Nguyễn Nhật Ánh:
Người kể chuyện bền bỉ từ giấc mơ tuổi thơ
VHO - Sáng ngày 5.12 tại TP HCM, Nguyễn Nhật Ánh đã có buổi giới thiệu truyện dài mới nhất, Tiệm sách của nàng. Tại sự kiện, nhà văn chia sẻ về động lực sáng tác ở tuổi 69, nhấn mạnh rằng ông làm việc với tâm thế "không để thời gian bắt kịp". Đối với ông, nghề viết đòi hỏi sự cống hiến không ngừng nghỉ, với mỗi ngày dành ra những giờ quý báu bên trang giấy. Với ông, sáng tạo không chỉ là công việc mà còn là cách sống và nguồn cảm hứng bất tận.
"Tôi thường khuyên các bạn trẻ phải luôn 'tắm mình trong chữ nghĩa', để viết lách trở thành thói quen," nhà văn tâm sự. Với Nguyễn Nhật Ánh, viết văn giống như quá trình "kiến tha lâu đầy tổ". Dù mỗi ngày chỉ viết vài dòng hay nửa trang, sự bền bỉ sẽ giúp ông hoàn thành một cuốn sách mỗi năm. Ông nói đùa rằng người ngoài có thể nhìn nhận ông như bị "trời đày" vì tự áp đặt bản thân vào kỷ luật lao động khắt khe, nhưng thực tế đó chính là niềm vui sống. "Nếu không viết, tôi cũng không biết mình sẽ làm gì nên hồn," ông hóm hỉnh chia sẻ.
Từ giấc mơ tuổi thơ đến thực tại
Nguyễn Nhật Ánh lấy cảm hứng sáng tác Tiệm sách của nàng từ giấc mơ thời thơ ấu – làm chủ một tiệm sách. Thuở nhỏ, ông từng say mê những tác phẩm như Không gia đình của Hector Malot, Những người khốn khổ của Victor Hugo. Ở quê nhà Thăng Bình, Quảng Nam, sách báo thời đó rất hiếm, và để có sách đọc, ông phải đổi truyện với bạn bè.
Lên lớp 9, ông được cha dẫn đến một tiệm văn phòng phẩm lớn ở Tam Kỳ. Ký ức về không gian tràn ngập sách trong tiệm ấy vẫn còn nguyên vẹn trong ông như một "đền thờ thiêng". Sau này, khi lập nghiệp tại TP HCM, ông mở một tiệm sách mang tên Kính vạn hoa, nhưng sau 10 năm hoạt động, tiệm phải đóng cửa vì nhiều lý do. "Một ngày nọ, tôi nhớ đến ước mơ xưa và bắt tay vào viết Tiệm sách của nàng," ông chia sẻ.
Tác phẩm không chỉ tái hiện tình yêu sách mà còn khắc họa vẻ đẹp của tình tri kỷ giữa những người yêu văn chương. Nhà văn cho rằng sách là món ăn tinh thần không thể thiếu. Khi gặp gỡ, những người yêu sách dễ dàng tìm được tiếng nói chung chỉ qua việc nhắc đến một tác giả hay một tác phẩm quen thuộc. Trong truyện, nhân vật "anh" và "nàng" gặp nhau tại một quầy sách, cùng say mê các tác phẩm của Stephan Zweig và Alberto Moravia, hai nhà văn nổi tiếng thế kỷ 20.
Thử nghiệm mới trong lối viết
Lần đầu tiên, Nguyễn Nhật Ánh thử nghiệm phong cách "3 trong 1" với kết cấu "truyện trong truyện" trong tác phẩm này. Tiệm sách của nàng đan xen ba câu chuyện: Tiệm sách của nàng, Trước tuổi mười lăm, và Bên kia đồi Quạ. Lối viết này không chỉ đòi hỏi nhiều công sức hơn thông thường mà còn là thử thách cho độc giả, dễ gây ngắt mạch cảm xúc nếu không tập trung. Tuy nhiên, ông hy vọng rằng khi vượt qua trở ngại ban đầu, người đọc sẽ có trải nghiệm độc đáo và thú vị. Hai phiên bản của tác phẩm, bìa cứng và bìa mềm, đều do họa sĩ Đỗ Hoàng Tường minh họa và đã in 80.000 bản.
Nguyễn Nhật Ánh chia sẻ: "Các nhân vật trong cuốn sách này, như chị Xuân, không màng thanh danh để bảo vệ cho gia đình chồng. Như cô Băng "nữ thánh" cuối cùng vẫn biết nghĩ cho người khác bằng cách sẵn sàng bước xuống khỏi chiếc bục thiêng mà dân tình dựng lên cho mình để minh oan cho cô em dâu, dù muộn màng. Như anh chàng Quyến biết nghĩ cho cô bạn mới quen, dù anh không chắc mình có nên hành động như thế hay không...".
Thơ cũng là một "đặc sản" trong các truyện dài của Nguyễn Nhật Ánh. Có lần, nhiều độc giả đề xuất nhà văn nên in một tập thơ riêng trích ra từ các tác phẩm của mình. Tuy nhiên, ở Tiệm sách của nàng, thơ ít xuất hiện hơn hẳn, chỉ một bài ngắn trong tiểu truyện Trước tuổi mười lăm:
"Con sông ra biển
Bỏ lại đôi bờ
Hoàng hôn ứa máu
Xuống hàng lau thưa
Nhắn cơn bão mới
Qua vườn cây xưa
Lòng không cày xới
Đừng làm xác xơ.
Tình tôi kèo cột
Mối mọt đã về
Gió từ tay áo
Đủ làm lạnh tê".
Nguyễn Nhật Ánh sinh năm 1955 tại Thăng Bình, Quảng Nam. Năm 1973, ông vào Nam học ngành sư phạm và tốt nghiệp năm 1976. Từ đó, ông bắt đầu sự nghiệp viết văn và trở thành một trong những nhà văn nổi tiếng nhất của văn học Việt Nam hiện đại.
Trong suốt sự nghiệp, Nguyễn Nhật Ánh đã xuất bản hơn 100 tác phẩm, chủ yếu dành cho thanh thiếu niên và thiếu nhi. Ngoài ra, ông còn viết năm tập thơ, hơn 30 tập truyện tranh, 12 tập kịch bản phim, cùng ba tập bình luận thể thao và hơn 50 tập tư vấn tình yêu dưới các bút danh khác. Năm 2018, ông được vinh danh bởi Trung tâm Sách Kỷ lục Việt Nam là nhà văn viết cho thanh thiếu niên nhiều nhất nước.
Sách của Nguyễn Nhật Ánh nhiều lần được chuyển thể thành phim. Năm 1994, tác phẩm Nữ sinh được chuyển thể thành phim Áo trắng sân trường với sự tham gia của các diễn viên Lê Công Tuấn Anh, Y Phụng, Ngô Mỹ Uyên. Năm 1998, truyện Chú bé rắc rối được chuyển thể thành phim cùng tên. Đặc biệt, bộ phim truyền hình Kính vạn hoa (2004) đã trở thành hiện tượng trong lòng khán giả trẻ. Cuối năm nay, bản điện ảnh của Kính vạn hoa, do đạo diễn Võ Thanh Hòa thực hiện, sẽ ra mắt với dàn diễn viên mới, hứa hẹn mang đến luồng gió mới cho thế hệ trẻ.