Tôn vinh những tác phẩm báo chí xuất sắc về sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch
VHO- Chiều 26.12 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL phát động Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BTC Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” dự và phát động giải.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ, Trưởng BTC phát biểu tại lễ phát động
Dự buổi lễ có đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo TƯ; Bộ TT&TT; Hội Nhà báo VN; lãnh đạo các Tổng Cục, Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL; đại diện gần 70 cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương.
Tạo sức lan toả cho Giải thưởng
Phát biểu tại lễ phát động, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; triển khai thực hiện Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc; với tinh thần “Quyết liệt hành động, khát vọng cống hiến”, ngay từ đầu năm 2022, Ngành Văn hoá, Thể thao và Du lịch đã phát động và triển khai chủ đề công tác năm “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”.
Tinh thần đó đã được lan toả sâu rộng, tạo động lực cho Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch triển khai thực hiện đồng bộ, toàn diện các mặt công tác và đạt được nhiều thành tựu nổi bật mang tính bước ngoặt trong thời gian qua.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ và các đại biểu dự lễ phát động
“Những thành tựu Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đạt được là nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các Ban, Bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực không ngừng của đội ngũ cán bộ làm văn hóa, thể thao và du lịch trên toàn quốc; sự hỗ trợ hiệu quả từ các cơ quan thông tấn báo chí; sự phối hợp, đồng hành đầy nhiệt huyết, tâm huyết của các nhà báo, phóng viên, biên tập viên trong suốt thời gian qua…”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ khẳng định.
Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ cho biết, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” là hoạt động thường niên của Ngành VHTTDL, được phát động và tổ chức từ năm 2022. Giải thưởng lần thứ nhất được trao nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống Ngành Văn hóa, ngày 28.8.2023.
Các đại biểu dự lễ phát động
Giải báo chí nhằm giới thiệu, quảng bá những kết quả, thành tựu của công tác văn hoá, thể thao và du lịch. Đồng thời, phát hiện những điển hình tiên tiến trong ngành văn hoá, thể thao và du lịch; cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch. Đây cũng là cơ hội để các nhà báo, phóng viên, biên tập viên được trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực văn hoá, thể thao và du lịch.
Để lan toả mục đích, ý nghĩa của việc tổ chức Giải báo chí lần này, Thứ trưởng Trịnh Thị Thuỷ đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên quan tâm, tổ chức sản xuất, xuất bản những tác phẩm báo chí tập trung vào một số nội dung trọng tâm như: Việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Hội nghị Văn hoá toàn quốc và Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào cuộc sống; Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hoá; Xây dựng và triển khai hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ hệ giá trị gia đình; Xây dựng môi trường văn hoá cơ sở gắn với công tác tổ chức cán bộ và các nội dung khác, phản ánh toàn diện công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đổi mới tư duy và phương thức hoạt động của toàn ngành VHTTDL. “Chúng tôi mong muốn các cơ quan báo chí, đội ngũ những người làm báo cũng chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập, từ đó đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình...”, Thứ trưởng nhấn mạnh.
Lãnh đạo Bộ bày tỏ mong muốn các ban, bộ, ngành Trung ương; các địa phương, đơn vị; đặc biệt các cơ quan thông tấn báo chí Trung ương và địa phương tiếp tục đồng hành, lan tỏa, động viên, khuyến khích cán bộ, viên chức, hội viên, đoàn viên, các nhà báo, phóng viên, biên tập viên tích cực tham gia tuyên truyền, gửi tác phẩm tham dự, góp phần tạo nên thành công cho Giải.
Mong muốn có nhiều tác phẩm xuất sắc
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất do Bộ VHTTDL tổ chức để lựa chọn, trao giải cho tác giả hoặc nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình được các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương đăng, phát sóng trong thời gian quy định; đồng thời, trao giải cho cơ quan báo chí tiêu biểu có nhiều tác phẩm tham dự đạt giải.
Ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hoá, Phó BTC cho biết, Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất nhằm ghi nhận, tôn vinh những đóng góp xuất sắc của tập thể, cá nhân người làm báo đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.
Ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hoá, Phó BTC phát biểu tại lễ phát động
Giải thưởng cũng nhằm thông tin, giới thiệu những kết quả, thành tựu của công tác văn hoá, thể thao và du lịch; phát hiện gương điển hình tiên tiến trong ngành văn hoá, thể thao và du lịch; cổ vũ, động viên cán bộ toàn ngành chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch.
“Đây là hoạt động tạo điều kiện để các nhà báo trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch…”, ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh.
Các tác giả tham gia giải thưởng là công dân Việt Nam ở trong nước và nước ngoài có tác phẩm báo chí viết về văn hóa, thể thao và du lịch được đăng tải, phát sóng trên các báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, báo ảnh trong thời gian quy định. Tác giả là người nước ngoài có tác phẩm báo chí (viết bằng tiếng Việt) phù hợp với quy định của thể lệ giải có quyền gửi bài tham dự.
Ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng Biên tập Báo Văn Hoá
Giải thưởng được trao cho các tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc, phản ánh về người thật, việc thật; có tính phát hiện, phản ánh chính xác, kịp thời về những tập thể, cá nhân, hành động tích cực, điển hình tiên tiến, phê phán thói hư, tật xấu trong xã hội… với một trong các nội dung trọng tâm: triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đi vào cuộc sống; hiện thực hóa các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, cấp ủy các cấp; vai trò, tầm quan trọng của văn hóa đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước; thực trạng về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Gia đình và giải pháp hoàn thiện.
Các tác phẩm cũng góp phần chỉ ra những khó khăn, vướng mắc, bất cập; đưa ra giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, quản lý nhà nước và tổ chức các hoạt động phát triển sự nghiệp Văn hoá, Thể thao, Du lịch và Gia đình từ Trung ương đến địa phương.
Ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh, Giải báo chí này là hoạt động tạo điều kiện để các nhà báo trao đổi kinh nghiệm chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động thông tin, báo chí đối với lĩnh vực Văn hoá, Thể thao và Du lịch
Phản ánh, tuyên truyền những mô hình mới, cách làm hay, gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, những điển hình tiên tiến trong thực hiện các chủ trương, đường lối về phát triển văn hóa, con người như: Kết luận số 76-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15.5.2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 24.6.2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới; Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021; Hướng đến 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam; Định hướng phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người gắn với việc phát huy, gìn giữ hệ giá trị gia đình.
“Các tác phẩm báo chí phải đảm bảo tính chân thực, có sức thuyết phục, lan tỏa và được nhân dân đồng tình, đánh giá cao; phục vụ tốt công tác thông tin, tuyên truyền vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch được đăng, phát trên các cơ quan báo chí được cấp phép theo quy định của pháp luật…”, ông Phan Thanh Nam nhấn mạnh.
Các đại biểu dự lễ phát động
Mỗi tác giả, nhóm tác giả tham dự không quá 5 tác phẩm; mỗi tác phẩm báo chí được đăng, phát không quá 5 kỳ. Tác giả dự giải không trong thời gian thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên hoặc không trong quá trình xem xét kỷ luật hoặc đang bị cơ quan điều tra về các sai phạm có liên quan. Thành viên và người thân của BTC, HĐGK, Tổ Thư ký giúp việc không được đăng ký tác phẩm tham dự giải.
Về tiêu chí xét trao giải, tác phẩm dự Giải được thể hiện bằng tiếng Việt (hoặc tiếng dân tộc, tiếng nước ngoài được dịch ra tiếng Việt) được đăng, phát sóng trên các loại hình báo chí, đáp ứng các quy định của Thể lệ. Tác phẩm dự Giải phải bảo đảm tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật có tính chính xác, khách quan. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới, phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.
Toàn cảnh lễ phát động
Thể loại báo chí được xét trao Giải là các tác phẩm báo chí thuộc bài phản ánh, phóng sự, điều tra, bút ký, chương trình toạ đàm (trừ các chương trình phát thanh và truyền hình trực tiếp)... tuyên truyền về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình được đăng, phát trên các loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, báo nói, báo hình, báo ảnh kể từ ngày 15.6.2022 đến hết ngày 15.6.2023.
Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ, công bố ở các thời điểm khác nhau, không có tên loạt bài. Không xét các tác phẩm mang tính hư cấu (thơ, tiểu phẩm, truyện ngắn, câu chuyện văn nghệ, kịch truyền thanh). Tác phẩm tham dự phải bảo đảm không có tranh chấp về bản quyền. Những tác phẩm đã được trao thưởng ở các cuộc thi ở địa phương vẫn được quyền dự Giải nhưng phải ghi rõ mức giải và thông tin về cơ quan/đơn vị, thời gian tổ chức giải thưởng. Các tác phẩm đã đoạt giải ở các cuộc thi cấp quốc gia và quốc tế không thuộc đối tượng tham dự Giải.
Đối với tác phẩm báo in, mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 5 kỳ) của cùng tác giả hoặc nhóm tác giả cùng đứng tên về cùng một sự kiện, vấn đề, đề tài và thực hiện cùng một thể loại báo chí. Không xét loạt bài ghép từ những bài độc lập của các tác giả đứng tên riêng lẻ ở các thời điểm đăng tải khác nhau, không có tên loạt bài.
Đối với tác phẩm báo điện tử, mỗi tác phẩm là một bài hoặc một loạt bài (không quá 5 kỳ) của cùng một tác giả, nhóm tác giả cùng đứng tên về cùng một sự kiện, cùng một đề tài thực hiện riêng cho báo điện tử, thể hiện được đặc trưng của báo điện tử về thông tin văn bản, âm thanh, hình ảnh...
Đối với tác phẩm phát thanh: Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt chương trình phát thanh (không quá 5 chương trình, mỗi chương trình không quá 90 phút) về cùng một chủ đề. Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo nói, âm thanh rõ ràng, tiếng nói nhân vật, tiếng động, âm nhạc đảm bảo chất lượng, hấp dẫn.
Các nhà báo tham dự lễ phát động
Đối với tác phẩm báo hình: Mỗi tác phẩm phải là một hoặc một loạt chương trình truyền hình (không quá 5 chương trình, mỗi chương trình không quá 90 phút) về cùng một chủ đề. Tác phẩm phải thể hiện được đặc trưng của báo hình, kỹ thuật hình ảnh, âm thanh phải đạt yêu cầu chất lượng, hấp dẫn.
Đối với tác phẩm báo ảnh: Tác phẩm báo ảnh bao gồm ảnh đơn, nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh được thể hiện bằng hình ảnh màu hoặc ảnh đen trắng. Đối với nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh, chỉ tuyển chọn mỗi nhóm ảnh hoặc phóng sự ảnh không quá 10 ảnh, đăng trên cùng một số báo hoặc cùng thời điểm xuất bản (đối với báo điện tử). Mỗi ảnh cần kèm theo chú thích rõ ràng, thời gian chụp, địa điểm chụp, tên tác giả, chức danh, đơn vị. Không chấp nhận ảnh được xử lý kỹ thuật làm thay đổi nội dung và bản chất sự việc.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất sẽ trao 03 Giải đồng hạng cho 3 cơ quan báo chí có nhiều tác phẩm tham dự Giải, đạt kết quả cao, trị giá giải thưởng 15 triệu đồng/giải. Giải cá nhân, mỗi loại hình báo chí sẽ trao 1 giải Nhất trị giá 25 triệu đồng, 3 giải Nhì trị giá 15 triệu đồng/giải, 5 giải Ba trị giá 10 triệu đồng/giải; 10 giải Khuyến khích trị giá 5 triệu đồng/giải.
Các nhà báo tham dự lễ phát động
Lễ Tổng kết và trao giải được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày thành lập Ngành Văn hóa (28.8.2023).
Hồ sơ dự Giải, tác giả dự giải gửi các thông tin gồm: Họ và tên, bút danh (nếu có), địa chỉ hiện tại hoặc đơn vị công tác, số điện thoại, E-mail; thông tin nhóm tác giả: ghi tên từng tác giả, nếu sử dụng bút danh phải ghi rõ tên thật (trong hồ sơ) và các thông tin về địa chỉ hoặc đơn vị công tác, số điện thoại, Email. Mỗi tác phẩm dự giải phải sao, chụp làm 02 bộ (ghi rõ đã đăng, phát trên báo, đài cụ thể, có xác nhận của cơ quan báo chí) kèm giới thiệu khái quát về tác phẩm (loại hình, thể loại, nội dung chính, nêu bật tính phát hiện, sức lan toả, hấp dẫn, hiệu quả xã hội... của tác phẩm).
Hồ sơ tham dự Giải có thể nộp trực tiếp, hoặc gửi qua đường bưu điện về cơ quan Thường trực Giải đến hết ngày 30.6.2023 (theo dấu bưu điện); theo địa chỉ: Báo Văn Hoá, 124 Nguyễn Du, phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội. Điện thoại: 024.38220036 (máy lẻ 110; 111).
Đối với Hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngoài phong bì ghi rõ: Hồ sơ tham gia Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” lần thứ nhất.
Mong sẽ có những tác phẩm báo chí chân thực, thuyết phục
Tại lễ phát động, các nhà báo đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí đã nhấn mạnh ý nghĩa của việc tổ chức Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Phát triển Văn hoá, Thể thao và Du lịch”.
Nhà báo Nguyễn Thị Toan, Ban Văn nghệ, báo Tiền Phong: "Nâng tầm vị thế của ngành văn hóa".
Nhà báo Nguyễn Thị Toan
Văn hóa lâu nay vẫn bị hiểu khá hời hợt với khía cạnh “cờ, đèn, kèn, trống”. Thực tế, vai trò và vị thế của văn hóa được Đảng, Nhà nước khẳng định trong Văn kiện Đại hội Đảng, Nghị quyết, chương trình, chiến lược phát triển văn hóa... trong đó xem văn hóa là nền tảngtinh thần, sức mạnh nội sinh để phát triển đất nước bền vững.
Sự phát triển và vị thế của đất nước hôm nay có phần đóng góp không nhỏ của ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tuy nhiên sự cống hiến đó chưa được đông đảo dư luận nhìn nhận đúng đắn và toàn diện, văn hóa vẫn ở tình trạng “áo gấm đi đêm”.
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” ra đời muộn hơn các giải thưởng bộ, ngành khác nhưng chắc chắn tạo ra động lực mới. Đây không chỉ là dịp ghi nhận sự đóng gópcủa những người làm báo với sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch, mà hơn hết các tác phẩm báo chí sắc sảo sẽ góp phần lan tỏa những thành tựu của ngành. Dịp này, những người làm báo sát sao với ngành văn hóa, thể thao và du lịch sẽ tập trung mổ xẻ những bất cập, vướng mắc đề xuất những giải phápthiết thực mang tính xây dựng - kênh tham khảo để Bộ VHTTDL tham mưu nhằm hoàn thiện hơn nữa thể chế, chính sách và nguồn lực phát triển văn hóa, thể thao và du lịch.
Nhà báo Đoàn Hải Yến, Ban Văn nghệ Đài Truyền hình Việt Nam: "Mong sẽ có những tác phẩm báo chí chân thực, thuyết phục"
Nhà báo Đoàn Hải Yến
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất đã xác định rõ tác phẩm dự Giải phải bảo đảm tính chân thực, người thật, việc thật, sự kiện thật, có tính chính xác, khách quan. Nội dung tác phẩm phải nêu được những vấn đề về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình đang được dư luận xã hội quan tâm; có tính phát hiện, tổng kết hoặc hướng dẫn có tính thuyết phục và hiệu quả xã hội cao; có phương pháp thể hiện hấp dẫn, sáng tạo; có tác động tích cực phục vụ công tác đổi mới, phát triển sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình. Với tiêu chí đặt ra cùng với sự hào hứng của các nhà báo, phóng viên theo dõi văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình, chắc chắn sẽ có các tác phẩm báo chí có sức thuyết phục và sự lan tỏa trong dư luận và được nhân dân đồng tình, đánh giá cao.
