Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường(Bài 3):Trách nhiệm trước hết thuộc về

VH- “Không hẹn mà gặp”, các ý kiến dưới đây gửi đến Văn Hóa tham gia diễn đàn “Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường” đều đề cập đến vai trò của thầy cô giáo và nhà trường, đồng thời “kêu gọi” thầy cô giáo phải xem lại chính mình.

Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường(Bài 3):Trách nhiệm trước hết thuộc về - Anh 1

 Trường THCS Tân Thành, nơi thầy giáo Thủy bị đánh

Nếu đánh giá Phong trào này hiệu quả đến đâu…

Nếu nhắc đến GD&ĐT thì người ta không bao giờ nói đến phong trào. Phong trào chỉ là sự hỗ trợ bên ngoài, song song với quá trình dạy và học phải xây dựng các phong trào, mục đích là để dạy tốt học tốt. Cho nên Bác Hồ đã căn dặn: “Bất cứ nơi đâu dù hoàn cảnh nào cũng phải thi đua dạy tốt học tốt”. Ngày xưa chúng tôi học sư phạm cũng có một câu nói rất hay: “Không có học sinh dốt, chỉ có những thầy giáo chưa biết đưa phương pháp phù hợp với đứa trẻ”. Do đó cần nghĩ rằng, nếu đánh giá Phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” hiệu quả đến đâu thì tôi chỉ yêu cầu phong trào cần đi vào thực chất. Các nhà trường hiện nay cần phải cố gắng đưa phong trào chuyển biến, tạo thành chất lượng dạy và học, trong mỗi tiết học ấy là sự lồng ghép để dạy đạo đức cho học sinh. Nếu không thì phong trào sẽ không mang ý nghĩa giáo dục, không còn thiết thực nữa.

Đã nói là sự nghiệp trồng người thì thầy giáo có vai trò quan trọng nhất. Muốn dạy cho học sinh nên người thì qua mỗi bài học, các em phải càng biết yêu đất nước, yêu quê hương, gia đình, tôn trọng mọi người. Do đó chất lượng giáo dục là trên cơ sở dạy kiến thức và giáo dục hành vi cho học sinh, mà hành vi đó là vấn đề đạo đức, ứng xử, kỹ năng sống... Nguyên lý này đã có từ lâu đời rồi, nhưng vấn đề là làm sao nó phải là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong quá trình đào tạo giáo viên. Do vậy, khi chọn giáo viên là chọn người kỹ sư tâm hồn, cũng như khi thiết kế một căn nhà thì dễ nhưng thiết kế cho sự phát triển tâm hồn một đứa trẻ không đơn giản. Giáo dục lúc nào cũng phải đi trước, đi đầu về đạo lý, điều này mỗi giáo viên phải hiểu được, có vai trò và trách nhiệm lớn nên người thầy giáo mới được cả xã hội tôn vinh, và khi anh càng được tôn vinh thì phải thể hiện đúng vai trò và trách nhiệm của mình với học sinh, với xã hội.

Liên hệ với câu chuyện cô giáo N. quỳ xin lỗi phụ huynh thấy rằng, trách nhiệm trước hết trong câu chuyện này là về phía cô giáo. Chúng ta không thể bắt học sinh quỳ gối, dù cho có thể xã hội ngày xưa điều này không quá xa lạ. Lúc trước đây khi tôi đi dạy học, có nhiều em học sinh chưa ngoan, khi cô biểu quỳ thì đứng, lúc cô biểu đứng thì quỳ… Ngày trước mà đã có những học sinh không nghe lời cô giáo như vậy, khi đó chẳng lẽ mình bắt cả lớp quỳ hết hay sao, phải có biện pháp giáo dục nhẹ nhàng mà hiệu quả hơn chứ. Trong khi thời đại bây giờ đáng lẽ phải càng ngày càng văn minh hơn thì qua đây ta đánh giá về phía giáo viên, khả năng tự vệ, ứng xử đều hạn chế. Khả năng hạn chế khi ứng xử trong tâm thế chủ động trước học sinh và cả khi đối diện với phụ huynh ở thế bị động... Tương tự, năng lực của người cán bộ quản lý - như hiệu trưởng trong câu chuyện này cũng như vậy, vị này không đủ năng lực và trách nhiệm để bảo vệ môi trường mình

 được giao để quản lý.

