Đà Nẵng: Đảm bảo an toàn hệ thống cây xanh bóng mát trong trường học
VHO- TP Đà Nẵng đã yêu cầu các đơn vị trường học về đảm bảo an toàn cây xanh trong trường, bao gồm nghiêm cấm hành động tự ý đốn hạ cây xanh. Theo đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có nhiều hoạt động chăm sóc, đảm sự phát triển an toàn của cây xanh trồng trong khuôn viên trường học.
Trường THPT Hòa Vang dùng cây sắt chống đỡ cây phượng vỹ có tuổi đời gần 60 năm
Trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hải Châu, TP Đà Nẵng là một trong những trường tiểu học được thành lập lâu đời và có nhiều cây trồng lâu năm. Nhà trường thường xuyên phối hợp với các đơn vị chăm sóc cây xanh rà soát, cắt tỉa đảm bảo sự an toàn phát triển của cây và xử lý những cây có nguy cơ ngã đổ. Sau sự cố đổ cây phượng khiến 1 học sinh tử vong ở TP HCM, mới đây, nhà trường phối hợp với cơ quan chức năng cưa bỏ 1 cây phượng vỹ có tuổi đời gần 40 năm vì có dấu hiệu mục ruỗng bên trong thân, nguy cơ mất an toàn. Những cây khác vẫn được giữ lại và tỉa bớt cành thấp. Cô Trần Thị Lệ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du cho biết: “Sự cố không may khiến mọi người đều lo lắng, nhà trường cũng trồng cây thay thế cho cây phượng vỹ, đồng thời kiểm tra lại rất kỹ trong các cây ở trường mình. Cây phượng vĩ này mặc dù bên ngoài cây vẫn xanh tốt, nứt nhánh nhưng phần lõi bên trong đã biểu hiện mục, rỗng phần lõi trong cùng chính vì vậy trường đã cưa bỏ một cây", cô Lệ nói.
Tại trường THTP Hoà Vang, quận Cẩm Lệ, thay vì chặt cây, nhà trường cho gia công sắt thành chạc ba để chống cho 2 cây phượng cổ trong sân trường. Cô Hồ Thị Thu Thanh, Hiệu trưởng Trường THPT Hoà Vang cho biết, 2 cây phượng vỹ có tuổi đời gần 60 năm. Do đó, trường đã trích kinh phí hơn 20 triệu đồng gia công sắt để chống cây, thuê nhân công cải tạo nền đất bảo vệ cây đứng vững chãi hơn. Theo cô Thanh, cây phượng có ý nghĩa đặc biệt đối với thế hệ học trò, với các thế hệ học sinh Hoà Vang, cây phượng giống như biểu tượng của truyền thống. Vì cây phượng này được trồng khi trường này bắt đầu thành lập. Mong muốn của Ban lãnh đạo cũng như các thầy, cô giáo giữ lại cây phượng giống như một nét văn hóa của trường.
Tạo cảnh quan đẹp, giữ gìn bóng mát trong khuôn viên trường
Trong khi đó, trường Tiểu học học Võ Thị Sáu, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng lại chú trọng đến nguyên tắc trồng và chăm sóc cây xanh. Theo thầy Nguyễn Thái Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Võ Thị Sáu, để trồng được 1 cây xanh trong trường thì ít nhất phải trải qua 5 năm mới cho được bóng mát, để có bóng mát tốt nhất phải từ năm thứ 10 đến năm thứ 20. Hơn nữa, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các em học sinh vẫn phải tới trường học đến giữa tháng 7. “Thời tiết hiện nay đang nắng gay gắt, nếu cứ theo trào lưu cắt, tỉa trụi hàng loạt cây xanh sẽ làm ảnh hưởng lớn đến sức khỏe học sinh và cảnh quan môi trường. Thay vì cưa hết cây thì các trường nên tìm đến các công ty cây xanh để được tư vấn và chăm sóc định kỳ”, thầy Phong có ý kiến.
Liên quan đến vấn đề này, Sở Xây dựng có công văn đề nghị UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị dịch vụ duy trì cây xanh công cộng trên địa bàn tăng cường chăm sóc, thường xuyên theo dõi, đánh giá tình hình sinh trưởng của cây xanh. Có kế hoạch tỉa thưa cành, làm quang vòm lá (loại bỏ các cành lá khô và gãy, những cành to bị bệnh hoặc nguy hiểm) theo định kỳ để bảo đảm cân tán, hạn chế nguy cơ gãy nhánh, mất an toàn; kiểm tra tình hình sinh trưởng của các loại cây lớn, cây cổ thụ, nhất là đối với loài cây phượng vỹ (hay bị mục rỗng thân, mục gốc) và liên hệ với các đơn vị chuyên ngành cây xanh để xử lý an toàn... Đồng thời giao Công ty Công viên - Cây xanh thực hiện nghiêm túc các nội dung về quản lý, duy trì và bảo đảm an toàn hệ thống cây xanh, tiếp tục rà soát, đề xuất xử lý kịp thời đối với cây xanh có nguy cơ mất an toàn trên vỉa hè đường phố, khu vực công cộng.
MINH CHÂU