Mùa xuân bên những trang sách

THỦY VŨ

VHO - Tết - mùa đoàn viên, mùa của những giá trị văn hóa trường tồn trong đời sống của người Việt. Đây là dịp để mỗi người trở về với cội nguồn, lắng nghe tiếng nói của truyền thống và trân quý những khoảnh khắc giao hòa giữa quá khứ và hiện tại. Sách Tết chính là nhịp cầu giúp chúng ta khám phá, gìn giữ và lưu truyền những giá trị ấy.

 Mùa xuân bên những trang sách - ảnh 1
Phong phú sách Tết Ảnh: BTC

 Đón Tết Ất Tỵ 2025, các đơn vị xuất bản đã cho ra mắt nhiều ấn phẩm đặc biệt, với mong muốn mang đến món ăn tinh thần đầu xuân, đáp ứng nhu cầu của độc giả ở nhiều lứa tuổi.

Khám phá Tết các vùng miền

Sách Tết đưa độc giả bước vào hành trình khám phá vẻ đẹp văn hóa Việt. Trong cuốn Tết ba miền (Thái Hà Books phối hợp cùng NXB Công Thương ấn hành), tác giả Lê Rin dẫn dắt người đọc trải nghiệm không khí Tết cổ truyền của ba miền Bắc, Trung, Nam qua góc nhìn sáng tạo và sâu sắc. Sách không chỉ kể về Tết mà còn tái hiện sống động những phong tục, tập quán độc đáo, từ cảnh gói bánh tét bên bếp lửa hồng, làm hoa giấy ở làng Thanh Tiên, đến nghệ thuật chế tác đầu lân tinh xảo ở Chợ Lớn hay khung cảnh tấp nập tại Chợ hoa Sa Đéc. Qua đó, người viết không chỉ mang đến cho độc giả những thước phim ký ức đong đầy cảm xúc mà còn giúp thế hệ trẻ hiểu thêm về giá trị cội nguồn và sự giao thoa tinh tế giữa truyền thống và hiện đại.

Đặc biệt, Lê Rin đã khéo léo khắc họa hình ảnh Tết không chỉ là một dịp lễ hội, mà còn là không gian chứa đựng những bài học sâu sắc về tình yêu thương, ơn nghĩa và sự sẻ chia. Tết là thời điểm người ta dựng cây nêu để xua đuổi tà ma, tiễn Ông Công Ông Táo về trời, cùng nhau gói bánh chưng, bánh tét để dâng cúng tổ tiên… Những phong tục như vẽ tranh Đông Hồ, làm mứt dừa hay chơi bài tam cúc cũng được tái hiện một cách sinh động, thể hiện sự gắn bó giữa con người và văn hóa dân gian.

Qua thời gian, Tết có những thay đổi, nhưng theo tác giả Lê Rin, có những điều sẽ không bao giờ thay đổi: Tết luôn là dịp để kết nối con người với con người, là dịp để lưu giữ truyền thống qua các thế hệ. Quan trọng hơn, dù trong thời đại nào, người ta vẫn luôn hướng về Tết. Tết sẽ mãi mãi tồn tại và tiếp nối. Thấy mùa xuân là thấy Tết!

Nhân dịp Tết Ất Tỵ, NXB Kim Đồng cho ra mắt ấn phẩm đặc biệt Nhâm nhi Tết Ất Tỵ. Với 22 tác phẩm thơ, văn và tra­nh của nhiều tác giả, ấn phẩm rực rỡ sắc xuân, ngập tràn tình thân, niềm vui sum họp... Ngoài ra, ấn phẩm còn giúp các độc giả nhỏ tuổi khám phá phong tục Tết của các vùng miền qua những câu chuyện như “Bánh chưng ngũ sắc”, “Tết Katê” của đồng bào Chăm, hay ẩm thực xứ Nghệ với món bánh ngào. Không thể thiếu trong ấn phẩm là những trang viết về loài rắn, như Rắn thần nước Việt, Làng Lệ Mật và điệu múa Giảo Long… cùng chuyện về Danh nhân Cao Bá Quát - người cầm tinh con rắn.

Nhiều bộ sách dành cho trẻ em cũng được các đơn vị xuất bản ra mắt nhân dịp Tết, như: Những ngày xuân do Crabit Kidbooks phát hành, dành cho các bạn đọc mầm non; cuốn sách tranh thiếu nhi Muôn miền Tết được Công ty sách San Hô giới thiệu, mang đến hình ảnh Tết đặc trưng của 8 vùng miền đất nước và những phong tục cổ truyền; Tết là gì hở mẹ? của Lionbooks, được viết dưới hình thức thơ song ngữ, là một cuộc trò chuyện về Tết giữa hai mẹ con; Đinh Tị Books mang đến Én bay khắp miền - Tết về bình yên là hành trình khám phá Tết Việt qua các miền đất của bạn Én nhỏ, với hình ảnh Tết Việt hiện lên đầy chân thực và đậm chất truyền thống.