Về phía học sinh hiện nay, tôi cho rằng chúng ta không nên chú trọng các kỳ thi mà quan trọng là kiến thức và lối sống văn hóa ứng xử mà các em học được trong nhà trường. Nằm trong trăn trở này sắp tới tôi sẽ tiếp tục dự án mình đang thực hiện và hoàn chỉnh sách “Cẩm nang dạy đạo đức cho học sinh thông qua từng bài học”, để chứng minh rằng có thể dạy đạo đức, văn hóa ứng xử cho học sinh thông qua tất cả các môn học, trong từng hoạt động ở nhà trường.

NGND.TS ĐẶNG HUỲNH MAI, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT

Báo động đỏ xuống cấp môi trường văn hóa trong nhà trường(Bài 3):Trách nhiệm trước hết thuộc về - Anh 2

 PGS.TS Đặng Quốc Bảo

Sáo mòn trong cách truyền đạt

Chúng ta, bao gồm cả nền giáo dục và truyền thông, dường như đang bị sáo mòn trong cách truyền đạt cho giới trẻ những giá trị cốt lõi về đạo đức. Nếu chỉ hô hào bằng những khẩu hiệu suông thì sẽ trở thành sáo rỗng và không bao giờ hiệu quả. Chúng ta đang thiếu những phương pháp, ngôn từ để gần gũi giới trẻ hơn mà đường như vẫn đang đứng ở trên họ. Là ông, cha, chú bác, thầy cô... nhưng cũng cần trở thành những người bạn của giới trẻ để hiểu họ, nói ngôn ngữ họ hiểu thì giáo dục mới hiệu quả. Tôi thật sự buồn khi nhận xét rằng, ngành giáo dục khá chậm chạp so với sự phát triển của xã hội. Tại lễ kỷ niệm 35 năm thành lập ngành Sư phạm, ngày 8.10.1981, nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã yêu cầu mỗi thầy, cô giáo phải trả lời cho được các câu hỏi: “Dạy cái gì? Dạy để làm gì? Nhà trường phải coi trọng giáo dục toàn diện cho học sinh, cả đức dục và trí dục, thể dục và mỹ dục. Phải làm và làm tốt giáo dục đạo đức cách mạng. Phải xây dựng trường ra trường, lớp ra lớp, thầy ra thầy, trò ra trò, dạy ra dạy, học ra học”.

Bởi vậy, tôi luôn mong muốn đưa “Tiên học lễ” trở lại nhà trường như một “quy tắc vàng” trong giáo dục nhân cách trẻ, với những diễn giải mới mẻ trong nội hàm khái niệm. Tôi tin: Một con người có mục tiêu học để làm người thì phải biết tôn trọng, phục tùng cái gì đã nhận thức được là phải, luôn có lòng trắc ẩn và hổ thẹn khi có ý nghĩ lệch chuẩn.Tôi hy vọng: Nếu hoạt động giáo dục coi đó là cái đích phải vươn tới thì quy tắc Tiên học lễ không chỉ cần thiết cho nhi đồng, thanh thiếu niên mà cho mọi người. Nó sẽ tạo nên các hiệu ứng tích cực cho sự phát triển bền vững của xã hội. Cách nhìn đó giúp cho mọi người tôn trọng người khác và thấy chính mình được tôn trọng. Tôi tin tưởng, theo sức mạnh văn hiến của dân tộc mà giáo dục là nền tảng đã bồi đắp nên, chúng ta có quyền hy vọng giáo dục sẽ vượt qua các ngổn ngang, dở dang để tiếp tục thực hiện có kết quả các ý tưởng đã kiến tạo được.

PGS.TS ĐẶNG QUỐC BẢO, nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục

Ý kiến bạn đọc