Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa

THÙY TRANG; ảnh: BTC

VHO - Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 năm 2025 đã khẳng định quy mô và sức lan tỏa mạnh mẽ, mang đến bức tranh văn hóa đa sắc, truyền tải những câu chuyện lịch sử qua từng trang phục.

Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa  - ảnh 1
Những bộ áo dài tỏa sáng trên sân khấu Lễ hội

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 năm 2025 với chủ đề “Áo dài Việt Nam – Vươn cao Việt Nam” do UBND TP.HCM tổ chức, Sở Du lịch và Hội LHPN TP chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, quận, huyện và TP Thủ Đức triển khai thực hiện, đã diễn ra thành công trong những ngày tháng 3 vừa qua.

Chuỗi hoạt động đa dạng được tổ chức tại nhiều địa điểm trung tâm thành phố, các di tích lịch sử - văn hóa, điểm đến du lịch, công trình tiêu biểu của TP.HCM, cũng như lan tỏa đến quận, huyện và TP Thủ Đức.

Lễ hội năm nay đánh dấu sự bứt phá mạnh mẽ về quy mô tổ chức, với sự gia tăng đáng kể về số lượng chương trình, nhà thiết kế (NTK) tham gia và các bộ sưu tập (BST) trình diễn.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước, BTC đã đặt mục tiêu mang đến những con số ấn tượng: 55 BST áo dài với hơn 500 thiết kế được giới thiệu, tăng khoảng 40% so với những năm trước. 

Đặc biệt, gần như 100% BST lần này đều được đặt hàng riêng, thiết kế theo chủ đề, tạo nên sự đa dạng và hấp dẫn cho chương trình.

Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa  - ảnh 2
Các NTK đã mang đến bức tranh đa sắc màu văn hóa từ trang phục dân tộc

Một điểm nhấn quan trọng của lễ hội năm nay là sự phân chia các phần trình diễn theo từng giai đoạn lịch sử, gắn với những chủ đề, tông màu và ý tưởng thiết kế khác nhau.

BTC đã lựa chọn các NTK dựa trên sự phù hợp với từng phần trình diễn, giúp mỗi BST có không gian tỏa sáng riêng. Dù thời gian chuẩn bị khá ngắn, nhưng các NTK đã cống hiến hết mình, biến thử thách thành cơ hội để thể hiện tài năng.

Điều này một lần nữa chứng minh sức sáng tạo và sự tâm huyết của các NTK Việt Nam, khi họ luôn sẵn sàng đồng hành trong những chương trình mang tính tự hào dân tộc và tôn vinh văn hóa Việt Nam.

Lễ hội còn tổ chức các hoạt động tương tác dành cho công chúng như cuộc thi ảnh áo dài online, vẽ trên áo dài, các workshop trải nghiệm áo dài, đặc biệt là việc trình diễn áo dài tại những không gian biểu tượng của thành phố như tàu điện Metro.

Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa  - ảnh 3

Những hoạt động này đã góp phần làm sống động lễ hội, tạo ra sự kết nối giữa truyền thống và hiện đại, khuyến khích sự tham gia đông đảo của người dân và du khách.

Với những thành công trong công tác tổ chức và sự bùng nổ về quy mô, Lễ hội Áo dài TP.HCM 2025 tiếp tục khẳng định vị thế là sự kiện văn hóa thường niên quan trọng; trở thành thương hiệu văn hóa – du lịch đặc trưng của thành phố mang tên Bác.

Theo BTC, công tác truyền thông của lễ hội cũng ghi nhận sự lan tỏa mạnh mẽ khi có hơn 1.800 tin bài được đăng tải trên báo chí trong và ngoài nước, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh Quốc.

Trên nền tảng TikTok, hơn 1.217 video về lễ hội được đăng tải, thu hút tổng cộng 14 triệu lượt tiếp cận. Không kém phần sôi động, Facebook ghi nhận hơn 7 triệu lượt tiếp cận và 60.300 lượt tương tác từ hàng trăm bài viết liên quan đến sự kiện.

Fanpage Du lịch TP.HCM đạt hơn 113.000 lượt tiếp cận, trong khi Fanpage Lễ hội Áo dài TP.HCM thu hút gần 353.000 lượt tiếp cận.

Không khí lễ hội năm nay nhận được sự quan tâm và hưởng ứng rộng rãi. Các đại sứ tham gia đông đảo, độ lan tỏa trên mạng xã hội mạnh mẽ, với sự góp mặt của nhiều NTK đến từ 24 quốc gia…

Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa  - ảnh 4

Sau khi Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 khép lại, dư âm không chỉ xoay quanh những tà áo dài ấn tượng nhất mà còn ở những giá trị văn hóa, lịch sử mà sự kiện đã truyền tải.

Những bộ áo dài đã thực hiện sứ mệnh kể lại câu chuyện về lịch sử Việt Nam, gắn liền với những năm tháng đấu tranh gian lao của các anh hùng, thương binh, liệt sĩ và các bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Đồng thời, tà áo dài cũng tôn vinh tinh thần thể thao nước nhà và vẻ đẹp người phụ nữ Việt Nam qua từng giai đoạn cuộc đời – từ tuổi thanh xuân đến khi lập gia đình và cống hiến cho đất nước.

Những câu chuyện truyền tải qua tà áo dài đã chạm đến trái tim khán giả, khơi dậy lòng biết ơn sâu sắc đối với thế hệ đi trước. Các lãnh đạo và những người từng trải qua chiến tranh đều cảm nhận rõ giá trị thiêng liêng mà sự kiện mang lại.

Chia sẻ về sự kiện, đạo diễn Hoàng Nhật Nam bày tỏ: “Tôi muốn mỗi bộ áo dài không chỉ là một thiết kế đẹp mà còn là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa giúp chúng ta nhìn lại quá khứ, trân trọng hiện tại và hướng tới tương lai.

Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa  - ảnh 5

Bên cạnh một chương trình thời trang, đây còn là một hành trình cảm xúc, một bức tranh sống động về tinh thần dân tộc”.

Đạo diễn đã dàn dựng các phần trình diễn công phu, kết hợp hài hòa giữa nghệ thuật và lịch sử, tạo nên không gian giàu cảm xúc. Việc tôn vinh và tri ân thông qua áo dài trong lễ hội nhằm khẳng định giá trị văn hóa sâu sắc của trang phục truyền thống Việt Nam.

“Tôi hy vọng rằng qua lễ hội này, áo dài sẽ là một phần không thể thiếu trong đời sống hằng ngày, là niềm tự hào của mỗi người Việt Nam”, đạo diễn Hoàng Nhật Nam nhấn mạnh.

Để làm được điều này, đạo diễn tạo điểm nhấn là triển lãm không gian tương tác với áo dài tại đường đi bộ Nguyễn Huệ.

Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa  - ảnh 6

Không gian được thiết kế với sự kết hợp giữa nghệ thuật trình diễn và công nghệ hiện đại, trong đó hiệu ứng hologram tạo nên những dải lụa sắc màu óng ánh, làm cho đường đi bộ Nguyễn Huệ trở nên lung linh, ấn tượng. 

Cảnh quan được sắp đặt đồng bộ, giúp người xem có trải nghiệm xuyên suốt, liền mạch. Sự kiện thu hút du khách trong nước và khiến bạn bè quốc tế trầm trồ về vẻ đẹp của áo dài Việt Nam.

Theo BTC, dù lễ hội đã đạt được những thành tựu, nhưng vẫn còn đó những thách thức cần khắc phục. Một trong những khó khăn lớn nhất chính là việc mời số lượng lớn các NTK đến từ nhiều vùng miền.

Với thời gian chuẩn bị gấp rút, BTC đã nỗ lực tối đa để tạo sự cân bằng trong việc phân chia vai trò cho từng NTK. Tuy nhiên, không thể tránh khỏi những mong muốn chưa được đáp ứng trọn vẹn.

Đạo diễn chia sẻ thêm: “Chúng tôi đã cố gắng hết sức để mỗi NTK đều có không gian thể hiện tác phẩm. Nhưng do thời lượng chương trình có hạn, có những BST chưa thể xuất hiện như mong đợi. Đây là điều đáng tiếc, nhưng cũng là bài học để chúng tôi rút kinh nghiệm những năm sau”.

Trong hai đêm trình diễn của chương trình, đêm khai mạc là thử thách lớn hơn, với mục tiêu là phải truyền tải thông điệp về lịch sử và văn hóa. Đạo diễn cho biết áo dài mang trên mình những câu chuyện, sứ mệnh và giá trị tinh thần, vì thế ông muốn đưa áo dài thành ngôn ngữ chính của sân khấu.

Trong đêm diễn, hình ảnh các nhân vật nữ như mẹ Việt Nam anh hùng, bà Nguyễn Thị Bình, và các nữ sinh đấu tranh vì độc lập được khắc họa rõ nét, áo dài trở thành biểu tượng của sự hy sinh và tinh thần bất khuất của phụ nữ Việt Nam…

Sự chuyển giao giữa các thế hệ cũng được thể hiện rõ nét trong lễ hội. Những NTK trẻ như Ivan Trần sánh bước cùng mẹ – một NTK áo dài có tiếng, cho thấy sự tiếp nối truyền thống, áo dài không chỉ là di sản mà còn là dòng chảy liên tục của sáng tạo và đổi mới…

Trong hành trình tôn vinh áo dài Việt, nhiều thiết kế đã trở thành biểu tượng, đặc biệt là những trang phục được thiết kế cho các đấu trường nhan sắc quốc tế, mang về giải thưởng và tình cảm từ khán giả. Một số bộ trang phục đã được tặng cho Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tại TP.HCM, nơi trang phục tiếp tục kể câu chuyện về bản sắc dân tộc.

Mỗi bộ áo dài là một câu chuyện, một lát cắt văn hóa  - ảnh 7

Lễ hội Áo dài TP.HCM lần thứ 11 hội tụ nhiều nghệ sĩ, hoa hậu, diễn viên, tỏa sáng trong tà áo dài, khẳng định sức hút mạnh mẽ của trang phục truyền thống. Sự tham gia của các cựu tù chính trị cũng tạo nên những khoảnh khắc xúc động, tri ân những người cống hiến cho đất nước.

Áo dài không chỉ xuất hiện trên sân khấu mà còn lan tỏa trong nhiều lĩnh vực, từ thể thao đến ngoại giao, góp phần tôn vinh vẻ đẹp Việt Nam trên trường quốc tế.

Hình ảnh các huấn luyện viên, vận động viên thể thao như Lê Đình Đức, Châu Tuyết Vân khoác lên mình tà áo dài chính là minh chứng rõ ràng nhất.

Đồng thời, sự xuất hiện của các lãnh sự quán, phu nhân đại sứ trong trang phục áo dài cũng góp phần tôn vinh vẻ đẹp truyền thống Việt Nam trên trường quốc tế.

Một trong những phần được đạo diễn Hoàng Nhật Nam tâm đắc nhất là tôn vinh các nhà thiết kế áo dài trong BST “Sắc son”.

Ông chia sẻ: “NTK thường đứng sau hậu trường, ít khi xuất hiện trước công chúng. Tôi muốn mang họ đến gần hơn với khán giả để mọi người hiểu rằng mỗi tà áo dài là kết quả của quá trình lao động nghệ thuật đầy đam mê”.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc