Độc đáo tết Rija Nưgar của người Chăm lần đầu tiên được tổ chức tại Hội An
VHO-Lần đầu tiên, lễ hội Rija Nưgar truyền thống của người Chăm được chính các bạn trẻ người Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại vùng đất di sản văn hóa thế giới Hội An-vùng đất vẫn còn lưu giữ nhiều dấu tích Thời kỳ Chiêm Cảng của Vương quốc Champa (thế kỷ II - thế kỷ XIV).
Rija Nưgar- có nghĩa là lễ hội của xứ sở (Rija: lễ, Nưgar: xứ sở), được xem là lễ hội truyền thống lớn nhất của dân tộc Chăm, bên cạnh hai lễ hội dân gian khác là Katê và Bbơng muk kei (Ramadan hay Ramưwan). Theo phong tục bao đời, hằng năm cứ vào tiết xuân, vào tháng Giêng Chăm, tương đương với tháng Tư Dương lịch, người Chăm Bàni và Bàlamon “Chăm Panduranga” long trọng tổ chức đón tết Rija Nưgar truyền thống của mình.
Lần đầu tiên, một nhóm bạn trẻ người Chăm đến từ tỉnh Ninh Thuận, trong đó có rất nhiều người đang sinh sống, làm việc tại phố cổ Hội An đã cùng nhau tổ chức đón lễ Rija Nưgar ngay tại xã Cẩm Thanh-một điểm đến du lịch sinh thái nổi tiếng của Hội An.
Tết Rija Nưgar lần đầu tiên được các trẻ người Chăm tỉnh Ninh Thuận tổ chức tại Hội An cuốn hút nhiều người tham dự
Nhà thơ Kiều Maily, trưởng nhóm, cho biết việc tổ chức tết Rija Nưgar tại Hội An là dịp để những người Chăm đang sống ở Hội An cùng nhau tổ chức lễ đón mừng năm mới của dân tộc Chăm. Đồng thời cũng là dịp để giới thiệu với du khách về cái tết truyền thống với những nét văn hóa độc đáo được người Chăm gìn giữ bao đời. Đối với người Chăm, Lễ Rija Nưgar là lễ đón mừng năm mới, mang ý nghĩa tẩy uế những điều xấu của năm cũ, chào đón những điều tốt đẹp, và đón chào của năm mới an lành. Khi cái nắng, nóng của đất trời lên đến đỉnh điểm thì một năm mới lại về trên xứ sở. Đó cũng là lúc người Chăm bắt đầu chuẩn bị cho ngày lễ cầu đảo (cầu mưa) đầu năm, đánh dấu thời khắc chuyển mùa, cầu cho mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an, mùa màng tươi tốt, nhà nhà ấm no,…
Lễ hội Rija Nưgar tương tự như Tết Nguyên đán của người Việt được tổ chức vào đầu tháng Giêng Chăm lịch. Người Chăm sử dụng lịch Sakti do thầy Cả sư ấn định. Với mong muốn tống cái xấu, rước cái tốt, hy vọng một năm mới tốt lành. Lễ Rija Nưgar được tổ chức theo quy mô từng làng, thường diễn ra trong một nhà lễ, được dựng tạm ở một mảnh đất trống đầu thôn. Trong hai ngày của lễ hội (ngày thứ Năm và thứ Sáu đầu tiên trong năm), tất cả người Chăm đều dâng lễ bái tạ thần linh và tổ tiên, tiếp sau đó là khoảng thời gian hội hè vui chơi thỏa thích.
Theo truyền thống, lễ Rija Nưgar còn là dịp để trình diễn nghệ thuật diễn xướng của dân tộc Chăm thông qua sự kết hợp của những điệu vũ của thầy Ka-ing, những lời tụng ca trong văn hóa dân gian truyền khẩu của người Chăm về tiểu sử, công đức của các vị vua, anh hùng của dân tộc...
Thầy Ong Ka-ing với điệu múa đạp lửa truyền thống đầy phấn khích
Thầy Mưdwơn- chủ lễ sẽ là người điều khiển cuộc lễ và cất lên hàng chục bài tụng ca trên nền trên trống Baranưng, cùng với đó, thầy Ong Ka-ing sẽ là người nhảy múa dựa theo nội dung của bài tụng ca. Trong đó, múa đạp lửa luôn là một điệu múa đầy phấn khích được đám đông cổ vũ, thể hiện sự quyết tâm vượt qua mọi khó khăn để đi đến chiến thắng, ca ngợi sự mạnh mẽ của người Chăm. Theo phong tục của người Chăm, đạp lửa là đạp sự oi bức, xấu xa của năm cũ trôi theo, thông thường sau khi múa đạp lửa xong, ngày hôm sau có mưa….
Ngoài ra, dàn đồng ca dân tộc với các nhạc cụ như trống Baranưng, Ginơng, kèn Saranai, hát Daoh Dam Dara-dân ca giao duyên đối đáp đầu năm mới của đôi lứa trai gái, múa Pô Nai cầu mùa màng tươi tốt,… cũng được diễn tấu, tạo nên một sự kết hợp hoàn hảo những giá trị văn hóa tinh thần của dân tộc Chăm và thu hút sự quan tâm thưởng thức, cổ vũ của du khách.
Điệu múa Pô Nai cầu cho mùa màng tươi tốt
Nhiều du khách đang tham quan, lưu trú tại Hội An cũng đã đến tham gia lễ Rija Nưgar được các bạn trẻ người Chăm tổ chức đúng nghi thức như tại quê nhà. Du khách rất thích thú khi được chứng kiến các bạn trình diễn, giới thiệu cách làm các loại bánh truyền thống, cao quí được dâng cúng trong mâm lễ vật như bánh Sakaya làm từ trứng đường đậu phụng, bánh gừng, nánh nở “Tapei Coh”, chế biến các loại rượu truyền thống người Chăm, thực hiện các nghi thức cúng tế, cầu nguyện tổ tiên, thần linh.
Đặc biệt là phần biểu diễn âm nhạc với các nhạc cụ kèn, trống, màn múa đạp lửa,…được du khách cổ vũ đầy phấn khích theo âm nhạc, vũ điệu,….
Du khách chụp ảnh lưu niệm với những người Chăm đón năm mới tại Hội An
THU HOÀI