“Những đứa trẻ thượng lưu” kể câu chuyện thời sự

QUANG ANH

VHO - Những đứa trẻ thượng lưu của nữ nhà văn Trung Quốc Ngô Hiểu Lạc vừa được Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam giới thiệu đến bạn đọckể câu chuyện mang đầy tính thời sự trong công cuộc làm cha mẹ.

“Những đứa trẻ thượng lưu” kể câu chuyện thời sự - ảnh 1
Những đứa trẻ thượng lưu kể câu chuyện thời sự

Tác phẩm kể câu chuyện của một gia đình trung lưu ấp ủ ước vọng đưa con mình bước vào môi trường giáo dục của giới thượng lưu.

Nhân vật chính của truyện, Trần Vân Nhàn, là một cô gái tỉnh lẻ, luôn mơ ước thoát khỏi cuộc sống tẻ nhạt ở quê nhà. Khi học đại học ở Đài Bắc, cô gặp gỡ Dương Định Quốc, một người đàn ông hơn cô tám tuổi và hội đủ những tiêu chuẩn mà cô mong muốn được lấy làm chồng.

Cuộc hôn nhân của Vân Nhàn là bước ngoặt đầu tiên trong cuộc đời cô, khi cô quyết định từ bỏ con đường học hành của mình, với kỳ vọng hôn nhân sẽ giúp cô tiến nhanh hơn đến cuộc sống mà cô mơ uớc.

Tuy vậy, cuộc đời luôn có những thử thách không lường trước được. Bước ngoặt thứ hai chính là khi biến cố kinh tế ập đến với gia đình khiến bao nhiêu kỳ vọng của Vân Nhàn đành gác lại.

Lúc này, cô đã có con. Đứa trẻ là máu thịt của Vân Nhàn, nên tự nhiên cô cho rằng điều mình muốn chính là điều con trai mình muốn - đó là một cuộc sống sung túc, một môi trường giáo dục hoàn hảo và đắt đỏ. 

Tuy nhiên với điều kiện kinh tế của gia đình cô lúc này, việc lựa chọn một trường học tốt cho con không hề đơn giản.

Tình cờ, cô có cơ hội để đạt được mục tiêu của mình. Sếp của chồng Vân Nhàn tổ chức sinh nhật cho con trai và gia đình cô cũng được mời đến dự.

Trong bữa tiệc này, hai cậu bé rất nhanh chóng kết thân với nhau và tình bạn đó khăng khít đến nỗi cha mẹ giàu có của cậu bé kia đề nghị trả học phí cho con trai của Vân Nhàn tại một trường tư thục sang trọng.

Mẹ con Vân Nhàn từ đó bắt đầu đặt chân vào thế giới thượng lưu hào nhoáng. Nhưng càng dấn sâu, Vân Nhàn càng nhận ra rằng phía sau hào quang luôn là bóng tối, rằng người ta đã giăng sẵn một tấm lưới mà với những tham vọng quá lớn của mình, cô đã vô tình mang theo cả con trai khờ khạo lao vào.

Đây là bước ngoặt thứ ba, có lẽ cũng là bước ngoặt lớn nhất trong cuộc đời Vân Nhàn. Liệu cô có tìm lại được bình yên cho gia đình hay sẽ phải trả giá cho chính những tham vọng mà mình đeo đuổi?

Nhiều người quan niệm rằng nguồn tài nguyên tốt giống như mảnh đất màu mỡ, luôn có thể khiến những mầm cây mọc lên cao chót vót mà không cần nỗ lực gì. Tuy nhiên, vẫn có những mầm cây mọc lên từ những mảnh đất khô cằn.

“Những đứa trẻ thượng lưu” kể câu chuyện thời sự - ảnh 2

Điều quan trọng là người ta đã quên “hỏi” những mầm non về tình cảm của chúng, cũng không quan tâm chúng thích nghi được với khí hậu và thổ nhưỡng ở những vùng đất được cho là màu mỡ đó hay không.

Bằng văn phong giản dị nhưng mạch lạc, tác giả dẫn dắt người đọc đi qua những câu chuyện đan xen giữa hiện tại - quá khứ trong hơn mười năm cuộc đời nhân vật.

Quãng thời gian đầy biến cố của nhân vật đã phác nên một bức tranh xã hội với đủ hỉ nộ ái ố, ảo mộng, cạm bẫy... Và hơn cả, tác phẩm đặt ra câu hỏi đầy trăn trở: những người làm cha mẹ, tại sao thay vì thực hiện giấc mơ của chính mình lại đặt giấc mơ đó vào những đứa con?

Nhiều ý kiến nhận định, câu chuyện của Vân Nhàn với bối cảnh xã hội Đài Loan hiện đại nhưng lại khá gần gũi, tương đồng với bối cảnh Việt Nam khi mà các bậc cha mẹ sấp ngửa, vật vã với đủ mọi áp lực với hy vọng mang đến cho con những cơ hội tốt nhất, sẵn sàng hy sinh, đánh đổi thực tại của mình để làm bàn đạp cho con cái bước vào thế giới thượng lưu.

Vì vậy, Những đứa trẻ thượng lưu dương như cũng mang tính “thời sự”, “toàn cầu” cho công cuộc làm cha mẹ.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc