Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện: Các trường Khối Bộ VHTTDL cần thành lập Hội đồng trường trước ngày 31.7
VHO - Ngày 25.6, tại Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện đã chủ trì Hội nghị về việc thành lập Hội đồng trường, tự chủ giáo dục và công tác đào tạo đối với các trường văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao và du lịch trực thuộc Bộ (khu vực phía Nam). Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu các trường thành lập Hội đồng trường trước ngày 31.7.2020.
Thông tin về công tác đào tạo văn hóa, thể thao và du lịch, Vụ Đào tạo cho biết, hiện nay Bộ VHTTDL đang quản lý 24 cơ sở đào tạo, trong đó bao gồm 16 cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật, 4 cơ sở đào tạo thể dục thể thao và 8 cơ sở đào tạo du lịch. Trong thời gian qua, công tác tuyển sinh được thực hiện tốt, đúng quy định. Cụ thể như sau, năm 2017, tổng chỉ tiêu tuyển sinh của 28 cơ sở đào tạo được giao là trên 15.000 chỉ tiêu, thực tế đã tuyển được trên 13.000 chỉ tiêu (đạt 87%). Năm 2018, các cơ sở đào tạo đã tuyển sinh được trên 13.600 chỉ tiêu trong tổng số trên 16.600 chỉ tiêu được giao (đạt 82%). Đáng chú ý, năm 2019, các trường tuyển được trên 14.000 chỉ tiêu trong tổng số trên 13.600 chỉ tiêu được giao, đạt 102%. Theo đó, khối các ngành Du lịch tuyển sinh khả quan nhất với tỉ lệ lần lượt qua các năm là 97%, 105% và 112%. Trong khi đó, tình hình tuyển sinh ở khối ngành thể dục thể thao gặp khó khăn hơn.
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện đánh giá cao công tác tuyển sinh và đào tạo của các trường
Tính đến thời điểm này, Bộ đã triển khai thực hiện các đề án: Đề án đào tạo tài năng ở trong nước (Đề án 1341), Đề án đào tạo nhân lực ở nước ngoài (Đề án 1437), Đề án đặt hàng đào tạo 300 chỉ tiêu các ngành hiếm, khó tuyển sinh, ngành truyền thống, dân tộc và đặc thù tại các cơ sở đào tạo văn hóa - nghệ thuật trực thuộc Bộ và Đề án “Tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng tài năng và nhân lực thể thao thành tích cao đến năm 2035”.
Thông tin cho biết thêm, hiện nay một số cơ sở đào tại còn thiếu nhân lực lãnh đạo quản lý. Việc thực hiện chế độ đối với đội ngũ giảng viên lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật cũng còn nhiều bất cập. Cụ thể, quy định theo Thông tư số 47/2014/TT-BGDĐT ngày 31.12.2014 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT về chế độ giáo viên chưa phù hợp với tính chất, đặc thù của giảng viên, giáo viên các ngành nghệ thuật. Bên cạnh đó, về vấn đề đào tạo bậc cao đẳng và trung cấp trong cơ sở đào tạo ĐH văn hóa - nghệ thuật, do sự chưa rõ ràng và tương thích trong các luật liên quan: Cụ thể giữa Điều 19 Khoản 1, Điều 3 Khoản 5 của Luật Giáo dục nghề nghiệp và Điều 6 Khoản 1, Khoản 3 của Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH, ảnh hưởng đến hoạt động tổ chức mở ngành, tuyển sinh và đào tạo của lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật. Do vậy, hiện nay một số cơ sở đào tạo ĐH vẫn tổ chức đào tạo trình độ trung cấp, mặc dù trước đây đã có đề nghị cấp giấy chứng nhận nhưng vẫn chưa được Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ,TB&XH) đồng ý việc đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp ở trình độ trung cấp… Về triển khai thành lập Hội đồng trường tại các cơ sở giáo dục ĐH, đến nay Bộ VHTTDL đã triển khai việc thành lập hội đồng trường đối với 13 cơ sở giáo dục ĐH thuộc Bộ.
Bộ trưởng đề nghị các trường thành lập Hội đồng trường càng sớm càng tốt
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện ghi nhận và đánh giá cao công tác tuyển sinh, đào tạo của các trường trong thời gian qua. Để thực hiện tốt hơn trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị các đơn vị liên quan cần ưu tiên tài chính cho các trường, rà soát công tác tuyển dụng, kiện toàn bộ máy nhân sự gồm ban giám hiệu và các phòng, khoa. Các trường cần chọn người giỏi gửi đi đào tạo trình độ tiến sĩ nghệ thuật ở nước ngoài, khi về cần có chế độ đãi ngộ, sử dụng tốt để bổ sung vào nguồn nhân lực văn hóa - nghệ thuật chất lượng cao cho các trường. Đối với việc thành lập Hội đồng trường, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện yêu cầu các trường thành lập càng sớm càng tốt. Được biết, hiện Bộ VHTTDL cũng đã có hướng dẫn cụ thể cho các trường triển khai thực hiện công tác này và mốc thời gian được ấn định là đến ngày 31.7.2020.
THÙY TRANG