23 bức thư Bác Hồ gửi ngành Giáo dục: Tài sản, tình yêu, bài học vô giá cho nghề "trồng người"
VHO - Nghề giáo viên- nghề “trồng người” là nghề cao quý nhất trong các nghề cao quý. 23 bức thư của Bác Hồ kính yêu gửi cho ngành giáo dục là nguồn cổ vũ, động viên to lớn để người người, đặc biệt là các thầy cô giáo luôn cố gắng, bùng cháy “ngọn lửa trái tim” vì học sinh thân yêu.
Bác Hồ với các cháu học sinh thân yêu (ảnh tư liệu)
Những bức thư của Bác là tấm lòng, là yêu thương, là niềm tin mãnh liệt của Người dành cho sự nghiệp giáo dục, cho nghề giáo và nhiệt huyết cống hiến.
Trước lúc đi xa, Bác Hồ muôn vàn kính yêu ân cần căn dặn: “Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và cần thiết’’. Hơn ai hết, người giáo viên thấu hiểu và luôn thể hiện trách nhiệm cao nhất, nhiệt huyết nhất, “giữ vững niềm đam mê, tâm huyết với nghề, bản lĩnh vượt qua mọi trở ngại, khó khăn, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp trồng người cao quý” như trong thư của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng gửi ngành Giáo dục nhân ngày khai giảng năm học 2023 – 2024.
Năm học mới này là năm thứ 28 tôi đứng trên bục giảng. Như một thói quen, tôi ngồi đọc 23 bức thư của Bác Hồ kính yêu gửi cho ngành giáo dục. Những dòng thư ngắn gọn mộc mạc của Bác có sức lay động tâm hồn con người, đã tiếp thêm sức mạnh cho người làm nghề giáo.
Trong bức thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên của nước Việt Nam độc lập, Bác đã khích lệ các em học sinh và đề cao sứ mệnh của người thầy giáo. Bác viết: “Sau tám mươi năm giời nô lệ làm cho nước nhà bị yếu hèn, ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên đã để lại cho chúng ta, làm sao cho chúng ta theo kịp các nước khác trên hoàn cầu. Trong công cuộc kiến thiết đó, nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều”.
Bác còn khẳng định và trao gửi cả niềm tin hi vọng vào thế hệ trẻ khi Người viết “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.
Bức thư đầu tiên có ý nghĩa quan trọng khuyến khích và tạo động lực cho học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện; thể hiện niềm tin và hi vọng vào tương lai khi các em phấn đấu học tập để trở thành những công dân có ích cho đất nước. Bức thư cũng thể hiện tình yêu thương và quan tâm của Bác Hồ đối với học sinh, đồng thời khuyến khích các em phát triển tư duy ý thức và phẩm chất đạo đức.
Bác cũng nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc xây dựng và phát triển đất nước, khuyến khích học sinh trở thành những người có trách nhiệm và đóng góp tích cực cho xã hội. Đó còn là thông điệp ý nghĩa về niềm tin, tình yêu thương và sự quan tâm đối với giáo dục và tương lai đất nước của Bác Hồ.
Bác Hồ luôn đặc biệt quan tâm đến sự nghiệp trồng người. Ảnh tư liệu
Bức thư thứ hai, Bác viết vào tháng 5.1946 gửi các anh chị em giáo viên bình dân học vụ. Bức thư có ý nghĩa quan trọng trong việc tuyên truyền và khuyến khích tinh thần lao động học tập và đoàn kết trong xã hội. Bác thể hiện rõ sự quan tâm và đồng cảm đối với cuộc sống và những khó khăn mà các anh chị giáo viên bình dân học vụ phải đối mặt.
Trong thư Bác viết: “Anh chị em làm việc mà không có lương bổng, thành công mà không có tiếng tăm. Anh chị em là những người vô danh anh hùng. Tuy là vô danh nhưng rất hữu ích. Một phần tương lai của dân tộc, nước nhà nằm trong sự cố gắng của anh chị em’’.
Bác còn thể hiện sự kỳ vọng và niềm tự hào về họ: “Tôi mong rằng trong một thời kỳ rất ngắn, lòng hăng hái và sự lỗ lực của anh chị em sẽ có kết quả rất vẻ vang, đồng bào ta ai cũng biết đọc biết viết. Cái vinh dự đó thì tượng đồng, bia đá nào cũng không bằng’’.
Những bức thư tiếp theo của Bác Hồ đều có ý nghĩa sâu sắc và quan trọng. Nó không chỉ là những thông điệp đơn thuần mà còn là nguồn cảm hứng, động lực để mọi người tiếp tục đấu tranh và xây dựng xã hội công bằng, hạnh phúc. Ở đó còn là lời nhắc nhở về tinh thần tự hào dân tộc, tình yêu và lòng trung thành với Tổ quốc, quê hương.
Đặc biệt, trong bức thư cuối cùng, Người viết vào tháng 10.1968, và rồi sau đó không lâu, Người mãi mãi rời xa chúng ta. Bức thư là niềm tin tưởng của Người trước hoàn cảnh đất nước có chiến tranh mà sự nghiệp giáo dục của chúng ta vẫn phát triển nhanh, mạnh hơn bao giờ hết.
