Từ những câu chuyện nhỏ...
VHO- Ấy là những năm tháng chiến tranh khốc liệt, thời kỳ bao cấp khó khăn, một năm 365 ngày nhưng chỉ có Tết mới được vui trọn vẹn… Bao giờ cũng vậy, Tết luôn đọng lại trong mỗi người hương vị, thanh âm riêng.
Có những thứ sẽ dần trôi tuột theo năm tháng, guồng quay của cuộc sống hiện đại có thể đã làm biến đổi phần nào giá trị của Tết. Nhưng nếu biết lắng lại, nghĩ khác đi thì Tết dường như vẫn luôn vẹn nguyên trong tâm thức mỗi người. Bao nhiêu năm trôi qua, nhà báo Trương Anh Ngọc vẫn lưu giữ trong mình dấu hiệu riêng về Tết. Đó là những hộp mứt Tết bọc bằng bóng bì đen, bên trong chứa các túi trứng chim trắng nhỏ xinh; rồi bánh pháo, chân giò... treo lủng lẳng trên xe của bố. Bố đi xe đạp gióng ngang, đặt túi đồ trên ghi đông mang Tết về cho cả nhà. Chỉ nghe tiếng bục… bục… bục… là biết bố đã về đến đầu ngõ rồi. Với anh, đấy chính là âm thanh của Tết.
Thời kỳ bao cấp khó khăn, một năm 365 ngày nhưng chỉ có Tết mới được ăn ngon. Trong nhà người lớn tất bật sắm sửa, trẻ con háo hức được mua quần áo mới, được xem đốt pháo, được lì xì... Trong ký ức nhiều đứa trẻ năm ấy là hình ảnh bố mẹ dọn dẹp nhà cửa, tắm rửa bằng nước mùi, bận rộn tới 6 giờ tối mới xong. Với chị Chu Kim Cúc, Hà Nội, Tết đọng cả trong dáng mẹ. Mẹ là một người đàn bà truyền thống, bao giờ cũng giữ nếp cho Tết thật trọn vẹn, từ cách cuốn nem, cắt khoanh giò cúng, cách luộc gà cho đêm Giao thừa, chăm chút đến cả lời ăn tiếng nói cho các con… “Ngày đó trong con mắt trẻ thơ của tôi, Tết cực kỳ tuyệt vời. Sự tất bật của mẹ làm cho tôi cảm thấy có cái gì đó rất háo hức đến khi chính mình trở thành một người mẹ, lại chuẩn bị Tết theo cách của mẹ”.
Còn với nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, ấn tượng Tết của ông là những năm tháng thời chiến tranh, thời bao cấp, rồi thời mở cửa đổi mới... Đó là những cái Tết mà bố không dám về chiều 30 vì nợ nhiều quá chưa trả được, ở nhà sợ người ta đánh tiếng; là cái Tết thiếu từng cái ăn, cái mặc, bố làm ở công ty nhuộm, giáp Tết đưa về mấy bộ quần áo cho con cái mặc. Ra Tết ông lại cầm đi tất, té ra ông nói với người ta là nhuộm chưa xong, để dành mấy cái cho các con mặc Tết…
Nhìn lên ban thờ tổ tiên của các gia đình trong những năm tháng chiến tranh mới xúc động về tinh thần người Việt. Ở đó, không chỉ có bát hương tổ tiên mà cả những hình ảnh hướng người ta về Tổ quốc linh thiêng. Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhớ lại tuổi thơ chín mười tuổi ở làng Sưa hẻo lánh của huyện thuần nông Vĩnh Bảo, Hải Phòng: “Bố tôi là một ông đồ, chuyên vẽ tranh dân gian và viết chữ nho cho cả làng. Cứ đến ngày Tết, ông lại viết bốn chữ to: “TỔ QUỐC TRÊN HẾT” tặng cho dân làng. Nhà nào cũng háo hức đến xin chữ về treo trên bàn thờ”.
“Từ rằm tháng Chạp, bố mẹ đã rục rịch chuẩn bị từng tí nước mắm ngon, hạt tiêu, gạo nếp, gạo tẻ, nấm hương, mộc nhĩ… Bữa cơm chiều 30 Tết bởi vậy mà gói bao nhiêu tâm sức một năm. Nhà nào khá giả mới có đủ cả cá kho, thịt đông, giò xào… không thì cũng gắng lo tươm tất nhất có thể”, mấy đời ăn Tết giữa lòng phố cổ, ông Nguyễn Huy Hùng, 80 tuổi, ở phố Hàng Bạc vẫn nhớ không khí Tết gia đình Hà Nội xưa. Ngày xưa mùa nào thức nấy, chỉ Tết mới có bánh chưng xanh, đầy đủ thịt mỡ dưa hành, đào, quất… cho nên ai cũng chỉ mong đến Tết, ước ao, háo hức, sung sướng, cái gì cũng để dành cho Tết.
Trong một cuộc bàn luận, nhiều người không ngần ngại “kể tội” Tết kèm theo vất vả, vướng bận, thậm chí nhàm chán. Nói vậy nhưng với chị Chu Kim Cúc, Tết vẫn mang một ý nghĩa đặc biệt: “Tuy phải tất bật, lo toan như thế nhưng nhìn thấy con cái cũng háo hức như tôi ngày xưa, đặc biệt bữa cơm chiều 30 Tết mọi người ăn uống vui vẻ, tự dưng tôi thấy công sức bỏ ra mang lại được niềm vui ấm áp”.
Rõ ràng Tết cũng nên được nhìn ở một góc độ khác nhưng nếu chỉ nhìn không khí chuẩn bị Tết một cách đơn thuần thì đã vô tình bỏ qua rất nhiều giá trị. Bởi vì việc chuẩn bị cho ngày Tết không chỉ là phân công lao động mà còn gắn kết mọi người. Chỉ khi hiểu về ý nghĩa cội nguồn dân tộc muốn thể hiện trong ngày Tết, giữ cái ấy thì dù có đổi thay hiện đại mấy thì vẫn trọn vẹn là Tết Việt.
THÁI MINH