Ấn phẩm kể chuyện Hà Nội qua những công trình kiến trúc:

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm

HOÀNG VY

VHO - Một ấn phẩm kỳ công, mang giá trị đặc biệt bởi trong từng trang sách đều hàm chứa “tham vọng” lan tỏa từ đội ngũ thực hiện. Có lẽ, sẽ không quá khi “Kiến trúc Hà Nội, Giao thoa văn hóa Việt- Pháp” được đánh giá là cuốn sách “có một không hai”.

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 1
“Kiến trúc Hà Nội, Giao thoa văn hóa Việt- Pháp” tạo ấn tượng với từng trang sách được thiết kế ấn tượng, độc đáo,

Lật mở từng trang sách được thiết kế ấn tượng, độc đáo, độc giả như được cuốn theo dòng chảy câu chuyện về từng công trình kiến trúc- những chứng nhân lịch sử, được lắng nghe thông điệp mang khát vọng bảo tồn những tinh hoa di sản trên mảnh đất ngàn năm.

Di sản kiến trúc và ký ức vàng son

Sách “Kiến trúc Hà Nội, Giao thoa văn hóa Việt- Pháp” vừa ra mắt đã khiến các chuyên gia dành tặng vô số lời khen, bởi sự quy mô, thiết kế hiện đại và hơn cả, là những giá trị đặc biệt rất hiếm gặp.

Vượt qua giá trị của một cuốn sách nghệ thuật, đây có thể xem như một công trình sử liệu học thuật, dưới góc nhìn trẻ và nghệ thuật, tôn vinh vẻ đẹp kiến trúc của Hà Nội qua các thời kỳ. Một ấn phẩm hiếm hoi được thực hiện bởi một ban cố vấn hùng hậu, nhiều tên tuổi kỳ cựu, kết hợp với những gương mặt trẻ, tài năng, có những góc nhìn riêng, sáng tạo.

Ấn tượng thị giác của cuốn sách cũng hoàn toàn khác biệt. Định dạng bìa cứng, thiết kế ấn tượng, dày 364 trang, song ngữ Việt – Pháp. Sau giao diện ban đầu này, ấn tượng đẹp dường như càng được nhân lên khi độc giả bước vào không gian những trang sách, giống như một sử ký Hà Nội được viết bằng nghệ thuật kiến trúc.

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 2
Ấn tượng thị giác của cuốn sách cũng hoàn toàn khác biệt

Ký ức vàng son của Hà Nội, một thành phố nên thơ, lãng mạn cứ thế mà hiển hiện, qua từng câu chuyện mà di sản kiến trúc Hà Nội- những chứng nhân lịch sử, được từ từ thuật lại.

Chia sẻ về điểm khác biệt của cuốn sách, ông Nguyễn Quốc Khanh, Chủ tịch Công ty CP Xây dựng Kiến trúc AA cho biết, cách  trình bày cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều bạn trẻ thường cảm thấy e ngại trước những cuốn sách mang tính học thuật. Vì vậy, cuốn sách được thiết kế kèm mã QR (mã vạch) để người trẻ có thể quét và tìm hiểu thêm về quá trình làm ra cuốn sách. Đây cũng là một cách tạo sự tò mò, thu hút.

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 3
Ấn phẩm có cách trình bày cách hấp dẫn, dễ tiếp cận, phù hợp với đông đảo độc giả, đặc biệt là giới trẻ

Mặt khác, theo ông Nguyễn Quốc Khanh, người gìn giữ di sản cho thế hệ sau phải là những người trẻ. Vì vậy, cuốn sách được lựa chọn biên soạn bởi những người trẻ - thế hệ sẽ thay cha ông, tiếp tục gìn giữ các di sản vô giá - không chỉ bằng trách nhiệm mà cả sự tự hào, thích thú, để từ đó lan tỏa tinh thần này. Ê-kíp từ giám đốc dự án đến nhiếp ảnh gia, họa sĩ minh họa… đều chỉ khoảng 30 tuổi. Cùng với sự đóng góp và biên soạn của các chuyên gia có kiến thức sâu rộng về kiến trúc di sản, những người trẻ đã đặt hết trái tim, tri thức và khả năng sáng tạo để hoàn thành cuốn sách.

