Về danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”: Không thể chấp nhận  được

VHO- Trên báo chí và mạng xã hội đang dành sự chú ý đến tấm giấy mời chung kết cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam năm 2019” với nhiều gương mặt và được quảng bá toàn “nữ hoàng” như “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, “Nữ hoàng thực phẩm Việt Nam”, “Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam…”. Từ các “nữ hoàng” này lại tìm cho ra ra một “Nữ hoàng thảm đỏ”.

Về danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”: Không thể chấp nhận  được - Anh 1

 Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam 2018” Phạm Nữ Hiền Ngân

 Một chương trình được quảng bá rất hoành tráng nhưng lại do một Hội và công ty ô tô tổ chức với nhiều dấu hiệu bất thường.

Nghe đến danh hiệu… là choáng

Mới đây, Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam công bố thành lập tại TP.HCM. Ban này trực thuộc Viện Công nghệ chống làm giả (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam). Sau lễ công bố, dư luận “bổ ngửa” trước tên gọi danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” Phạm Nữ Hiền Ngân được lựa chọn vào vị trí lãnh đạo Ban Phát triển thương hiệu và Chống hàng giả Việt Nam. Theo thông tin ghi trên tài khoản Facebook cá nhân tên Hiền Ngân của “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, bà Ngân sinh năm 1987, đến từ Bình Định, hiện đang sống tại TP.HCM. Bà Hiền Ngân được biết đến nhiều với việc tham gia hầu đồng, một nghi lễ tâm linh trong các phủ, đền ở Việt Nam.

Được biết, danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” do Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam phối hợp với doanh nghiệp xuất nhập khẩu ô tô Ngọc Minh phong tặng năm 2018. Theo thông tin trên một tờ báo, người trao danh hiệu này cho Phạm Nữ Hiền Ngân là NSND Vương Duy Biên. Trao đổi với tờ báo này, NSND Vương Duy Biên cho biết, ông không biết gì về danh hiệu đó. Ông được mời đến dự sự kiện với tư cách đại biểu và được mời lên trao bằng cho bà Ngân. Khi được hỏi về danh hiệu “kỳ quặc” đó thì ông Biên nói “ông thấy chán những lộn xộn này”. Vậy căn cứ vào đâu để Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam đặt ra danh hiệu đó, và tiêu chí nào để bà Phạm Nữ Hiền Ngân được tặng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”? Phóng viên nhiều báo, đài đã cố gắng liên hệ với Hội này nhưng người có trách nhiệm lại không nghe máy.

Trao đổi với Văn Hóa về danh hiệu “có một không hai” trên, một nhà nghiên cứu lịch sử (xin không nêu tên) bày tỏ sự ngán ngẩm và không giấu nổi sự bức xúc: “Đến như văn hóa tâm linh mà người ta cũng nghĩ ra rồi tổ chức trao tặng danh hiệu để qua đó lòe bịp thiên hạ thì không còn gì để nói nữa. Phải hỏi nhà tổ chức rằng, họ nghĩ gì mà lại đưa vấn đề văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Việt Nam trở thành một danh hiệu và trao cho một cá nhân với tên gọi là Nữ hoàng? Không thể chấp nhận được”.

Trở lại với việc lùm xùm danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” của bà Hiền Ngân thì mới vỡ lẽ, đây không phải lần đầu tiên Hội này gây “bão” dư luận. Nhiều người còn nhớ tháng 8.2017, ca sĩ Ngọc Sơn được chính Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam trao tặng tấm bằng khen có giới thiệu Ngọc Sơn là “giáo sư âm nhạc, ca sĩ”. Ngay sau đó, ca sĩ này đã nhận không ít “gạch đá” của cộng đồng mạng, trong khi đó Hội Nghệ nhân và Thương hiệu Việt Nam vẫn im lặng và đến gần hai năm sau lại nổ ra sự kiện đình đám với danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” được Hội này trao tặng.

