Nhiều nghệ sĩ biểu diễn, phát ngôn có yếu tố nhạy cảm chính trị:

Đã đến lúc phải xử lý nghiêm

THÙY TRANG

VHO - Sự việc hàng loạt nghệ sĩ Việt tham gia các chương trình biểu diễn có yếu tố nhạy cảm về chính trị, thậm chí công khai nói xấu đất nước, nói xấu lãnh tụ… vừa bị cộng đồng mạng “đào” lại, đang trở thành tâm điểm tranh luận gay gắt. Đây không chỉ là hành vi nông nổi nhất thời, nhiều ý kiến cho rằng, sự việc đã ở mức độ nghiêm trọng, rất cần cơ quan chức năng vào cuộc và có biện pháp xử lý, không thể để cho những “con sâu” cứ mãi “làm rầu nồi canh” như vậy…

Đã đến lúc phải xử lý nghiêm - ảnh 1
Rapper B Ray bị dư luận phản ứng gay gắt và đề nghị rút khỏi vị trí HLV Rap Việt mùa 4 vì những phát ngôn “lệch chuẩn”

 Nghệ sĩ phải có ý thức trách nhiệm với đất nước và cộng đồng

Nhân vật mới nhất khiến cõi mạng “dậy sóng” là rapper B Ray (tên thật Trần Thiện Thanh Bảo). Vừa được công bố làm HLV chương trình Rap Việt mùa 4, ngay lập tức anh này đã liên tục bị “gọi tên”. Theo đó, trong các dòng trạng thái và bình luận trên trang cá nhân của mình (vào khoảng những năm 2015-2016), B Ray đã công khai nói xấu Việt Nam, buông lời giễu cợt về lãnh tụ…

Được biết hồi đầu năm nay, rapper này từng bị Sở VHTT TP.HCM mời lên vì nội dung biểu diễn dung tục, xúc phạm phụ nữ. Khi làm việc với cơ quan chức năng, B Ray thừa nhận sai phạm trong show diễn ngày 19.12.2023 tại TP.HCM, bản rap của anh nhận nhiều ý kiến chỉ trích của khán giả vì ca từ phản cảm, thiếu tinh tế. Ngay sau đó, nam rapper đã gỡ bỏ ca khúc trên các nền tảng.

Cũng vào thời điểm này, nhiều nghệ sĩ khác như Thanh Thảo, Quang Dũng, Dương Triệu Vũ… cũng bị cộng đồng mạng tìm ra “tung tích” khi giao du cùng thành viên cốt cán của tổ chức khủng bố Việt Tân; cùng với đó, khán giả bức xúc khi thấy Trấn Thành quảng cáo phim Mai trên đài Á Châu Tự Do (RFA), một kênh truyền hình hải ngoại có tư tưởng phản động.

Đây không chỉ là bức xúc nhất thời của cộng đồng về lòng yêu nước, mà còn đặt ra những câu hỏi về ý thức, vai trò, trách nhiệm của nghệ sĩ trong xã hội, về lòng tự tôn dân tộc… đang để ở đâu; làm nghệ thuật mà “lệch chuẩn” nhận thức chính trị, văn hóa thì thật sự là độc hại, nhất là đối với công chúng trẻ.

Bày tỏ ý kiến về hiện tượng này, TS Hà Thanh Vân, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam cho rằng: “Nghệ sĩ đi biểu diễn ở nước ngoài là việc đáng hoan nghênh. Thực tế cho thấy, lượng kiều bào ta ở nước ngoài khá đông, mối quan hệ giao lưu như vậy cũng giúp cho đồng bào ở xa quê hương biết được thêm về văn hóa của đất nước, của dân tộc. Thế nhưng cũng từ đó lại nảy sinh ra những vấn đề như nghệ sĩ biểu diễn ở những nơi có yếu tố nhạy cảm về chính trị. Tôi nghĩ rằng, nhiều người dù biết chương trình không phù hợp, nhưng vẫn cố tình làm ngơ. Rõ ràng họ có thể quan sát, nhìn nhận quang cảnh, không gian xung quanh, chứ không thể đổ lỗi là “vô ý không nhìn thấy”. Cá nhân tôi chưa thấy nghệ sĩ nào có bản lĩnh để từ chối biểu diễn. Tất nhiên cũng có thể thông cảm, vì các bạn từ chối thì phải đền bù hợp đồng, sợ lần sau sẽ không được mời qua diễn nữa… Nhưng nếu cứ như vậy thì sẽ tạo thành tiền lệ và cứ tiếp tục xin lỗi thì hoàn toàn không chấp nhận được”, TS Hà Thanh Vân bày tỏ.

 Sự việc vừa qua không chỉ dừng lại ở những xôn xao trên mạng xã hội mà đã ở mức độ nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp cứng rắn hơn. Nếu không xử lý nghiêm là chúng ta đang “dung dưỡng” cho họ tiếp tục làm sai, điều này ảnh hưởng lớn đến cộng đồng thưởng thức nghệ thuật và cả giới văn nghệ sĩ chân chính. Song song với chế tài, cần có biện pháp bảo vệ các nghệ sĩ, đừng để họ “lọt xuống hố”, không còn đường quay lại…

(Nhạc sĩ NGUYỄN ĐỨC TRUNG, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM)

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM cũng chia sẻ quan điểm: “Người nghệ sĩ trước tiên phải có ý thức trách nhiệm với đất nước và cộng đồng. Các bạn cần phải hiểu rằng, tuyệt đối không được làm điều gì tổn hại cho đất nước, ảnh hưởng đến dân tộc mình. Nhiều người nói mình bị “gài” khi đi lưu diễn nước ngoài, lý do này là không hợp tình hợp lý, bởi các bạn đều biết rõ mình làm gì, bị ai xúi giục, ai cho tiền, ai kêu mình phát biểu…”.

Một nghệ sĩ có thâm niên lên tiếng, trước đây đã có nhiều trường hợp nghệ sĩ “dính phốt” như M.N, T.N, V.H, B.K, T.P…, tại sao các bạn không rút kinh nghiệm, mà lại bao biện là do “sơ suất”. Họ đều là nghệ sĩ đình đám, gạo cội, chỉ vì chút quyền lợi bản thân mà sẵn sàng nói xấu đất nước. Lời nói gió bay, nhưng danh dự, tự trọng của người nghệ sĩ đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trở nên xấu đi trong mắt khán giả”…

Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM thông tin thêm: “Một số nghệ sĩ nhận thức rất kém, ảo tưởng sức mạnh, nghĩ rằng mình là người quan trọng, phải được đặc quyền này, ưu đãi nọ. Trước đây không ít các trường hợp nghệ sĩ ra nước ngoài thì nói xấu Tổ quốc, nhân dân, nhưng sau khi đời sống trong nước đi lên, họ lại quay về biểu diễn như “chưa từng có cuộc chia ly”. Điều này khiến những nghệ sĩ chân chính và khán giả rất bức xúc”.

Đủ bản lĩnh để biết từ chối

Theo TS Hà Thanh Vân, nghệ sĩ cần phải hiểu thị trường chính của mình là ở đâu. Công chúng số đông vẫn là hàng trăm triệu người dân Việt Nam, gấp rất nhiều lần so với mấy triệu kiều bào. Không phải ngẫu nhiên mà các nghệ sĩ hải ngoại quay về quê nhà biểu diễn. Thế hệ Việt kiều trẻ đã theo lối sống văn hóa phương Tây, do đó thị trường biểu diễn ở hải ngoại ngày càng hạn hẹp, không còn nhiều “đất diễn”… Vì thế, các nghệ sĩ phải coi đối tượng phục vụ chủ yếu của mình là ở trong nước, đừng vì chút lợi trước mắt mà đá đổ nồi cơm của chính mình”.

Chuyên gia cho rằng, nghệ sĩ cũng phải đủ bản lĩnh để biết từ chối. Ví dụ, mình đã sơ suất biểu diễn ở nơi có yếu tố “nhạy cảm”, thì lần sau phải biết dũng cảm “nói không” ngay từ đầu, tránh tình trạng bị “đền hợp đồng”, đưa mình vào thế đã rồi. Nếu chưa từng biểu diễn ở sân khấu đó thì phải tìm hiểu kỹ thông tin, từ đó có cách lựa chọn phù hợp. “Nhà nước Việt Nam cũng cần có những chế tài rõ ràng, quyết liệt hơn. Chẳng hạn, hạn chế các nghệ sĩ vi phạm lên sóng truyền hình, tham gia biểu diễn, thậm chí cấm xuất hiện một thời gian… tùy theo mức độ vi phạm. Tránh tình trạng việc xảy ra rồi mới tìm cách chữa cháy”, TS Hà Thanh Vân đề nghị.

Theo nhạc sĩ Nguyễn Đức Trung, sự việc vừa qua không chỉ dừng lại ở những xôn xao trên mạng xã hội mà đã ở mức độ nghiêm trọng, cơ quan chức năng cần vào cuộc và có biện pháp cứng rắn hơn. “Nếu không xử lý nghiêm là chúng ta đang “dung dưỡng” cho họ tiếp tục làm sai, điều này ảnh hưởng lớn đến cộng đồng thưởng thức nghệ thuật và cả giới văn nghệ sĩ chân chính. Song song với chế tài, cần có biện pháp bảo vệ các nghệ sĩ, đừng để họ “lọt xuống hố”, không còn đường quay lại”, Phó Chủ tịch Hội Âm nhạc TP.HCM nhận định.

“Gần đây có trường hợp hát chế nhạc Quốc ca, phải đợi sự việc đi quá xa, dư luận phẫn nộ, báo chí lên tiếng thì cơ quan chức năng mới có động thái mời cá nhân lên làm việc. Như vậy là quá chậm trễ, gây ảnh hưởng đến nhận thức của một bộ phận không nhỏ công chúng trẻ tuổi và giới văn nghệ sĩ. Cơ quan chức năng nên hành động và xử lý kịp thời hơn”, một nghệ sĩ chia sẻ. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc