Bối rối khi triển khai​​​​​​​ chương trình chọn sách mới

VHO- Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ chính thức áp dụng từ năm học 2020 - 2021. Tuy nhiên, hàng loạt vấn đề như chọn sách, đội ngũ giáo viên giảng dạy, cơ sở vật chất…là những thách thức rất lớn với ngành GD&ĐT thành phố Đà Nẵng.

Bối rối khi triển khai​​​​​​​ chương trình chọn sách mới - Anh 1

Một trong 4 bản mẫu SGK lớp 1 mới của NXB Giáo dục Việt Nam

 Theo lộ trình của Bộ GD&ĐT, năm học 2020 - 2021, thẩm quyền chọn bộ sách giáo khoa thuộc về các đơn vị trường học. Điều này đặt ra áp lực không nhỏ cho ban lãnh đạo các trường tiểu học. Thầy Nguyễn Thọ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng cho biết chỉ còn 10 tháng nữa là tới thời điểm giảng dạy chương trình mới nhưng cho tới thời điểm này, sách giáo khoa mới vẫn chưa có: “Học theo sách mới có 5 Nhà xuất bản chịu trách nhiệm, mỗi Nhà xuất bản phải có ít nhất từ 32 đến 35 đầu sách, nhưng đến nay sách vẫn chưa có. Để trường tự quyết định chọn sách trong khi vừa dạy học, vừa phải điều động giáo viên đi bồi dưỡng theo sách mới nên trường không có người để phân công dạy theo ca cho có chất lượng”, thầy Thọ cho biết.

Liên quan đến việc chọn sách giáo khoa cho khối lớp 1, cô Trương Thị Hồng Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tây Hồ, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng thắc mắc tiêu chí đánh giá chất lượng các trường dựa vào đâu trong khi đầu sách các trường không đồng bộ. Mặt khác, đối với trường học 2 buổi/ngày, thì Bộ GD&ĐT chỉ cho phép là 1,5 giáo viên/lớp. Với số tiết tăng như vậy thì số lượng giáo viên hiện tại đã không đủ, nếu chương trình mới thì càng thiếu, càng khó.

Một số giáo viên cũng nêu ra bất cập, ví dụ trong trường hợp học sinh đang học dở chừng nhưng phải chuyển trường, phụ huynh sẽ lại phải đi sắm 1 bộ sách mới? Chưa nói đến sự tốn kém, vấn đề đặt ra là chương trình học của học sinh có đi theo hướng đồng bộ hay không? Hay chuyển trường là sẽ phải chuyển đổi chương trình học, gây khó khăn và bất an cho học sinh cũng như phụ huynh. Không chỉ khó khăn về lựa chọn sách, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ tăng 525 tiết/năm học so với chương trình cũ. Như vậy, đối với trường học dạy 2 buổi/ngày, số lượng giáo viên dạy sẽ không đủ. Trong khi nguồn tuyển giáo viên có hộ khẩu tại Đà Nẵng không đủ để tuyển dụng, thành phố Đà Nẵng lại đưa ra tiêu chí tuyển đối với giáo viên ngoại tỉnh xuất sắc hoặc giỏi thì khó tuyển đủ giáo viên.

Ngoài ra, chuẩn bị về cơ sở vật chất cũng đang là bài toán nan giải đối với các trường học trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. Theo chương trình giáo dục phổ thông mới, số tiết thực hành của bộ môn Tin học, Âm nhạc và Mỹ thuật sẽ nhiều hơn. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn các trường học ở Đà Nẵng chưa có phòng chức năng phục vụ dạy học các môn học này. Theo bà Trần Thị Thúy Hà, Trưởng phòng GD&ĐT quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng, hiện nay các trường học ở quận Hải Châu hầu như không có phòng học chức năng: “Phòng học thì chúng tôi tạm đủ nhưng ngược lại thì không có phòng chức năng. Đây cũng là lộ trình chúng tôi đang đề xuất với Sở, với UBND thành phố Đà Nẵng để có lộ trình xây dựng. Về sách giáo khoa thì chúng tôi tìm được nguồn sách giáo khoa nào thì sẽ đưa cho các trường phô tô. Trước mắt là phô tô trắng đen để nghiên cứu đọc trước”. 

 Học theo sách mới là có 5 Nhà xuất bản, mỗi Nhà xuất bản phải có ít nhất từ 32 đến 35 đầu sách, nhưng đến nay sách vẫn chưa có. Để trường tự quyết định chọn sách trong khi vừa dạy học, vừa phải điều động giáo viên đi bồi dưỡng theo sách mới nên trường không có người để phân công dạy theo ca cho có chất lượng.

(Thầy NGUYỄN THỌ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng)

P. CÚC - N.HÀ

Ý kiến bạn đọc