Khu đô thị Phước Lý, Khu đô thị thương mại và cao tầng Phương Trang, Khu đô thị Lakeside…

Quận Hải Châu đã nhận bàn giao 5.366m2 từ Bộ Quốc phòng để xây dựng trường học (không sử dụng vào mục đích khác). Quận đã đề xuất xây dựng mới Trường liên cấp Tiểu học - THCS Hòa Thuận Đông, bởi vì lâu nay phường Hòa Thuận Đông (quận Hải Châu) chưa có trường THCS nên học sinh phải phân chia về các trường lân cận, gây nhiều khó khăn, bất cập.

Tháng 4 năm 2023, UBND TP Đà Nẵng đã phê duyệt chủ trương đầu tư 70 công trình với tổng mức đầu tư 1.780 tỉ đồng. Kể cả những công trình đưa vào kế hoạch, hiện nay ngành GD&ĐT Đà Nẵng có 32 công trình hoàn thành đưa vào sử dụng; 22 công trình đang triển khai xây dựng; 33 công trình đang thực hiện các bước phê duyệt dự án, lựa chọn nhà thầu. Năm 2023, nhiều công trình trường học đã được đầu tư nâng cấp, sửa chữa và dự kiến hoàn thành, bàn giao trong năm học mới 2023-2024. Có 10 dự án công trình dành cho giáo dục chuyển tiếp sau năm 2023… Tuy nhiên, con số này được đánh giá là còn quá thấp so với nhu cầu thực tế.

Như vậy, với việc thiếu địa điểm xây dựng, thiếu phòng học tại rất nhiều trường, Đà Nẵng khó có thể đáp ứng các mục tiêu: “Phổ cập mầm non 5 tuổi”; “Phòng học ngày 2 buổi bậc tiểu học”; “Phòng học bộ môn của cơ sở GDPT”; “Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia”; “Khuyến khích xã hội hóa giáo dục”… mà ngành giáo dục đề ra. 

 MINH CHÂU

Ý kiến bạn đọc