Thói quen “vạ miệng” của nghệ sĩ Việt

BÁ TRƯỜNG

VHO - Câu chuyện phát ngôn hớ hênh của một bộ phận nghệ sĩ Việt không phải bây giờ mới có, khi nhiều câu nói của họ đã trở thành “thảm họa” và lan truyền chóng mặt trên các phương tiện truyền thông. Dường như, “thói quen” này đã và đang làm giảm sút sự yêu mến của công chúng, làm mờ đi những hình ảnh đẹp đã được nghệ sĩ tạo dựng trước đó.

Thói quen “vạ miệng” của nghệ sĩ Việt - ảnh 1
Rapper Negav biểu diễn trong chương trình “Anh trai say hi”

 Cho nên, đã là người nổi tiếng thì luôn phải hết sức thận trọng, chỉn chu trong từng lời ăn tiếng nói, cử chỉ hành động dù là nhỏ nhất và tưởng chừng “đơn giản” khi đứng trước khán giả…

Chuyện nhỏ… nhưng không nhỏ

Mới đây nhất, trong đêm concert 1 của “Anh trai say hi”, sau tiết mục Tình đầu quá chén, nam rapper Negav đã nhắn gửi tới mẹ: “Mẹ ơi, mẹ thấy quyết định cho con nghỉ học đúng chưa?” trước 20.000 khán giả. Phát ngôn này đã nhanh chóng gây “bão mạng” vì bị cho là cổ xúy việc nghỉ học và ảnh hưởng lớn đến giới trẻ.

Thậm chí, dân cư mạng còn phát hiện tài khoản của Negav làm admin cho một hội nhóm đăng tải nhiều bài viết có nội dung kém văn minh. Câu chuyện không dừng lại ở đó, hàng loạt bình luận nhạy cảm của Negav trên mạng xã hội từ lúc chưa tham gia vào làng giải trí cũng bị “đào” lại…

Chưa bàn đến vai trò một người nổi tiếng có sức ảnh hưởng như hiện tại, những ồn ào vừa qua đã kéo hình ảnh của nam rapper đi xuống, hàng loạt nhãn hàng, thương hiệu buộc phải gỡ bỏ hình ảnh, bài viết liên quan Negav trước làn sóng chỉ trích của dư luận.

Rõ ràng, những phát ngôn hay lối sống của giới showbiz luôn có sức ảnh hưởng nhất định tới công chúng. Một trong những trường hợp cực kỳ đáng tiếc phải kể đến Ý Nhi - Hoa hậu Thế giới Việt Nam 2023.

Sau đêm đăng quang, còn chưa kịp “sống” cùng danh hiệu, Ý Nhi đã phải gánh chịu hàng loạt công kích vì những câu nói ngây thơ, thậm chí ngây ngô đến khó hiểu của cô nàng. Và rồi, cũng như đa phần người nổi tiếng chọn giải pháp trốn tránh sau lùm xùm, thay vì trực diện đối mặt để chứng tỏ giá trị và bản lĩnh trước “bão truyền thông”, công ty chủ quản và gia đình phải để Ý Nhi đi “lánh nạn” dưới danh nghĩa du học Úc một thời gian.

Thực tế cho thấy, rất ít nghệ sĩ Việt biết cách “nói chuyện” trước công chúng, và nghịch lý ở chỗ, những người không khéo nói lại… rất thích nói. Không ít trường hợp đã phải trả giá vì sự thiếu hụt nghiêm trọng kỹ năng giao tiếp, nhưng có vẻ hậu quả mà các đàn anh đàn chị từng gánh chịu vẫn chưa “đủ đô” đối với các “tấm chiếu mới”.

Thành nhân trước khi thành danh

Đằng sau câu nói vô tư của rapper Negav trong chương trình “Anh trai say hi” là việc tồn tại vấn đề nan giải từ lâu của làng giải trí Việt. Thậm chí, câu chuyện này không chỉ lặp lại ở các nghệ sĩ trẻ, mà ngay cả những “cây đa cây đề” cũng không tránh khỏi vết xe đổ.

