Bộ GD&ĐT phản hồi về việc một trường THPT kỷ luật nữ sinh xăm hình
VHO- Hai ngày nay, dư luận xôn xao thông tin về vụ việc một nữ sinh lớp 11 trường THPT Nguyễn Khuyến, Thành phố Biên Hòa, Đồng Nai xăm hình lên cơ thể, sau đó đưa lên mạng xã hội và bị đuổi học. Qua xác minh cho thấy, việc nữ sinh xăm hình lên cơ thể, sau đó đưa lên mạng xã hội là có thật và nhà trường chưa chấp thuận cho em này tiếp tục học tại trường năm học tới.
Trao đổi với P.V Văn Hóa chiều nay 14.5, ông Phạm Ngọc Đoán, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, học sinh này đã theo học tại trường 2 năm, đầu năm học nào em cũng được học nội quy đầu năm học và cùng phụ huynh ký cam kết chấp hành nội quy của trường khi theo học. Trong đó, có quy định ghi rõ đối với nữ sinh: “Mặc đầm ngang đầu gối, áo không được cắt ngắn, đi giày dép có quai hậu cao không quá 5cm, không sử dụng son phấn, gắn lông mi giả, sơn móng tay móng chân. Không nhuộm tóc màu, không xịt keo, không xăm hình”.
Sau khi phát hiện việc xăm hình của nữ sinh, nhà trường đã yêu cầu nữ sinh lên làm việc và viết bản tường trình. Trong bản tường trình, nữ sinh thừa nhận việc xăm hình và đưa lên mạng xã hội. Học sinh sau khi viết giải trình đã xin rút hồ sơ đi học nơi khác để không làm ảnh hưởng đến nhà trường, dù nhà trường chưa có đưa ra bất cứ hình thức xử lý nào. Khi học sinh xin rút hồ sơ, nhà trường yêu cầu học sinh phải có xác nhận của phụ huynh học sinh mới được chấp nhận. Phía phụ huynh học sinh sau đó lại đề nghị nhà trường cho con em họ tiếp tục theo học đến hết lớp 12. Tuy nhiên, nhà trường không đồng ý. Ông Đoán khẳng định, nhà trường chưa đồng ý cho nữ sinh này tiếp tục học lớp 12 là vì chưa có kết quả học tập của năm học 2020-2021,l à điều kiện cần thiết để học sinh có thể lên lớp. “Nếu kết quả học tập đạt yêu cầu và muốn tiếp tục học tập tại trường, đầu năm học mới học sinh này phải học lại nội quy và cam kết thực hiện nội quy của trường thi chúng tôi mới chấp nhận cho học sinh này học tiếp lớp 12”, ông Đoán nói. Lãnh đạo Trường THPT Nguyễn Khuyến cũng cho biết, hôm qua 13.5, nhà trường đã có gửi báo cáo gửi Sở GD&ĐT Đồng Nai tường trình sự việc và hướng giải quyết của trường.
Trường THPT Nguyễn Khuyến
Trả lời về thông tin nhà trường đã yêu cầu học sinh phải xóa hình xăm mới được tiếp tục theo học, vị hiệu phó nhà trường khẳng định việc xăm mình, xóa hình xăm là chuyện riêng của mỗi học sinh, nhà trường không can thiệp. Một giáo viên của trường cho biết, đã có những trường hợp trước đây, một số học sinh cũng đã xăm mình, vi phạm nội quy nhưng sau đó phụ huynh hợp tác đưa con em mình đi xóa, các học sinh cũng có viết giấy xin lỗi, hứa khắc phục…thì các em đó vẫn tiếp tục học. “Quan điểm của trường là khi học sinh còn lứa tuổi phổ thông thì phải rèn các em, tránh trường hợp các em học đòi, có lối sống thiếu lành mạnh”, giáo viên này nói.
Trong văn bản trả lời Báo Văn Hóa về vụ việc, lãnh đạo Vụ Giáo dục chính trị và Công tác học sinh, sinh viên- Bộ GD&ĐT cho biết, lãnh đạo Vụ đã trao đổi với lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Nai, xác minh các bên liên quan và có báo cáo nhanh về vụ việc. Nếu sự việc đúng như báo chí nêu, đề nghị nhà trường xem xét kỹ các quy định liên quan, tổ chức đối thoại với giáo viên, học sinh vi phạm, cha mẹ học sinh, tổ chức các biện pháp giáo dục kỷ luật tích cực cho học sinh, trên cơ sở học sinh đã ăn năn, hối lỗi, nhận ra hành vi vi phạm này; rút kinh nghiệm trong hoạt động quản lý học sinh, khen thưởng, kỷ luật học sinh... nhằm tạo môi trường giáo dục sư phạm, nghiêm túc nhưng cũng phải thân thiện, lành mạnh, nền nếp, thực hiện đầy đủ quyền được học tập của các em theo như luật định...
Trả lời câu hỏi về việc trường đặt ra các quy định riêng trong nội quy có đúng với các văn bản của Bộ và các văn bản pháp luật khác không, đại diện Bộ GD&ĐT khẳng định, các cơ sở giáo dục đều có trách nhiệm nghiên cứu, tuyên truyền tới CBGV, học sinh, sinh viên thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, của Bộ GD&ĐT liên quan đến lĩnh vực giáo dục và đào tạo nói chung, trong đó có các quy định về việc khen thưởng - kỷ luật nói riêng. Ngoài ra, các trường học có trách nhiệm cụ thể các quy định tại các Thông tư của Bộ (nếu có nội dung giao cho nhà trường), thì lấy ý kiến rộng rãi các chủ thể liên quan (giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh, chính quyền cơ sở...) trước khi ban hành, triển khai nhằm tạo sự đồng thuận, tuyên truyền trước một bước và triển khai. Nhưng nguyên tắc là không được trái với các quy phạm trong các Thông tư. Các quy định cụ thể của nhà trường (nếu có) có mục đích giúp học sinh dễ biết, dễ áp dụng và thực hiện tốt (như về nền nếp học tập, sinh hoạt; bảo vệ tài sản, ứng xử chào hỏi, ăn mặc...).
Đại diện Bộ GD&ĐT cũng nhấn mạnh, các quy định của Bộ hiện nay tại văn bản đã ban hành, nhất là các quy định chuẩn bị ban hành mới, đều hướng đến việc kỷ luật có tính giáo dục, cần áp dụng các biện pháp, hình thức giáo dục kỷ luật tích cực.... giúp học sinh đã trót vi phạm nhận ra sai sót, chủ động sửa chữa; khắc phục; nặng thì chỉ áp dụng hình thức tạm dừng lên lớp 1-2 tuần lễ, với các lỗi vi phạm quy định của ngành, của nhà trường.
QUỐC HÙNG - THUỲ TRANG