Sức hấp dẫn của xã hội miền Nam xưa qua tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh

TÙNG THƯ

VHO - NXB Tổng hợp TP.HCM giới thiệu các tác phẩm in mới và tái bản của Hồ Biểu Chánh. Bằng văn phong bình dị, ông đã khắc họa sinh động đời sống xã hội miền Nam xưa, tạo sức sống mãnh liệt cho các tác phẩm và lay động nhiều thế hệ độc giả.

Sức hấp dẫn của xã hội miền Nam xưa qua tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh - ảnh 1
Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh được ví von như một bộ lịch sử phong tục về một miền Nam thế kỷ trước

Nhà văn Hồ Biểu Chánh có thể được coi là người mở đường cho dòng tiểu thuyết Việt Nam hiện đại. Với lối viết giản dị và tự nhiên, ông khắc họa chân thực tâm lý và cảm xúc của người dân Nam Kỳ thế kỷ XX.

Chính vì thế, các tác phẩm của ông luôn gần gũi, dễ tiếp cận và dễ dàng chạm đến trái tim người đọc. Nhiều nhà nghiên cứu nói rằng, muốn hiểu con người và văn hóa Nam Bộ thì không thể bỏ qua tác phẩm của Hồ Biểu Chánh. 

Gia tài văn chương của Hồ Biểu Chánh khá đồ sộ. Ngoài việc ông viết trên 70 tiểu thuyết và đoản thiên, ông còn viết nhiều thể loại khác như tuồng hát, hồi ký, biên khảo, thơ, dịch thuật, phê bình, tùy bút...

Hồ Biểu Chánh sinh năm 1885 tại Gò Công. Ông bắt đầu viết văn từ năm 1910, và tiểu thuyết đầu tay của ông là "Ai làm được" (1912).

Trong suốt 19 năm, ông đã viết 18 tiểu thuyết và nhiều kịch bản. Với niềm đam mê văn học, ông hoàn thành hơn 70 tác phẩm, gồm tiểu thuyết và đoản thiên.

Tiểu thuyết cuối cùng của ông, "Hy sinh", chưa kịp hoàn thành trước khi ông qua đời vào năm 1958 tại Phú Nhuận.

Tính ra cũng hơn 130 tác phẩm, một con số ít nhà văn Việt Nam nào đạt được con số mơ ước này. Ngày nay, các tác phẩm của ông vẫn hiện hữu trên trang sách, sân khấu, phim ảnh... được công chúng yêu quý đón nhận.

Các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh do NXB Tổng hợp TP.HCM xuất bản trong thời gian qua, có thể kể đến: Con nhà nghèo; Con nhà giàu; Nợ đời; Ăn theo thuở, ở theo thời; Cay đắng mùi đời; Bỏ chồng; Bỏ vợ; Chị Đào, Chị Lý; Chúa tàu Kim Quy;... cùng nhiều tác phẩm khác.

Tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh bao quát những mảng hiện thực, những nét văn hóa đặc trưng của Nam Bộ vào những thập niên đầu thế kỷ XX.

Đó là sự tha hóa của con người trong sự lớn lên vùn vụt của của đầu óc trọng thương, là số phận đáng thương của những thường dân rơi vào cảnh cùng quẫn, là những câu chuyện thế sự giàu chất nhân văn của những con người trên vùng đất mới.

Tác phẩm của ông luôn bao phủ ý hướng về phong tục và luân lý đạo đức, hướng về hướng thiện trong con người. Bức tranh hiện thực xã hội và "thương" cho thân phận con người còn chịu nhiều trái khuấy, bất công.

Tiểu thuyết của ông vừa tiếp thu Tây hóa kỹ thuật vừa bảo tồn sắc thái địa phương cũng như tinh thần dân tộc. Từ ngữ và lối tả chân thực tự nhiên, chất chứa nhiều tâm tư tình cảm.

Những tác phẩm của ông như nói lên tiếng lòng của người dân trước biến thiên của thời cuộc. Có thể xem những tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh là một bộ lịch sử phong tục về một miền Nam thế kỷ trước.

Từng tác phẩm thành công trong việc phản ánh thời đại ông đang sống, lưu giữ bộ nhớ của lịch sử, những con người và nhân vật Nam kỳ từ thời kỳ mở cõi, thế kỷ XX đầy biến động.

Chất liệu văn hóa trong các tác phẩm của Hồ Biểu Chánh đã truyền cảm hứng cho nhiều thể loại nghệ thuật như phim, kịch, cải lương. Đạo diễn – NSƯT Hồ Ngọc Xum, yêu thích tác phẩm của ông từ nhỏ, đã chuyển thể thành công nhiều tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh thành phim.

Có thể kể đến các phim như: Ngọn cỏ gió đùa; Con nhà nghèo; Nợ đời; Hai khối tình; Lòng dạ đàn bà; Dây oan; Chị Ðào, chị Lý;Cay đắng mùi đời; Tơ hồng vương vấn

Sức hấp dẫn của xã hội miền Nam xưa qua tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh - ảnh 2

Nhà văn Hồ Biểu Chánh để lại một gia tài văn học phong phú với lối viết bình dị, ngôn ngữ gần gũi. Tiểu thuyết của ông luôn được người dân Nam Bộ đón nhận nồng nhiệt, từ thành thị đến thôn quê. Những tác phẩm của ông vẫn tiếp tục lan tỏa giá trị đến ngày nay.

Cuối năm 2024, NXB Tổng hợp TP.HCM giới thiệu các tác phẩm in mới với giao diện hấp dẫn, bao gồm những tựa sách như Tiền bạc, Bạc tiền (1925), Từ hôn (1937), Cư Kỉnh (1941), cùng các bản tái bản như Con nhà giàu, Con nhà nghèo, Cười gượng, và nhiều tựa khác.

Tính đến nay, NXB đã phát hành gần 30 tiểu thuyết của nhà văn Hồ Biểu Chánh và còn tiếp tục mở rộng thêm.