Khi nghệ sĩ... “kể tội” thành phố

VHO- Gần 100 nghệ sĩ ở các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống như hát bội, cải lương, múa rối, xiếc và sân khấu kịch nói vừa có cuộc gặp gỡ với lãnh đạo UBND TP.HCM. Trong một buổi gặp gỡ cuối năm đáng ra là dịp ôn lại, chia sẻ những thành tích nhưng thành một buổi than thở, kêu khó của nghệ sĩ hầu hết các lĩnh vực.

Khi nghệ sĩ... “kể tội” thành phố - Anh 1

 Lãnh đạo thành phố gặp mặt nghệ sĩ

Nghe vậy, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM nói: “TP.HCM có đội ngũ văn nghệ sĩ làm nghề đông đảo, yêu nghề và có tinh thần lao động nghệ thuật hăng say, khán giả của thành phố cũng rất tuyệt vời, chỉ có quản lý là chưa tuyệt vời”.

Ý kiến của ông Trần Vĩnh Tuyến không phải là không có lý khi mà nhiều năm nay nghệ sĩ thành phố vẫn phải kêu than về cơ sở vật chất, chế độ đãi ngộ, sự quan tâm chưa xứng tầm với sự phát triển của một thành phố năng động. Mỗi năm, cuộc gặp gỡ giữa các lãnh đạo thành phố và giới nghệ sĩ lại có những nỗi niềm tưởng như “biết rồi, khổ lắm nói mãi” nhưng vẫn không giải quyết được. Các sàn diễn nghệ thuật truyền thống ngày càng co cụm, thiếu sức sống, hoặc có chăng lại rất èo uột, khó khăn. Đây là điều ai cũng nhìn thấy nhưng lại chưa có hướng giải quyết triệt để.

Cần chuyên nghiệp đội ngũ kịch bản

Cuộc gặp gỡ có chủ đề “TP. HCM bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống, tìm hướng đi mới cho nghệ thuật kịch nói trong xu thế hội nhập và phát triển”. Một chủ đề rộng nhưng luôn là vấn đề cấp bách, cần được quan tâm. TP.HCM được đánh giá là thành phố sôi động với sự phát triển kinh tế, xã hội, nơi đây cũng là “địa chỉ” của rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống tồn tại như: hát bội, đờn ca tài tử, cải lương, múa rối, xiếc và nghệ thuật kịch nói phát triển sôi động nhất cả nước. Thế nhưng nhiều năm nay, các loại hình nghệ thuật này đang rơi vào tình trạng đìu hiu, hoặc tồn tại hết sức khó khăn.

Nhìn đi, nhìn lại vẫn những khó khăn cũ: Ngoài vấn đề cơ sở vật chất nghèo nàn, lạc hậu, không theo kịp xu thế, khoa học công nghệ thì hiện nay địa điểm biểu diễn cho sân khấu kịch nói, cải lương vẫn còn những bấp bênh. Các đơn vị xã hội hóa vừa làm vừa nhấp nhổm tìm địa điểm biểu diễn. Muốn vào nơi sang trọng hơn thì không đủ chi phí vì giá thuê rạp quá cao... Đây là điều mà bao lâu nay các nghệ sĩ vẫn “kêu than” với lãnh đạo thành phố. Nghệ sĩ Kim Tử Long, Kim Xuân... cho rằng, địa điểm biểu diễn ảnh hưởng rất nhiều đến sự sáng tạo của anh em nghệ sĩ.

Một trong những mắt xích quan trọng ảnh hưởng đến việc sàn diễn nghệ thuật truyền thống, sân khấu kịch nói điêu đứng là thiếu đội ngũ viết kịch bản chuyên nghiệp. Những thầy tuồng, soạn giả... giỏi đã không còn, thế hệ kế thừa vừa thiếu vừa yếu. MC Thanh Bạch cho rằng, “các em trẻ hiện nay chỉ biết chọc cười, diễn hài nhưng lại không có thông điệp nào cả. Sức mạnh của người biên kịch rất quan trọng. Chúng ta đang lúng túng về tác giả kịch bản, bây giờ phải chú trọng vẫn chưa muộn. Hãy chuyên nghiệp đội ngũ biên kịch, tác giả cho nghệ thuật truyền thống, sân khấu kịch nói”.

Khi nghệ sĩ... “kể tội” thành phố - Anh 2

Nghệ sĩ Phú Quý phát biểu tại buổi gặp mặt

Vấn đề này không hẳn mới nhưng đáng báo động trong bối cảnh hiện nay khi các sân khấu, nhà hát đều kêu khan hiếm kịch bản hay, mới hoặc có mới mà không hay. Nhìn ở góc độ khác thì việc khan hiếm kịch bản hay, mới và đội ngũ nhà biên kịch có tài xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Từ việc “cơm áo không đùa với khách thơ”, viết kịch bản hiện nay không đủ cho trang trải cuộc sống. Các nhà biên kịch phải làm thêm nghề tay trái để nuôi sống chính mình thì làm sao chuyên tâm mấy tháng trời cho kịch bản chỉ nhận được 3-5 triệu tiền thù lao. Hoặc có khi khó khăn quá tác giả còn cho không... Đấy là thực trạng được soạn giả Hoàng Song Việt chia sẻ.

Cần nhiều hơn thế

Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở VHTT TP.HCM cho biết, hiện Sở VHTT được UBND thành phố giao xây dựng quy hoạch phát triển văn hóa thành phố và đề án phát triển công nghiệp văn hóa. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho việc phát triển, bảo tồn văn hóa nói chung, văn học, nghệ thuật thành phố nói riêng. Kết thúc buổi gặp gỡ, ông Trần Vĩnh Tuyến bày tỏ sự trân trọng và miệt mài lao động nghệ thuật của các nghệ sĩ TP.HCM. Ông Tuyến đề nghị Sở VHTT TP.HCM rà soát lại những cơ sở vật chất, thiết chế văn hóa, điều tiết linh hoạt đảm bảo ưu tiên tối đa cho nghệ sĩ làm nghề. Cần thiết đầu tư cơ sở vật chất để các vở diễn, tác phẩm đến với công chúng mà các nghệ sĩ không phải trả tiền cho việc thuê mặt bằng...

Và điều cuối cùng, ông nói vui với các nghệ sĩ: Năm sau hi vọng cuộc gặp gỡ này sẽ là những phát biểu kể công, thành tích lao động nghệ thuật chứ không còn “kể tội” thành phố nữa. Đây cũng chính là niềm mơ ước của anh em nghệ sĩ đang hoạt động các lĩnh vực nghệ thuật truyền thống và sân khấu kịch nói. Làm sao để văn hóa, nghệ thuật phát triển xứng tầm với kinh tế, đời sống xã hội... ở một thành phố năng động và phát triển không ngừng như TP.HCM. Muốn như vậy đòi hỏi không chỉ nhà quản lý mà cả các nghệ sĩ phải đồng lòng, đoàn kết tìm ra những hướng đi phù hợp với thời đại khoa học và công nghệ. Nếu không “cái chết” của sàn diễn là điều được báo trước. 

 MAI LINH

Ý kiến bạn đọc