Về danh hiệu “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”: Không thể chấp nhận  được - Anh 2

 Giấy mời của chương trình Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam

Không có danh hiệu nào là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”

Không có gì đặc biệt nếu danh hiệu “Nữ hoàng” không xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội tại tấm giấy mời chương trình “Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”, dự kiến tổ chức ngày 13.7 tại Cung Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội trong đó hình ảnh “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam” Hiền Ngân chình ình ngay “chính điện” của giấy mời. Cũng trên giấy mời, chương trình này được bảo trợ thông tin bởi nhiều đài truyền hình, đài phát thanh, một số báo, tạp chí…

Về tên gọi danh hiệu trên, Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VHTTDL) khẳng định, qua rà soát Cục không thấy có cuộc thi “Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” nào được cấp phép và cũng không có danh hiệu nào là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”. Theo thư mời của chương trình, các vị khách mời gồm: Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam, Nữ hoàng thực phẩm, Nữ hoàng thương hiệu ngành thép, Á hoàng 2 Nữ hoàng dịch vụ nhà hàng Việt Nam… sẽ tham gia vào sự kiện thảm đỏ, để tìm kiếm Nữ hoàng thảm đỏ.

Trả lời báo chí về vấn đề này, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội, khẳng định vào 20h ngày 13.7 không có chương trình nào gọi là “Chung kết trao giải Nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019”. Hà Nội chỉ tiếp nhận chương trình biểu diễn nghệ thuật “Tôn vinh nữ hoàng thương hiệu Việt Nam 2019” của Sở VHTTDL Vĩnh Phúc cấp cho Công ty xuất nhập khẩu ôtô Ngọc Minh tổ chức chứ không phải là cuộc thi. Theo quy định hiện hành, các cuộc thi sắc đẹp, đơn vị xin giấy phép ở đâu sẽ phải tổ chức các vòng thi ở địa phương đó. Hà Nội không thể tiếp nhận cho phép tổ chức chung kết cuộc thi nếu đơn vị tổ chức xin phép Sở VHTTDL tỉnh Vĩnh Phúc. Tuy nhiên, Sở VHTT Hà Nội sẽ yêu cầu thanh tra kiểm tra thật kỹ quá trình tổ chức chương trình này, nếu phát hiện có bất kỳ vi phạm nào sẽ ngay lập tức thu hồi giấy phép và bắt ngừng tổ chức.

Ngay khi có danh xưng “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, loạt thành tích của Phạm Nữ Hiền Ngân được đăng tải: Bảng vàng Tâm tài đất Việt vì sự phát triển của cộng đồng; danh hiệu trái tim vàng vì cộng đồng; hãng phim Mỹ (không hiểu là hãng phim Mỹ nào?) bình chọn là cô hầu đồng đẹp nhất để quảng bá Hầu đồng Việt Nam đi khắp thế giới… 

 Đến như văn hóa tâm linh mà người ta cũng nghĩ ra rồi tổ chức trao tặng danh hiệu để qua đó lòe bịp thiên hạ thì không còn gì để nói nữa. Phải hỏi nhà tổ chức rằng, họ nghĩ gì mà lại đưa vấn đề văn hóa tâm linh, tín ngưỡng của Việt Nam trở thành một danh hiệu và trao cho một cá nhân với tên gọi là Nữ hoàng? Không thể chấp nhận được.

 Nữ hoàng... cũng xin rút khỏi phó ban

Viện Công nghệ chống hàng giả (trực thuộc Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam) vừa tổ chức buổi lễ công bố thành lập Ban Phát triển thương hiệu doanh nghiệp và chống hàng giả. Ban này có 5 người gồm 1 trưởng ban và 4 phó trưởng ban, trong đó có bà Phạm Nữ Hiền Ngân với danh xưng là “Nữ hoàng văn hóa tâm linh Việt Nam”, được giữ chức vụ phó ban. Sau khi Ban này được thành lập, ông Trần Quý Thanh, Tổng Giám đốc Công ty Tân Hiệp Phát, với chức vụ Phó ban, đã xin rút với lí do "Không phù hợp với chức vụ trên", sau đó thêm 2 phó ban nữa xin rút. Và ngày 5.7, bà Phạm Nữ Hiền Ngân cũng có đơn xin rút vì "Không đủ năng lực".

Như vậy, sau 1 tuần kể từ khi thành lập, Ban phát triển thương hiệu doanh nghiệp và chống hàng giả chỉ còn 1 trưởng ban. Ngay sau khi Ban này được thành lập, đã có nhiều ý kiến nghi ngờ về khả năng "chống hàng giả".

H.H

 

 HOÀNG ANH - HÀ MINH

Ý kiến bạn đọc