“Trở thành Học viện sẽ giải quyết nhiều bất cập…”
VHO- Ngày 22.1, Trường Cao đẳng Múa Việt Nam sẽ chính thức trở thành Học viện Múa Việt Nam sau mấy thập niên chờ đợi. Nhân sự kiện này, phóng viên Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với TS.NSND Nguyễn Văn Quang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Ông cho biết:
Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện tặng hoa chúc mừng các thầy cô giáo Trường Cao đẳng Múa Việt Nam nhân Kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam 20.11.2018 Ảnh: TRẦN HUẤN
- Việc thành lập Học viện Múa Việt Nam trên cơ sở Trường Cao đẳng Múa Việt Nam là sự mong chờ, là niềm hân hoan, vui mừng của cả ngành múa nói chung. Học viện sẽ góp phần nâng cao chất lượng, trình độ đào tạo, năng lực nghiên cứu khoa học, phát huy năng lực sáng tạo nghệ thuật cho đội ngũ nghệ sĩ múa Việt Nam, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng và phát triển nền nghệ thuật múa Việt Nam. Quan trọng nữa là trong công tác đào tạo diễn viên múa được nâng cấp đào tạo khi tốt nghiệp ra trường góp phần nâng cao chất lượng và chuẩn hóa đội ngũ nghệ sĩ biểu diễn.
Vậy việc thành lập Học viện có thực sự giải quyết được những khó khăn, bất cập mà lâu nay Trường Cao đẳng Múa Việt Nam gặp phải?
- Chắc chắn là có. Việc nâng cấp Học viện Múa Việt Nam sẽ giải quyết được hàng loạt những bất cập, tồn tại của một ngành đào tạo năng khiếu trong mấy thập kỷ qua. Đó là sự bất cập giữa trình độ năng lực cao với bằng cấp thấp; giữa thời gian đào tạo dài, tuổi nghề ngắn với nhu cầu nâng cao trình độ đào tạo mà không có cơ sở đào tạo bậc đại học. Thời gian đào tạo trung cấp liên thông đến đại học là 8 năm cho hệ đào tạo diễn viên kịch múa, 6 năm cho hệ diễn viên múa dân tộc và từ đây học sinh, sinh viên sẽ được trang bị kiến thức chuyên sâu hơn.
Có thể nói, từ nay HSSV khi ra trường sẽ được nhận tấm bằng tốt nghiệp đại học qua đó các em sẽ tự tin hơn rất nhiều và càng có thêm động lực để gắn bó với nghề. Nâng cấp lên đại học không chỉ đảm bảo tính nhân văn mà còn tránh được sự lãng phí nguồn nhân lực của ngành đào tạo. Được nâng cấp thành Học viện, ngành múa sẽ đào tạo bậc đại học, sau đại học và sẽ khắc phục được thực trạng hiện nay khi mà các TS, ThS của ngành múa VN đều mang các mã ngành khác. Học viện được thành lập sẽ góp phần quan trọng trong thời kỳ hội nhập với quốc tế, trong việc trao đổi giảng viên, học sinh học tập, giúp trường có một tâm thế khác hẳn bậc cao đẳng, phát triển công tác đào tạo ở một vị thế mới.
Chắc chắn trong mùa tuyển sinh năm tới, số lượng học sinh đăng ký dự tuyển sẽ đông hơn khi mà các bậc phụ huynh thấy múa đã có đào tạo bậc đại học, điều này cũng sẽ giúp trường nâng cao chất lượng đầu vào ngay từ khâu tuyển sinh không còn phải trông chờ nguồn học sinh không thi đỗ ở trường khác mới “đầu quân” vào múa.
Trên cơ sở cao đẳng nâng cấp lên Học viện Múa Việt Nam, trường đã có đủ quy mô để đào tạo ngành và tuyển sinh cho các cấp đại học, sau đại học?
- Hiện nay trường có 72 giảng viên gồm 7 TS, 2 nghiên cứu sinh, 33 ThS, 38 cử nhân, 1 NSND, 1 NGND, 5 NSƯT, 2 NGƯT. Ngoài ra có một đội ngũ giảng viên thỉnh giảng là các chuyên gia đầu ngành là GS, PGS, TS, NGND, NGƯT, NSND, NSƯT. Có thể khẳng định đội ngũ giảng viên cơ hữu cũng như chương trình đào tạo, giáo trình có đầy đủ khả năng để đáp ứng yêu cầu đào tạo nâng cấp Học viện Múa VN.
Trong Đề án, trường đã đưa ra một số mô hình đào tạo trong đó bậc đại học sẽ có 3 chuyên ngành: Diễn viên múa, Biên đạo múa, Huấn luyện múa. Khi nâng bậc đại học các học sinh sẽ được trang bị các kiến thức chuyên sâu trong 8 năm học từ trung cấp liên thông lên đại học, trong đó các em sẽ phải học 5 năm hết trung cấp. Trường sẽ thành lập một bộ phận nghiên cứu chuyên sâu về lịch sử và văn hóa các dân tộc, sưu tầm di sản múa của cộng đồng các dân tộc, tiếp thu chọn lọc tinh hoa nghệ thuật múa thế giới, tiến hành biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo Đại học.
Hiện nay ngành múa cần những yếu tố gì để phát triển?
- Điều mà những người làm công tác đào tạo chúng tôi quan tâm nhất vẫn là HSSV của mình ra phải có một môi trường hoạt động tốt. Các em ra trường được nhận về các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp thì chế độ lương rất thấp, chính sách đãi ngộ chưa thỏa đáng nên sẽ rất khó bám nghề. Các em ra trường chỉ tập trung ở một số nhà hát Trung ương, của ngành, nhưng rất nhiều em tham gia các nhóm biểu diễn bên ngoài để nhận thù lao cao hơn.
Tuy nhiên khi xem các chương trình mà các em ấy biểu diễn thì rất ít em được trưng dụng hết khả năng, năng lực, kiến thức đã được đào tạo. Những người thầy như chúng tôi chỉ mong cho học trò của mình phát huy được khả năng và không lãng phí những kiến thức mà các em đã được đào tạo bài bản tại nhà trường.
NGUYÊN NGỌC (thực hiện)