“Mặc dù giặc Mỹ điên cuồng đánh phá miền Bắc ác liệt, chúng không những đã thất bại thảm hại trên mặt trận chính trị, mà ta đã thắng chúng cả trên mặt trận giáo dục và đào tạo cán bộ’’, Người viết.
Bác còn viết: “Làm được như vậy là nhờ Đảng ta có đường lối đúng đắn, quân đội và nhân dân ta rất anh hùng và cũng do các cô các chú, các cháu trong các trường học đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ’’.
Bác động viên, cổ vũ tinh thần các thầy cô giáo và các em học sinh: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt. Trên nền tảng giáo dục chính trị và lãnh đạo tư tưởng tốt, phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn nhằm thiết thực giải quyết các vấn đề do cách mạng nước ta đề ra và trong một thời gian không xa, đạt những đỉnh cao của khoa học kĩ thuật”.
Bức thư cuối cùng có ý nghĩa khẳng định giáo dục là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng một xã hội tiến bộ. Người nhấn mạnh rằng giáo dục không chỉ là việc truyền đạt kiến thức mà còn là việc hình thành nhân cách đạo đức và tư tưởng của con người, từ đó góp phần vào sự phát triển của đất nước.
Đề cao vai trò của giáo viên trong giáo dục, Người cho rằng giáo viên không chỉ là người truyền đạt kiến thức mà còn là người hướng dẫn và truyền cảm hứng và tạo động lực cho học sinh. Thư Bác đã khuyến khích giáo viên phải có tinh thần trách nhiệm cao, đam mê giảng dạy và luôn cập nhật kiến thức mới nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh và xã hội.
Cô trò cùng đọc thư Bác
Thư của Người còn khuyến khích đầu tư vào giáo dục và xây dựng các cơ sở giáo dục ở các vùng sâu vùng xa, nơi mà giáo dục còn hạn chế. Bức thư là một tài liệu quý giá để nhắc nhở các thế hệ sau về tầm quan trọng của giáo dục trong sự phát triển của một quốc gia.
23 bức thư là tình yêu vô bờ bến của Người dành cho chúng ta. Đó không chỉ là trái tim mà còn là tầm nhìn chiến lược về con người về giáo dục thât sâu sắc của một bậc đại chí, đại nhân, đại dũng. Những bức thư của Bác là tài sản vô giá của đất nước mang trong mình những giá trị văn hóa, lịch sử và tinh thần của dân tộc. Đó là nguồn cảm hứng và động lực để chúng ta tiếp tục xây dựng và phát triển giáo dục góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước.
Đọc và suy nghĩ về giá trị tư tưởng của những bức thư của Người, tôi vô cùng xúc động. Đọc thư Bác, tôi đã hiểu được sức mạnh mà các thế hệ giáo viên có được là tình yêu Tổ quốc Việt Nam, là sự thấu hiểu cái giá của độc lập tự do là xương máu, là mồ hôi, là nước mắt. Những con người ấy thấy được ý nghĩa to lớn của công việc mình làm, của nghề giáo với vận mệnh, tương lai của đất nước.
Học sinh huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) khai giảng năm học 2023- 2024
23 bức thư của Bác là nguồn cảm hứng, thôi thúc mỗi chúng ta vững vàng vượt qua khó khăn của cuộc sống, thổi bùng lên ngọn lửa của niềm đam mê. Tất cả đã thôi thúc chúng tôi nỗ lực cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trồng người của mình. Biết bao những giờ dạy hăng say, tâm huyết, biết bao những hoạt động trải nghiệm của giáo viên và học sinh đã được diễn ra hàng ngày, hàng giờ như một minh chứng cho sự quyết tâm thi đua dạy tốt và học tốt, xứng đáng với tình yêu thương, sự mong đợi, kỳ vọng của Bác Hồ.
Những dòng thư của Bác chính là sự hiện hữu của Người trong cuộc đời mỗi chúng ta. Đúng như nhà thơ Tố Hữu đã viết:’’Nghĩ về Bác lòng ta trong sáng hơn’’. Bác để lại cho chúng ta những bài học đạo đức sáng ngời về nhân cách về lối sống, niềm tin và sức mạnh, cho chúng ta biết sống một cuộc đời có ý nghĩa: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình’’. Và luôn luôn tự hào về sự nghiệp trồng người, như Bác đã từng nói “Trồng người’’ là việc: “đại sự quốc gia’’
Niềm tin yêu, những lời dạy thiêng liêng của Bác đã khắc sâu vào trái tim khối óc của các thế hệ nhà giáo Việt Nam, mãi mãi là nguồn động viên, cổ vũ to lớn, là động lực mạnh mẽ để mỗi chúng ta thi đua phấn đấu vượt qua khó khăn thử thách để hoàn thành xuất sắc sứ mệnh vẻ vang - sứ mệnh trồng người. 23 bức thư là tình yêu, niềm tin nối dài vô tận của Bác với giáo dục nước nhà.
NGUYỄN HỒNG PHƯỢNG