Nhạc chế độc hại trên TikTok xúc phạm văn hóa, lịch sử: Phải xử lý thật nghimê khắc
VHO- Giễu cợt thơ văn trong âm nhạc “rác”, hô biến bài nhạc trở thành trào lưu TikTok đã và đang gây nhức nhối dư luận thời gian qua. Khi chỉ cần làm “lạ” một chút, bắt tai một chút là bài nhạc có thể nhanh chóng được nhiều người trẻ hưởng ứng, đu theo “trend”, bất chấp nội dung, ca từ phản cảm, trái với thuần phong mỹ tục…
Bài nhạc chế “Lượm” kệch cỡm lại được nhiều bạn trẻ coi là “trend”
Nhạc “rap” hay nhạc “rác”
Nhạc chế vốn tồn tại từ rất lâu, chỉ cần vài cú click chuột trên các nền tảng mạng xã hội là khán giả có thể tìm thấy vô số bản nhạc chế. Nếu như trước đó, nhạc chế có phần lời hài hước, bình dân nhưng vẫn lành mạnh, thì ngày nay nhạc chế đang dần chuyển tải những nội dung nhảm nhí, dung tục. Không chỉ các ca khúc nhạc trẻ mà ngay cả những tác phẩm văn, thơ hay bài hát ca ngợi tinh thần dân tộc, vẻ đẹp quê hương đất nước cũng bị đem ra biến tấu một cách kệch cỡm, ngô nghê, ngôn ngữ phản cảm và không giữ được tinh thần của bài hát gốc.
Mới đây, mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại cảnh một nhóm người trẻ hô hào thêm thắt, sửa đổi một số câu từ, biến Nam quốc sơn hà trở thành một bài thơ chế dùng khi đi nhậu. Tác phẩm Nam quốc sơn hà có tác dụng khích lệ tinh thần quân sĩ, giúp Lê Hoàn chống quân Tống năm 981, Lý Thường Kiệt chống quân Tống 1077 và được coi như bản “Tuyên ngôn độc lập” đầu tiên của Việt Nam, khẳng định chủ quyền của nhà nước Đại Việt trên các vùng lãnh thổ của mình. Chính vì vậy, việc đem bài thơ ra chế thành khẩu hiệu hô to trong bữa tiệc, bàn nhậu, thậm chí còn đẩy lên mạng xã hội như một “trend” mới đã khiến nhiều người bức xúc, thậm chí lên án gay gắt. Càng ngán ngẩm hơn khi bản nhạc chế này lại được không ít bạn trẻ hưởng ứng một cách nhiệt tình.
Trước đó không lâu, trên TikTok cũng lan truyền một đoạn video về bài thơ Lượm bị chế thành bản nhạc với những câu từ lệch chuẩn. Video này đã nhanh chóng thu hút hơn 25 triệu lượt xem và hàng trăm nghìn bình luận, thậm chí bản nhạc chế còn được sử dụng cho hàng loạt video lên đến 10 triệu lượt xem. Một số câu trong bản nhạc chế từ bài thơ Lượm như: “Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ Cái đầu cắt moi”… Đáng nói, trong nhiều video, người dùng tạo dáng phản cảm, thậm chí đứng lên bàn ghế, mặc áo dài, mặc cả… bikini.
Trước đó, cũng đã có rất nhiều bản nhạc chế lố lăng, phản cảm bị cư dân mạng “ném đá”, thế nhưng tình trạng này vẫn cứ tiếp diễn và không có dấu hiệu thuyên giảm. Rõ ràng, hơn 2 năm qua, rap Việt khẳng định vị trí nhất định ở thị trường nhạc trẻ, thế nhưng, trong hành trình phát triển quá nhanh ấy đã xuất hiện nhiều sản phẩm bị khán giả phản ứng và gọi thẳng là “rap rác”.
Phần lớn cư dân mạng cho rằng việc xuyên tạc, chế thơ văn học là điều thiếu tôn trọng, thậm chí xúc phạm lịch sử
Di sản văn hóa không phải chuyện đùa
Có thể thấy, cùng độ “viral” các trào lưu mạng xã hội, các bản “rap rác” cũng nhanh chóng phủ sóng, nhận về lượt xem cao và tồn tại như những sản phẩm giải trí. Trên các diễn đàn, nhiều cư dân mạng cho rằng, đây là một sự phỉ báng đối với lịch sử dân tộc, một sự xúc phạm, xuyên tạc không thể chấp nhận và để lại những lời bình luận gay gắt: “Bài thơ, bài hịch đã là di sản quốc gia, lời thơ bất hủ thì không lên chế bậy! Cần phải lên án những hành động lố bịch này”; “Biết bây giờ nhạc chế phổ biến rồi, chế vậy chủ yếu để vui vẻ, nhưng liên quan tới văn hóa tinh thần dân tộc thì cần được tôn trọng!”; “Mấy bạn trẻ thời nay dường như không nhận thức được đâu là âm nhạc thực thụ, chỉ cần thấy có người hát, có người nhảy là cứ thế làm theo và cũng chẳng mấy quan tâm đến nội dung là gì”…
Thật vậy, bài thơ Nam quốc sơn hà bị mang ra chế thành khẩu hiệu trong bữa nhậu; hình tượng đẹp đẽ của các giao liên trong Lượm bị bóp méo, miệt thị là điều chúng ta cần phải lên án và loại trừ. Sau khi nhận nhiều phản ánh tiêu cực từ công chúng, 2see - người sáng tác đoạn rap đã lên tiếng xin lỗi: “Đầu tiên tôi xin lỗi tác giả Tố Hữu và khán giả. Ca khúc được viết từ hai năm trước, lúc mạng xã hội nổi lên trào lưu chế thơ. Tôi lấy bình luận trên mạng chế thành bài nhạc. Lúc đăng tải, tôi chỉ nghĩ đó là ca khúc vô thưởng vô phạt, tôi không nghĩ mọi chuyện đi xa đến thế”. Tác giả cũng cho biết đã ẩn bài nhạc trên YouTube và xóa bài nhạc chế gốc trên mọi nền tảng. Tuy nhiên, dù bản gốc được gỡ xuống, nhưng vẫn còn đó hàng trăm bản nhạc được đăng lại, dùng lại vẫn đang nhan nhản và hiện hữu hằng ngày.
Từ sự việc của hai bài thơ Nam quốc sơn hà và Lượm, dẫu là vô tình hay cố tình, thì cũng đều là câu chuyện báo động cho ý thức của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Thực tế, cả hai video này đã trở thành xu hướng trên TikTok, được tiếp nhận, cổ xúy và không còn là chuyện “đùa cho vui”. Vì thế, chính bản thân khán giả, đặc biệt người trẻ phải phân định rõ sự nhố nhăng, phản cảm trong các bản rap, chứ không phải là thể hiện “sự khác biệt”.
Trước sự bùng nổ của mạng xã hội, các trào lưu xấu, độc đã và đang len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống, gây ảnh hưởng xấu và làm sai lệch nhận thức trong một bộ phận giới trẻ hiện nay. Những nội dung bẩn, “rác văn hóa” như vậy cần được loại bỏ càng sớm càng tốt để tránh hệ lụy xấu và giúp thị trường âm nhạc Việt sạch hơn, có giá trị và vị trí hơn.
THẢO MY