"Lạc giữa biển người": Kịch bản quá an toàn, diễn viên chưa đột phá
VHO - Vở Lạc giữa biển người vừa diễn ra vào tối qua 7.1, nằm trong khuôn khổ Liên hoan Sân khấu Kịch nói toàn quốc - 2021 tổ chức tại TP.HCM, vô tình trở nên “hot” bởi sự trở lại của nghệ sĩ Hoài Linh. Tác phẩm còn có sự tham gia của Việt Hương, Khương Ngọc,…
Ba nhân vật chính của vở diễn
Lạc giữa biển người của tác giả Như Trúc, do Minh Nhật đạo diễn, có nội dung xoay quanh một xóm trọ dành cho lao động nghèo nơi thành thị. Nghệ sĩ Hoài Linh trong vai ông Tài, chủ dãy nhà trọ cùng những người thuê nhà là bà Năm ve chai (Việt Hương), vợ chồng Trâm - Sơn (Thanh Hiền, Tiến Khoa) bán cháo lòng. Cậu bé Huy được bà Năm cưu mang sau khi cha mẹ bỏ trốn vì bị giang hồ truy đuổi. Câu chuyện diễn biến mới khi có sự xuất hiện của Phi (Khương Ngọc) đến thuê nhà. Một thanh niên từng bị ngồi tù 5 năm, cố gắng hoàn lương, giúp đỡ mọi người xung quanh nhưng vẫn không thể tạo niềm tin với mọi người. Anh mở một tiệm sửa xe nhưng không ai dám đến gần, anh bị kỳ thị và xa lánh. Ngay cả tổ trưởng khu dân phố cũng trách móc ông Tài vì cho thành phần bất hảo thuê trọ.
Bà Năm (Việt Hương) là người từng bước đưa Phi (Khương Ngọc) tìm thấy niềm tin và khuyên nhủ mọi người mở lòng với Phi, giúp anh không quay về con đường lầm lỡ
Đỉnh điểm của câu chuyện là khi Trâm bị mất 15 triệu đồng, mọi ánh mắt nghi kỵ hướng về phía Phi. Trong đó, ngay cả bà Năm ve chai là người đồng cảm và yêu thương Phi lúc đầu, nhưng cũng có đôi chút nghi ngờ, điều này khiến cho Phi mất hết niềm tin... Thế nhưng, sau khi chứng kiến cuộc đối thoại của Phi và người mẹ (Hồng Trang), bà Năm đã thật sự tin Phi, bà không muốn Phi quay lại con đường tội lỗi để cuối cùng phải mất mạng như con trai bà… Bà khuyên ông Tài, Trâm nên mở lòng, giúp đỡ Phi hòa nhập. Bà thương Phi, coi anh như con mình. Mọi việc sau đó được sáng tỏ và Phi lấy được niềm tin, sự yêu thương của cả dãy nhà trọ…
Vở kịch không có quá nhiều kịch tính nhưng thu hút nhờ khơi dậy tình người ấm áp. Trong một vài trường đoạn đã lấy nước mắt khán giả. Cùng với đó, những mảng miếng hài hước với sự tung hứng của Việt Hương, Hoài Linh và các diễn viên đã tạo tiếng cười cho khán giả.
Câu chuyện chuyển tải được thông điệp ý nghĩa, nhưng vẫn thiếu sự đột phá
Có thể nói, câu chuyện gây được xúc động, chuyển tải được thông điệp ý nghĩa, giáo dục mọi người đùm bọc yêu thương nhau. Thế nhưng dường như kịch bản quá an toàn, câu chuyện thiếu kịch tính nên việc giải quyết mâu thuẫn cũng đơn giản, chưa mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, thậm chí chỉ cần xem nửa vở thì khán giả cũng đoán được phần cuối câu chuyện. Các diễn viên chuyên nghiệp đều diễn tròn vai. Các câu thoại có sự chừng mực, không chọc cười khán giả cũng như đã thể hiện được nội tâm, tính cách nhân vật. Tuy nhiên diễn viên vẫn còn thiếu sự đột phá, nhất là Hoài Linh, lối diễn và tính cách nhân vật quá quen thuộc nên khiến người xem không bất ngờ. Đây gần như là vai diễn "đo ni đóng giày" cho anh.
Sự góp mặt của Hoài Linh làm cho vở diễn gây sự chú ý tại Liên hoan
Lạc giữa biển người là vở diễn “hot” bởi đánh dấu sự trở lại của Hoài Linh sau khoảng thời gian im ắng, không có bất kỳ hoạt động nghệ thuật nào. Chưa kể, đây cũng là lần quay lại của Việt Hương sau 15 năm rời xa sân khấu kịch dài.
Ở đoạn gần cuối vở, có một câu thoại, đại ý: Thánh nhân nào cũng có quá khứ, người tốt nào cũng có tương lai, đừng vì một lần người ta lầm lỡ mà nghĩ họ sai cả đời. Đánh người chạy đi chứ ai nỡ đánh người chạy lại... để nói lên thông điệp vở diễn là mọi người nên mở lòng, bao dung hơn để cùng nhau xây dựng cuộc sống vui vẻ, tốt đẹp. Khi một con người tốt hơn, cũng là lúc xã hội có thêm mầm xanh hy vọng.
THÙY TRANG; ảnh: LÝ VÕ PHÚ HƯNG