Nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”...

VHO- Nghệ sĩ gây lộn, chửi thề, mắng nhiếc, mạt sát, hạ nhục nhau trên mạng xã hội, thậm chí trên cả truyền thông...; và công chúng cũng vậy, ngày hôm nay họ tôn vinh nghệ sĩ này là “idol” nhưng ngày hôm sau rất có thể “tượng đài” đó sẽ bị họ giật đổ, thóa mạ “như chém chả” bằng đủ các ngôn từ miệt thị… đang làm “ô nhiễm” môi trường không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng.

Nâng cao văn hóa ứng xử của nghệ sĩ (Bài 1): “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”... - Anh 1

 Trấn Thành gửi lời xin lỗi khán giả sau ồn ào “bao rạp phim vì cần sự riêng tư”

 Làm sao để xây dựng được mối quan hệ tốt đẹp giữa nghệ sĩ và công chúng để có thái độ ứng xử văn minh, tương hỗ lẫn nhau đang là bài toán khá nan giải. Sự nỗ lực vào cuộc từ các cơ quan quản lý nhà nước như Bộ VHTTDL với bộ Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật; Bộ TT&TT với Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, dư luận xã hội, báo chí đã góp phần không nhỏ giúp cho những người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật nhận diện một cách đầy đủ hơn về những chuẩn mực đạo đức cần có.

Đàm Vĩnh Hưng tự xưng là “vua” đã phải bỏ chữ “The King” trong tên phim, đính chính hình ảnh “ngai vàng”; Các nghệ sĩ trong các clip giảm béo tại Trung tâm giảm béo công nghệ cao Americare Clinic thừa nhận “đóng vai” khách hàng để nhận tiền quảng cáo; Hiền Hồ bị la ó, hủy liên tiếp 3 show diễn vì lùm xùm đời tư... Có thể nói, chưa bao giờ showbiz Việt lại chịu áp lực bởi dư luận xã hội mạnh mẽ như thời điểm này, và chắc chắn, những vụ tai tiếng bị lên án gay gắt sẽ là bài học đắt giá cho những người hoạt động nghệ thuật nói riêng và tất cả công dân Việt nói chung.

Ngày càng "lạm phát" lời... xin lỗi!

Trong giới showbiz, Đàm Vĩnh Hưng nổi tiếng là có kỹ năng… xin lỗi. Trước đây, ca sĩ này từng nặng lời với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, rồi xin lỗi bằng một màn trình diễn ôm hoa lên sân khấu khá lâm ly. Tiếp đó là vụ việc kích động bạo lực khi treo thưởng 20 triệu đồng trên trang cá nhân cho người nào “tát vào mặt ông bố trẻ bạo hành con trai trong lúc say rượu ở Tiền Giang”. Thay vì lên án một cách văn minh thì hành động của Đàm Vĩnh Hưng lại kích động bạo lực khiến nhiều người bất bình. Và sau đó, Hưng lại xin lỗi theo kiểu “tự tin” trên mạng xã hội: “Tôi, ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, công dân Việt Nam, kính xin lỗi luật pháp và nhà nước Việt Nam. Tôi là người có sự ảnh hưởng với công chúng nhưng lại chọn cách làm sai pháp luật, làm xáo động dư luận trong mấy ngày qua cũng chỉ vì lòng trắc ẩn dành cho đứa trẻ. Tôi luôn trong tâm thế sẵn sàng đón nhận sự khiển trách của luật pháp một cách nghiêm túc!”.

Hai từ “xin lỗi” đã được rất nhiều nghệ sĩ sử dụng sau khi xảy ra những hành vi sai lầm. Như chuyện nghệ sĩ Hoài Linh đăng đàn trước khán giả vụ việc giải ngân chậm số tiền hơn 13 tỉ quyên góp cho miền Trung; ca sĩ Hiền Hồ công khai cúi đầu sau vụ lộ ảnh thân mật với người có gia đình... Mới nhất là câu chuyện Trấn Thành xin lỗi về ồn ào “bao rạp phim” vì cần sự riêng tư…

Để xây dựng hình ảnh, người nghệ sĩ đã phải bỏ ra rất nhiều công sức, mồ hôi và nước mắt. Có được vị trí trong lòng người hâm mộ cần rất nhiều thời gian, thế nhưng chỉ cần một lần “vạ miệng” là công sức bao năm sẽ đổ sông đổ biển. Điển hình như vụ việc của NSƯT Đức Hải đăng tải bài viết công kích cá nhân trên trang cá nhân, sử dụng từ ngữ tục tĩu khiến người hâm mộ vô cùng thất vọng. Ngay sau đó, nghệ sĩ này bị miễn nhiệm chức vụ Phó Hiệu trưởng trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và Du lịch Sài Gòn. Cát Phượng cũng “vạ miệng” khi bênh Hồng Đăng - Hồ Hoài Anh bằng câu: “Đàn ông 10 người đã hết 8 người thích “ăn hải sản”, đó là chuyện bình thường”. Phát ngôn không đúng chuẩn mực đạo đức của Cát Phượng lập tức bị chỉ trích và lên án gay gắt.

“Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên”...

Trước kia, khi phương tiện truyền thông, mạng xã hội chưa phát triển, công chúng chỉ biết đến nghệ sĩ qua những tác phẩm và vai diễn của họ. Khán giả yêu mến, thần tượng họ bằng các giá trị nghệ thuật đích thực. Còn ngày nay, công nghệ phát triển, hàng loạt các trang mạng xã hội, thậm chí là truyền thông “lá cải” rẻ tiền câu view bằng những câu chuyện đời tư, hậu trường của nghệ sĩ, khiến lối sống và những hành vi lệch chuẩn của nghệ sĩ bị phơi bày. Ai cũng có thể bình luận, chê bai thậm chí thóa mạ, “bóc phốt” nghệ sĩ.