“Mong muốn cuốn sách được độc giả trẻ đón nhận thì nhóm tác giả cần là những người trẻ, có cách thức thể hiện mới mẻ, không quá mô phạm…”, ông Khanh khẳng định.

Nhấn mạnh rằng ấn phẩm đã có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình ảnh, tạo cảm giác cuốn hút cho người đọc, bà Sophie Maysonnave, Tham tán Văn hóa và Hợp tác, kiêm Giám đốc Viện Pháp tại Việt Nam chia sẻ, yếu tố "rất Việt Nam" được cảm nhận rõ nét trong sự giao thoa văn hóa Pháp tại Hà Nội ở cuốn sách này.

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 4
Ấn phẩm có sự kết hợp hài hòa giữa nội dung và hình ảnh, tạo cảm giác cuốn hút cho người đọc

“Các công trình được lựa chọn phần lớn là những công trình công cộng, bản thân chúng thường không dễ tiếp cận. Qua từng trang sách, độc giả có cơ hội khám phá lại những giá trị kiến trúc của Hà Nội một cách chi tiết và sinh động, rất thú vị và đáng trân trọng”.

Bà Sophie Maysonnave bày tỏ, đây là cuốn sách này vô cùng đặc biệt. Kiến trúc Đông Dương cũng như các công trình kiến trúc thời kỳ này không chỉ mang dấu ấn của kiến trúc Pháp mà còn phản ánh sự thích nghi với khí hậu và văn hóa bản địa. Được thực hiện bởi người Việt Nam, cuốn sách đã thể hiện được điều đó, khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy di sản kiến trúc trong bối cảnh hiện nay.

Bảo tồn kho báu kiệt tác

Theo KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, với mỗi đô thị trên thế giới, kiến trúc luôn là sự biểu đạt nền tảng văn hóa, cấp độ phát triển của đô thị đó. Trong những đô thị hàng đầu thế giới làm được điều này, Thăng Long- Hà Nội có vị trí vững chắc.

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 5
Người đọc khi tiếp cận với cuốn sách đều cảm nhận như được xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc- những kho báu kiệt tác làm nên một phần vóc dáng của đất kinh kỳ

“Ở quyển sách này, thông qua những phân giải súc tích và minh họa sống động, chúng ta sẽ tìm thấy khát vọng thể hiện sự ngời sáng kiến trúc của những người hiểu biết chuyên môn, nhiệt tâm với Hà Nội…”, theo KTS Phan Đăng Sơn.

Chính bởi sự tham gia của đội ngũ quý báu đó đã góp phần nhân lên giá trị của ấn phẩm. Người đọc dù vội vàng hay thư thái thì khi tiếp cận với cuốn sách đều cảm nhận như được xem một cuốn phim về lịch sử Hà Nội, ngược thời gian trở về thế kỷ 19, 20 để đi vào từng ngóc ngách và chi tiết của 18 công trình kiến trúc- những kho báu kiệt tác làm nên một phần vóc dáng của đất kinh kỳ. Đặc biệt là các công trình thời Pháp thuộc như Phủ Chủ tịch, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà khách Chính phủ, Trụ sở Tòa án Nhân dân Tối cao, Nhà tù Hỏa Lò, Khách sạn Metropole Hanoi, Thư viện trường THPT Chu Văn An…

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 6
Công trình kiến trúc Nhà hát Lớn Hà Nội tạo nên một biểu tượng của văn hóa, kiến trúc Thủ đô

Hồi ức trong ông Maurice Nguyễn, chắt của KTS François Charles Lagisquet, một trong những KTS thiết kế Nhà hát Lớn Hà Nội, vẫn nhớ mãi khoảnh khắc mẹ  ông nhắc đến công trình kiến trúc nổi tiếng ở Hà Nội- Nhà hát Lớn. “Mẹ nói công trình đó do ông cố tôi tham gia xây dựng, nên lần đầu tiên bước chân đến Hà Nội, tôi đã rất muốn đi tham quan Nhà hát Lớn. Khi thấy Nhà hát Lớn, tôi có cảm xúc rất đặc biệt và cảm nhận kiến trúc công trình rất đẹp...”, ông Maurice Nguyễn bộc bạch.