Như ca sĩ Mỹ Tâm từng phát ngôn kém duyên khi MC Diễm Quỳnh hỏi: “Mỹ Tâm bây giờ ước gì?”, nữ ca sĩ hồn nhiên: “Em chỉ muốn chị đi vào cho em hát”! Hay người mẫu Xuân Lan cũng gây tranh cãi khi phóng viên hỏi: “Theo chị hàng hiệu có thực sự cần thiết trong cuộc sống mỗi người không?”, Xuân Lan khẳng định: “Người không dùng hàng hiệu xem như không có tương lai”… (?!).

Nguyên nhân của thói quen ăn nói văng mạng, thiếu suy nghĩ này là do đa phần nghệ sĩ Việt chưa nhận thức được ý nghĩa thương hiệu “người của công chúng”.

Một khi đã được “vua biết mặt, chúa biết tên” thì quyền lực biến thành phép thử nhạy cảm, khiến bất kỳ ai cũng dễ lạc vào ma trận của hào quang mà quên mất yếu tố quan trọng thứ hai - trách nhiệm công dân của nghệ sĩ. Bởi không chỉ được nhiều người yêu mến, họ còn là thần tượng, là “đích” phấn đấu của lớp trẻ, nên mọi ứng xử, phong cách, lối sống, phát ngôn… cần phải hết sức cẩn trọng, mực thước, có chiều sâu và kiến thức văn hóa.

Có thể thấy, trước những sai lầm không đáng có của nghệ sĩ, cách xử lý truyền thông đơn giản nhất là “xin lỗi”… Thế nhưng trên thực tế, khi đã chọn cách “xin lỗi” thì không ít người lại tiếp tục mắc lỗi, đó là giải thích dài dòng, biện minh, đổ tất cả cho… định mệnh. Trong khi sự tha thứ, cảm thông của khán giả luôn bắt nguồn từ thái độ chân thành chứ không phải “chẻ sợi tóc làm tư” để phán xét ai đúng ai sai.

Quay trở lại phát ngôn vạ miệng của rapper Negav, anh này đã có động thái đăng bài nhận lỗi trước người hâm mộ: “Negav đã gây hiểu lầm khi chia sẻ trước công chúng về chuyện đi học - bỏ học. Đây là lời nói thật lòng của cá nhân tôi gửi đến mẹ, theo cách tôi hay nói chuyện với bà, hoàn toàn không có ý cổ xúy các bạn bỏ học giống tôi và lấy đó làm tự hào. Tôi biết mình đã chọn sai ngữ cảnh, nên muốn công khai chia sẻ rõ ràng ở đây với tất cả mọi người. Thật lòng tôi rất xin lỗi vì đã gây ra hiểu lầm lớn này…”.

Ở chiều ngược lại, nên chăng, thay vì quá khắt khe thì công chúng cũng cần có cái nhìn bao dung hơn cho một người trẻ vừa chập chững thành công, để họ có thời gian, cơ hội thể hiện mình và hoàn thiện mình. Chúng ta có quyền phê bình, phán xét, ủng hộ hoặc phản đối, nhưng phản đối đến mức tiêu cực, thậm chí “truy cùng diệt tận” thì e là thái quá.

Còn về phía các “ngôi sao”, với sức ảnh hưởng, độ lan tỏa rộng lớn, trước khi muốn phát ngôn bất cứ điều gì, hãy làm theo các cụ ta vẫn dạy là “uốn lưỡi bảy lần”.

Bởi lẽ, tiếng nói của một nghệ sĩ dù chỉ đại diện cho cá nhân nhưng sự tác động đến cộng đồng xã hội, cả về mặt tích cực và tiêu cực, đều không thể đong đếm. Suy cho cùng, đích đến cuối cùng mà nghệ sĩ mong muốn mang lại cho công chúng là giá trị và ý nghĩa nhân văn trong từng tác phẩm nghệ thuật, chứ không phải những hào nhoáng, viển vông, phù phiếm bên ngoài…