TS Nguyễn Thị Minh Thái chia sẻ sự chán chường trước việc nghệ sĩ tự đánh bóng tên tuổi và phong cho mình danh hiệu “ông hoàng, bà chúa” kêu hơn chuông. “Danh hiệu, giá trị đích thực đang bị đảo lộn và nguyên nhân này có phần trách nhiệm của truyền thông và của chính công chúng. Nghệ sĩ chiều theo thị hiếu của công chúng; truyền thông muốn câu view thì khai thác triệt để những chuyện đời tư, hậu trường của người nổi tiếng. Đơn cử như chuyện tình của ca sĩ Lệ Quyên và bạn trai Bảo Châu kém ca sĩ 11 tuổi được mô tả tình đẹp như tuổi 18, rồi là Bảo Châu làm Lệ Quyên “hơi giận”... Lố bịch như vậy mà truyền thông cũng đưa thì chịu hết nổi!”, TS Nguyễn Thị Minh Thái buông lời ca thán!

Lại có một số người tự cho mình cái quyền phán xét tác phẩm của đồng nghiệp, và sự phán xét ấy đôi khi rất thiên vị, cảm tính, khi thì khen nống lên như một “siêu phẩm nghệ thuật” bởi thân với ông tác giả; khi thì vùi dập bằng đủ ngôn từ chỉ vì không ưa ai đó trong thành phần sáng tạo!? PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái khẳng định: “Những người làm nghệ thuật chân chính sẽ không bị những kẻ “rỗi hơi” dẫn dắt, định hướng dư luận. Bởi cái đẹp nhất, giá trị nhất của người nghệ sĩ chính là chất lượng tác phẩm chứ không phải là chuyện trở thành anh hùng bàn phím”.

Cánh báo chí làm văn nghệ cũng đã từng nháo nhác không hiểu vì sao một tác giả mang tên H.T.D lại chửi bới om sòm một đạo diễn, NSND với những ngôn từ thô tục, phản cảm, thậm chí “hạ đẳng”. Chọn cách im lặng không đưa tin đã là một cách làm sáng suốt, ngay cả với những nhà báo chân chính, bởi lẽ nếu chỉ phản ánh không thôi cũng vô hình trung tiếp tay cho sự thiếu văn minh trong ứng xử của những người làm nghệ thuật.

Có nghệ sĩ vì muốn nổi tiếng mà đưa ra những phát ngôn “gây sốc” khác người; có nghệ sĩ vì chưa đủ tài năng nên đã chọn cách cặp với người nổi tiếng hơn để tạo “scandal” gây chú ý... Đạo diễn, NSND Triệu Trung Kiên chia sẻ: “Tôi và nhiều đồng nghiệp vô cùng “dị ứng” khi chứng kiến nhiều nghệ sĩ mượn đám tang người nổi tiếng để đánh bóng tên tuổi, họ đi đám tang vào “giờ vàng” để được quay phim, chụp hình và thậm chí thuê cả người quay phim, chụp ảnh rồi tung lên mạng… Đến bao giờ thì họ mới biết ứng xử văn minh của một người làm nghệ thuật!”.

Trở lại những vụ việc gây ồn ào dư luận và cộng đồng mạng thời gian qua, câu chuyện nghệ sĩ kêu gọi từ thiện; quảng cáo sản phẩm sai mục đích; nghệ sĩ “nuôi tài năng trẻ”; sa vào tệ nạn xã hội, cờ bạc, lô đề; nghệ sĩ livestream “bóc phốt” đồng nghiệp, chửi bới, đe dọa, xúc phạm, miệt thị, công kích lẫn nhau vì ghen ghét, đố kỵ cá nhân… đang làm “ô nhiễm” môi trường, không gian mạng xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý tiếp nhận, tư tưởng, tình cảm của công chúng. Những vụ việc, hiện tượng đó, dưới sức mạnh của truyền thông, mạng xã hội, đang làm dấy lên lo ngại về những góc khuất trong đời tư nghệ sĩ sau ánh đèn sân khấu. Đừng vì danh hão mà đánh mất đi lòng tự trọng của mình, bởi đối với nghệ thuật, giá trị trân quý nhất chính là những tác phẩm chất lượng, có giá trị nhân văn mà nghệ sĩ mang đến cho công chúng. 

 … Một số người tự cho mình cái quyền phán xét tác phẩm của đồng nghiệp, và sự phán xét ấy đôi khi rất thiên vị, cảm tính, khi thì khen nống lên như một “siêu phẩm nghệ thuật” bởi thân với ông tác giả; khi thì vùi dập bằng đủ ngôn từ chỉ vì không ưa ai đó trong thành phần sáng tạo!? Những người làm nghệ thuật chân chính sẽ không bị những kẻ “rỗi hơi” dẫn dắt, định hướng dư luận. Bởi cái đẹp nhất, giá trị nhất của người nghệ sĩ chính là chất lượng tác phẩm chứ không phải là chuyện trở thành anh hùng bàn phím.

(PGS.TS NGUYỄN THỊ MINH THÁI)

 

Kỳ 2: Không như thế này thì không phải là nghệ sĩ...

THÚY HIỀN

Ý kiến bạn đọc