Phải lựa chọn các cuộc thi nhan sắc quốc tế có uy tín để quảng bá hình ảnh con người và đất nước Việt Nam
VHO - “Việc chúng ta đưa người đẹp tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế là điều cần thiết để bạn bè thế giới hiểu thêm về vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, chúng ta nhất thiết phải lựa chọn các cuộc thi có uy tín để xây dựng thương hiệu cho vẻ đẹp Việt Nam”, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh.
Phải lựa chọn các cuộc thi có uy tín để xây dựng thương hiệu cho vẻ đẹp Việt Nam
Mới đây khi chung kết Miss Grand International (Hoa hậu Hòa bình quốc tế) 2022 đã khép lại, đại diện Việt Nam – Đoàn Thiên Ân đã dừng ở top 20. Với kết quả trên, rất nhiều người ái mộ Đoàn Thiên Ân tỏ ra bức xúc. Vì thế, hàng trăm nghìn fan đã bỏ theo dõi Instagram của Miss Grand International (MGI) và chỉ trích cuộc thi. Điều này khiến Chủ tịch Miss Grand International - ông Nawat đã có những phát ngôn được cho là quá khích tới Thiên Ân và fan nhan sắc Việt. Theo lời ông Nawat, Đoàn Thiên Ân hình thể không tốt, thế nên việc dừng chân ở top 20 là xứng đáng. Ông cũng nói rằng Thiên Ân là thí sinh duy nhất có "phần thân trên dài hơn thân dưới, phần hông to”. Do vậy, cô không đáp ứng được tiêu chí hình thể. Ngay sau chia sẻ của ông Nawat, nhiều người đã lên tiếng phản đối gay gắt. Trong đó có ý kiến bất bình, không ngờ Chủ tịch của cuộc thi lớn có thể buông những lời như vậy.
Chủ tịch Miss Grand Việt Nam Phạm Kim Dung - đại diện đơn vị đưa Thiên Ân đi dự thi chia sẻ, những phát ngôn này của ông Nawat, tôi nghĩ có thể trong một thời điểm nhất thời, đứng trước việc hơn 2 triệu followers rời đi, nhiều chỉ trích trên fanpage của MGI và mạng xã hội khác, trong khi ông Nawat vốn là người thẳng thắn trong việc trao đổi mọi chuyện trên truyền thông nên đã lên tiếng một cách cá tính. Trong việc này, khi phải đối mặt với những áp lực từ dư luận, tôi thấy ông ấy cũng bị dồn nén cảm xúc nên phản ứng tự vệ là phải lên tiếng.
“UNESCO đã đưa ra Công ước 2005 bảo vệ các biểu đạt về sự đa dạng của văn hóa như một sự tôn vinh các khác biệt, trong đó có vẻ đẹp của phụ nữ. Mỗi người phụ nữ đều có vẻ đẹp riêng, không cần so sánh với bất kỳ ai khác. Và mỗi cuộc thi sắc đẹp cũng lại có tiêu chí riêng, vì vậy, người đoạt giải ở cuộc thi này có khi lại thất bại của cuộc thi khác. Việc so sánh, chê bai vẻ ngoài của thí sinh vừa không tế nhị, vừa không hợp đạo lý. Đây cũng là bài học trong phát ngôn, đặc biệt đối với những người nổi tiếng, người cầm cân nảy mực các cuộc thi hoa hậu”. (PGS.TS BÙI HOÀI SƠN) |
“Tôi mong các bạn hãy bình tĩnh, kiểm soát cảm xúc và nghĩ về việc này với một tinh thần hòa bình nhất. Bởi lẽ, phản ứng của mỗi người có thể sẽ khác nhau, có những người sẽ nói ngay những điều họ suy nghĩ nhưng có người sẽ bình tĩnh đón nhận phản ứng của dư luận. Tôi nghĩ Việt Nam chúng ta có một câu rất hay là "cơm sôi nhỏ lửa" nếu như ông Nawat đã tức giận như vậy mà bản thân tôi cũng cảm xúc theo thì cũng sẽ mất hay. Vì thế, chúng ta hãy thể hiện sự yêu ghét của mình bằng cách động viên Thiên Ân nhiều hơn, bởi có tức giận, có buồn hay có làm gì đi nữa thì chúng ta cũng không thay đổi được gì”, Chủ tịch Miss Grand Việt Nam Phạm Kim Dung nói.