Món ăn tinh thần đặc biệt ngày Tết

Qua thời gian, sách Tết vẫn là một món quà tinh thần ý nghĩa, mang đến những trải nghiệm văn hóa độc đáo và sâu sắc cho bạn đọc. Sách Tết Ất Tỵ 2025 - Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết do nhà văn Hồ Anh Thái tuyển chọn, được Công ty cổ phần Văn hóa Đông A và NXB Dân trí liên kết ấn hành. Trong phần Khúc dạo đầu của mùa xuân, những suy ngẫm, chiêm nghiệm trước khi Tết đến Xuân về được Trung Sỹ thể hiện trong Mở toang cánh cửa năm mới; Nguyễn Ngọc Tiến bày tỏ trong Người Việt còn ăn Tết đến bao giờ... Kỷ niệm đón Tết Quý Tỵ 1953 tại An toàn khu Tuyên Quang được Xuân Phượng kể lại trong Bánh chưng sắn và xem phim giữa rừng.

Những sáng tác đầy xúc cảm trong phần Văn và Thơ sẽ đem đến cho bạn đọc niềm vui nghiền ngẫm chữ nghĩa đầu năm, để cảm nhận mùa xuân và cuộc đời thêm phần thi vị, bay bổng. Đó là tình cảm mới nhen nhóm như có như không giữa chàng lính hải quân và em gái của đồng đội trong Quà biển của Lê Minh Khuê. Đó là quá trình từ hiểu lầm đến đồng cảm, yêu thương, bao bọc giữa bà cụ người Nhật và hai nữ thực tập sinh Việt Nam trong Chủ nhật mùng một xa xứ của Thư Uyển…

Đến phần Thơ, những câu từ khi thì trong trẻo, dịu dàng, khi thì trầm ngâm, đầy chiêm nghiệm của Trần Đức Cường, Hữu Việt, Chu Hoạch, Chế Lan Viên, Trương Quang Thứ… như đang gọi mùa xuân về.

Ở phần Nhạc, các bài hát về mùa xuân nổi tiếng như Bài ca hy vọng (Văn Ký), Mùa xuân làng lúa làng hoa (Ngọc Khuê), Đất nước mùa xuân (Hoàng Vân)… với lời bình của Nguyễn Thị Minh Châu được giới thiệu. Phần Họa năm nay giới thiệu họa sĩ tuổi Tỵ - Đào Hải Phong, với lối đi riêng độc đáo, khó lẫn, biến điểm yếu thành phong cách riêng biệt.

Cũng như mọi năm, Đông A chỉ in số lượng sách đúng bằng số năm, bắt đầu từ Kỷ Hợi 2019 với 2019 cuốn và đến nay là Ất Tỵ 2025 với 2025 cuốn, chia thành hai phiên bản bìa cứng và bìa mềm. Theo thông tin từ đơn vị, chỉ trong vòng 2 phút sau khi mở bán, 500 bản bìa cứng Sách Tết 2025 đã “cháy hàng”. Đồng thời, phiên bản bìa mềm cũng ghi nhận sức mua ấn tượng, với 500 cuốn được đặt trước ngay lập tức, chiếm 1/3 tổng số bản in. Điều này chứng tỏ giá trị và sức hút mạnh mẽ của ấn phẩm sách Tết đối với độc giả.

Cùng với đó, Thái Hà Books cho biết sẽ ra mắt Hộp sách Tết với các phiên bản An vui, Hạnh phúc, Tài lộc, Sum vầy - như một món quà truyền thống, gửi đến bạn đọc những lời chúc ý nghĩa nhân dịp năm mới. Thêm nữa, các buổi đọc sách khám phá Tết Việt cũng được tổ chức, đưa độc giả khám phá phong tục năm mới phổ biến khắp cả nước, những thú ăn, thú chơi đặc biệt của từng vùng miền, lên kế hoạch sửa soạn đón Tết qua chuỗi buổi đọc tương tác trước thềm năm mới.

Qua từng trang sách, độc giả ở nhiều lứa tuổi như được trở về với cội nguồn, cảm nhận sâu sắc hơn về ý nghĩa của Tết và giá trị của cuộc sống.