Tình yêu Hà Nội, và cả cái cảm giác lãng mạn khi đứng trước công trình kiến trúc biểu tượng của Thủ đô ngày ấy mãi vẹn nguyên, và có lẽ chính là lý do để Maurice Nguyễn hân hạnh đồng hành cùng dự án tạo nên ấn phẩm giá trị về kiến trúc Hà Nội- “Kiến trúc Hà Nội, Giao thoa văn hóa Việt- Pháp”.

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 7
Cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho độc giả yêu mến kiến trúc Pháp tại Hà Nội.

KTS Vũ Hiệp cho rằng, với nội dung chất lượng, cuốn sách là tài liệu tham khảo hữu ích dành cho độc giả yêu mến kiến trúc Pháp tại Hà Nội. Qua từng trang sách, người đọc có thể cảm nhận rõ nét sự giao thoa văn hóa Pháp - Việt đầu thế kỷ 20, nơi đã sản sinh ra những kiệt tác kiến trúc quý giá, vẫn được bảo tồn và gìn giữ đến ngày nay.

Dưới góc nhìn chuyên môn về lịch sử, nhà sử học Philippe LE FAILLER, Trung tâm Viện Viễn Đông Bác cổ tại Hà Nội lại bày tỏ, trong hành trình khám phá di sản kiến trúc của thành phố, KTS Trần Quốc Bảo đã dẫn dắt người đọc qua từng công trình nổi bật, giải thích lịch sử và phong cách kiến trúc – đôi khi là sự pha trộn độc đáo – của mỗi tòa nhà.

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 8
Khối nhà chính của trụ sở Bộ Ngoại Giao

Ông cho rằng, với sự chú trọng đến từng chi tiết và cách sử dụng phong phú các hình ảnh, bản đồ, bản vẽ, cuốn sách là một câu chuyện sống động và chính xác. Ở đó, mỗi công trình, mỗi di tích không chỉ là một câu chuyện kiến trúc mà còn là một lát cắt lịch sử của Hà Nội.

Ví von Hà Nội như một “cô gái Lọ Lem”, KTS Đoàn Kỳ Thanh nhận định đây là ấn phẩm công phu về nghiên cứu khoa học. “Sách rất đẹp về trình bày, nhưng ấn tượng hơn nữa là những giá trị của các tài liệu lần đầu tiên xuất hiện, từ những bản vẽ tay bằng bút mực xanh ngày xưa cho đến những bức ảnh. Đó thực sự là một cuốn sách vô cùng giá trị...

Thông điệp gìn giữ, phát huy di sản ngàn năm - ảnh 9
Trong ấn phẩm này, mỗi công trình, mỗi di tích không chỉ là một câu chuyện kiến trúc mà còn là một lát cắt lịch sử của Hà Nội

Điều đáng quý nữa ở cuốn sách này là có các tư liệu lần đầu được công bố, các sơ đồ, các mặt bằng, mặt cắt từ thời Pháp được thu thập tìm kiếm và sưu tập. Có thể thấy, các tác giả làm nên tác phẩm này không chỉ có tình yêu với Hà Nội, với kiến trúc Pháp mà còn thể hiện trách nhiệm rất lớn cho các thế hệ sau”, theo KTS Đoàn Kỳ Thanh.

Chủ tịch UBND Quận Hoàn Kiếm, ông Phạm Tuấn Long cũng bày tỏ, thông thường, các cuốn sách về kiến trúc đều khiến độc giả nghĩ rằng là những ấn phẩm chuyên ngành, chỉ dành cho người làm nghề.

“Nhưng ấn phẩm này lại cho thấy những góc tiếp cận rất mới, rất giá trị. Cách tiếp cận của các bạn trẻ là cách làm rất hay, rất có sức cuốn hút và cách truyền tải thông tin cũng dễ hiểu hơn. Hệ thống tranh, ảnh trình bày, thiết kế có chất lượng rất tốt. “Kiến trúc Hà Nội, Giao thoa văn hóa Việt- Pháp” vì thế là một cuốn sách hấp dẫn người đọc, không chỉ là giới nghề kiến trúc”, ông Phạm Tuấn Long chia sẻ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc