Chỉ vì đam mê ảo thuật...
VHO- Học đại học nhưng chọn “nghiệp” biểu diễn ảo thuật; “hy sinh” cho ảo thuật chứ không chọn người yêu, trốn nhà đi theo đoàn biểu diễn... là những câu chuyện của không ít ảo thuật gia trẻ tham gia Liên hoan ảo thuật toàn quốc 2018. Điểm chung là họ sẵn sàng đánh đổi dù cuộc sống bấp bênh, thu nhập lúc có lúc không nhưng ảo thuật vẫn thu hút các bạn trẻ theo nghề.
Cô gái Mai Nhi chọn tiết mục kịch biểu diễn ảo thuật
Tốt nghiệp cả hai trường đại học Nhạc viện TP.HCM và Quản trị kinh doanh nhưng cô gái 25 tuổi Mai Nhi lại chọn con đường biểu diễn ảo thuật chuyên nghiệp. Theo nghề đã 8 năm, cô gái nhỏ nhắn cho biết từ nhỏ đã được xem nhiều video, đĩa của các ảo thuật nổi tiếng. Lâu dần cô tò mò muốn biết làm cách nào các ảo thuật gia có thể làm được những tiết mục lạ lùng như vậy. Tự mày mò từ mạng, truyền thông, sách vở để dấn thân vào nghề, được anh em bạn nghề chia sẻ, góp ý dần tiến bộ và theo nghề suốt 8 năm qua. Vì hoạt động tự do nên việc trang trải đầu tư kinh phí đạo cụ, trang phục không hề nhỏ. Khi tham gia Liên hoan ảo thuật, Mai Nhi đã đầu tư mới một tiết mục Romeo và Juliet. Để có tiết mục hoàn chỉnh này, Mai Nhi cho biết cô đã phải mất 3 tháng tập luyện và đầu tư hơn 50 triệu đồng.
Với anh Nguyễn Cường, CLB Ảo thuật Đà Lạt thì dù thu nhập còn khó khăn nhưng đã đam mê thì sẽ theo đến cùng. Chẳng thế mà từ năm 14 tuổi, anh Cường đã trốn cha mẹ theo đoàn ảo thuật học hỏi. Đến khi ra nghề đi biểu diễn nói không ai tin. Cha mẹ nhìn thấy anh biểu diễn trên ti vi vẫn không tin đó là con mình. Hơn 20 năm theo nghề, có những năm tưởng chừng bỏ nghề vì quá khó khăn. Nhưng đam mê lại khó bỏ, anh trở lại tự tìm tòi, sáng tạo cho tiết mục của mình mới lạ, phong phú. Anh chia sẻ: “Tôi đầu tư toàn bộ thời gian của mình vào ảo thuật, cuộc sống cũng khó khăn lắm. Đi lưu diễn khắp nơi. Công việc này đòi hỏi đầu tư rất lớn. Các bạn trẻ mới vào nghề rất khó để đầu tư. Có khi bỏ tiền đầu tư vài chục triệu nhưng cát sê chỉ vài triệu, thậm chí vài trăm ngàn. Bỏ số tiền lớn nhưng thu vào lại rất nhỏ, không đủ kinh tế thì không theo được”.
Liên hoan ảo thuật 2018 có khá nhiều gương mặt ảo thuật gia trẻ tham gia với nhiều tiết mục phong phú, đa dạng. Sự tham gia của lực lượng lớn các ảo thuật gia tự do cũng là dấu hiệu đáng mừng. Nhưng rõ ràng, các tiết mục ảo thuật còn khá nghèo nàn và trùng lắp. Hầu như tiết mục nào cũng na ná với chim bồ câu, hoa và ô... Muốn thu hút khán giả thì chính các ảo thuật gia phải không ngừng sáng tạo liên tục nếu không muốn bị tự đào thải. Hay nói như ảo thuật gia Nguyễn Cường: “Nếu không tìm tòi sáng tạo mới, hấp dẫn thì ảo thuật gia sẽ bị nghề cô lập”.
Bài, ảnh: MAI LINH