Về vấn đề này, ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vẻ đẹp phụ nữ không có một tiêu chuẩn khách quan nào. Phụ nữ đẹp ở cách tiếp cận này, trong nền văn hóa này có thể không đẹp trong cách tiếp cận khác, nền văn hóa khác. Trong lịch sử, vẻ đẹp điển hình của phụ nữ cũng thay đổi rất nhiều. Vì thế, UNESCO đã đưa ra Công ước 2005 về bảo vệ các biểu đạt về sự đa dạng của văn hóa như một sự tôn vinh các khác biệt trong văn hóa của con người, trong đó có vẻ đẹp của phụ nữ. Nếu tôi nói rằng, mọi phụ nữ đều đẹp thì có thể ai đó nói đây là câu sáo rỗng. Nhưng thật vậy, mỗi người phụ nữ có vẻ đẹp riêng mình, mà không cần so sánh. Các cuộc thi sắc đẹp có tiêu chí riêng, vì vậy, chúng ta thấy có rất nhiều cuộc thi sắc đẹp khác nhau. Người đoạt giải cuộc thi này không nhất thiết sẽ đoạt giải ở cuộc thi khác. Và vì thế, ông Bùi Hoài Sơn đã bày tỏ quan điểm rất không đồng ý với việc so sánh, chê trách vẻ đẹp của một ai đó. Điều đó vừa không tế nhị, vừa không hợp lẽ đạo đức. Đây cũng là bài học trong phát ngôn, đặc biệt đối với những người nổi tiếng, người cầm cân nảy mực trong các cuộc thi hoa hậu.
Những ông Bùi Hoài Sơn cũng cho rằng, việc chúng ta đưa người đẹp tham gia các cuộc thi nhan sắc quốc tế là điều cần thiết để bạn bè thế giới hiểu thêm về vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam nói riêng và đất nước Việt Nam nói chung. Tuy nhiên, chúng ta nhất thiết phải lựa chọn các cuộc thi có uy tín để xây dựng thương hiệu cho vẻ đẹp Việt Nam. Nhưng trước tiên theo ông Bùi Hoài Sơn, chúng ta cần tổ chức tốt các cuộc thi sắc đẹp của chính mình, tạo ra một số cuộc thi thực sự có uy tín không chỉ ở phạm vi quốc gia mà còn ở cả tầm khu vực và quốc tế, từ đó có thể lựa chọn được những người đẹp tiêu biểu nhất. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần chuẩn bị kỹ lưỡng, căn cứ vào tiêu chí của mỗi cuộc thi để lựa chọn người đẹp phù hợp. Khi vẻ đẹp phụ nữ Việt Nam tỏa sáng ở sân chơi thế giới, đó cũng là niềm tự hào chung cho cả sân tộc, góp phần xây dựng thương hiệu quốc gia và sức mạnh tổng hợp cho đất nước.
Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Trần Ly Ly cho rằng, trường hợp phát biểu của ông Nawat là góc nhìn riêng của cá nhân, qua đó thể hiện quan điểm, điều kiện, thể lệ cuộc thi của cuộc thi đối với thí sinh và tầng văn hóa của cuộc thi đó. Do vậy, các thí sinh đến từ Việt Nam hoàn toàn có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia cuộc thi cũng như khán giả, công chúng có thể lựa chọn theo dõi hoặc không theo dõi cuộc thi đó. Dựa trên quan điểm đó, một cuộc thi có sức sống hay không phụ thuộc rất nhiều vào thí sinh và công chúng khán giả, nếu bị “quay lưng” thì cuộc thi sẽ có khả năng bị lãng quên.
“Qua câu chuyện về cuộc thi của ông Nawat, các thí sinh đến từ Việt Nam cần trang bị thêm kiến thức, bản lĩnh khi tham gia sân chơi của quốc tế cũng như việc tìm hiểu kỹ thông tin, thể lệ cuộc thi để có những lựa chọn phù hợp với bản thân để hạn chế những hậu quả bất lợi, tránh các trường hợp bị lợi dụng hình ảnh để các cá nhân, tổ chức quảng cáo, đẩy dư luận truyền thông cho mục đích khác”, quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn nhấn mạnh.
Nhiều địa phương còn dễ dãi trong công tác thẩm định hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính.
Thời gian qua, có không ít các cuộc thi người đẹp đã lạm dụng cuộc thi, trao danh hiệu đại trà, những thông tin về sự “trao đổi, mua bán danh hiệu” và xem cuộc thi như “một nghề kiếm ra tiền” khiến các cuộc thi hoa hậu trong nước trở nên tầm thường trong mắt công chúng. Vì thế, để siết chặt và xử lý những cuộc thi hoa hậu sai phạm, kém chất lượng, mua bán giải... Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch. Đây được xem là việc làm cần thiết giữa bối cảnh một năm có đến hàng chục cuộc thi sắc đẹp; thậm chí “loạn hoa hậu”, danh xưng hoa hậu tràn lan...
Ngay sau khi Chỉ thị được ban hành, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ VHTTDL tổ chức đoàn kiểm tra tại một số địa phương là điểm nóng của các cuộc thi. Thông qua công tác kiểm tra, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hiện tượng trên là bởi chưa có sự liên kết thông tin, phối hợp quản lý giữa các địa phương. Đặc biệt trong đó có địa phương tương đối dễ dãi trong công tác thẩm định hồ sơ, thực hiện thủ tục hành chính.
“Để siết chặt và xử lý những cuộc thi hoa hậu sai phạm, kém chất lượng, mua bán giải... Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã ký ban hành Chỉ thị số 274/CT-BVHTTDL về tăng cường quản lý nhà nước đối với một số hoạt động văn hóa nghệ thuật, lễ hội, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, phục hồi và phát triển du lịch. Đây được xem là việc làm cần thiết giữa bối cảnh một năm có đến hàng chục cuộc thi sắc đẹp; thậm chí “loạn hoa hậu”, danh xưng hoa hậu tràn lan...”. |
Các hoa hậu của Việt Nam tạo được thành công trong các cuộc nhan sắc quốc tế có uy tín. Ảnh: SV, MU
“So với quy định trước đây thắt chặt, hạn chế số lượng cuộc thi người đẹp, người mẫu gây ra tình trạng “thi chui” rất khó kiểm soát; các cuộc thi “núp bóng” dưới hình thức thi đua, khen thưởng của các hội, doanh nghiệp hoặc “trá hình” trong các sự kiện, hội chợ, thậm chí mang ra nước ngoài tổ chức. Hiện nay, khi Nghị định số 144 được ban hành các cuộc thi đều được đưa vào hệ thống quản lý. Vì vậy, nếu so sánh giữa việc có quá nhiều cuộc thi trong năm và những lợi ích đạt được thì quy định như hiện nay là hợp lý, phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như tiến trình hội nhập quốc tế”, bà Trần Ly Ly nói.
Việc thực thi chính sách của Đảng và Chính phủ về phân cấp quản lý nhà nước, giao quyền, trách nhiệm thực hiện thủ tục hành chính cho cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương là hoàn toàn đúng đắn và phù hợp xu hướng, kinh nghiệm quốc tế trong thời điểm hiện tại và thời gian tới. Tuy nhiên, bà Trần Ly Ly cho rằng, do đây là thời điểm giao thời, chuyển giao thẩm quyền quản lý nhà nước giữa Trung ương và địa phương nên giai đoạn đầu còn nhiều lúng túng. Việc phân cấp cho các địa phương theo quy định tại Nghị định số 144, khi triển khai thực hiện gặp một số khó khăn nhất định về nguồn nhân lực, cụ thể là về nhân sự, không bảo đảm số lượng và kiến thức chuyên môn sâu để tổ chức thẩm định chương trình biểu diễn nghệ thuật, cuộc thi người đẹp ở các địa phương….
Trước những hạn chế, vướng mắc này, bà Trần Ly Ly cho biết, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã tham mưu Lãnh đạo Bộ VHTTDL áp dụng giải pháp về chuyển đổi số trong lĩnh vực quản lý nhà nước để thông suốt thông tin trong nền hành chính công quốc gia. Trong thời gian tới, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ tổ chức hội nghị tập huấn về quản lý nhà nước cho các cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương.
THANH NGỌC