Nhà báo Hà Thanh Giang (Thông tấn xã Việt Nam): "Tôi sẽ gửi tác phẩm dự thi để thử sức cùng các anh, chị em đồng nghiệp"
Nhà báo Hà Thanh Giang
Là một phóng viên theo dõi văn hóa, du lịch từ nhiều năm nay, tôi rất vui mừng vì từ nay đã có một giải thưởng dành riêng cho “cánh” phóng viên văn hóa. Thực tế cho thấy là hầu như tất cả các ngành, lĩnh vực khác như giáo dục, tài nguyên môi trường, kinh tế, hải quan…đều đã hình thành hệ thống giải thưởng riêng từ lâu, góp phần vinh danh nhiều tác phẩm báo chí, gương mặt phóng viên theo dõi ngành. Dù hơi muộn nhưng tôi thấy rất hân hoan chào đón giải thưởng dành riêng cho văn hóa, coi đây là động lực để tôi cố gắng hơn nữa khi thực hiện các bài viết, lựa chọn chủ đề cũng như cách thức thể hiện. Tôi cũng sẽ gửi tác phẩm dự thi, thử sức cùng các anh, chị em đồng nghiệp của mình như một cách làm thiết thực nhất để vổ cũ cho giải thưởng này. Bởi tôi nghĩ, tôn vinh các tác phẩm báo chí viết về văn hóa cũng là cách tôn vinh những thành tựu của toàn ngành; cũng là động viên, cổ vũ những phóng viên theo dõi ngành, tạo cơ hội cho họ được thể hiện mình qua những trang viết, bức ảnh, phóng sự....
Nhà báo Trần Thu Hà, Báo Sài gòn giải phóng: "Khích lệ những cây bút đã theo dõi và bám sát hoạt động của VHTTDL".
Nhà báo Trần Thu Hà
Lần đầu tiên có giải thưởng Báo chí quy mô toàn quốc dành cho trao giải cho tác giả hoặc nhóm tác giả có tác phẩm báo chí xuất sắc viết về văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình đã khích lệ những cây bút đã theo dõi và bám sát hoạt động của VHTTDL. Đặc thù của văn hóa, không chỉ có các vấn đề thời sự nóng bỏng mà đôi khi là những câu chuyện về con người, về vùng đất, về một câu chuyện, bộ phim, một hành vi ứng xử trong xã hội… Chính biên độ rộng như thế mà các bài viết về văn hóa cũng đang dạng nhiều sắc màu. Người làm báo ở lĩnh vực này không chỉ cần tư duy nhạy bén để có thể nhìn nhận nhanh chóng để chuyển tải những tiếng nói mang tính định hướng dư luận mà còn cần nền tảng kiến thức vững chắc. Sẽ không sai khi có nhiều người nhận xét rằng phóng viên văn hóa dường như cũng có độ “trễ” hơn so với phóng viên theo dõi các lĩnh vực khác. Phần nào, nhận định này có lý bởi lẽ vấn đề liên quan tới văn hóa, con người, phong tục tập quán, hành vi ứng xử… luôn cần có độ lùi, cần có sự điềm tĩnh nhất định để có thể bình tĩnh soi chiếu để có được cách phản ánh chân thực, dễ tiếp cận với độc giả.
Cũng chính bởi vậy, việc ra đời của một giải thưởng dành cho văn hóa, so với nhiều giải thưởng khác có muộn hơn nhưng kỳ vọng sẽ tạo ra được một làn gió mới, mang tính khích lệ, động viên những người làm báo.
Nhà báo Lê Thúy Tình, Báo Điện tử Vietnamnet: "Chung sức, đồng lòng vì sự phát triển VHTTDL".
Nhà báo Lê Thúy Tình
Là phóng viên theo dõi cả hai mảng văn hoá và giải trí, tôi nhận thấy rằng, những tin tức về giải trí chỉ nhất thời, người đọc rồi cũng sẽ quên khi một nhân vật giải trí khác xuất hiện. Nhưng những nhân vật về văn hoá lại có sức lan toả hơn thế - họ truyền cảm hứng sống và cống hiến cho lĩnh vực này.
Nhưng thời đại 4.0, người ta cũng chỉ thích những thứ thật nhanh, báo điện tử cũng co cụm câu chữ lại thật ngắn, báo chí chạy đua thông tin nên cũng chỉ đưa các sự kiện, những tác phẩm nghệ thuật, thành một bản tin. Với tiêu chí của giải thưởng này, những phóng viên mảng văn hoá như chúng tôi tin rằng, những bài báo hay, những bài báo mang tính phát hiện những tấm gương điển hình tiên tiến trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch không những có sức lan toả mạnh mẽ mà hơn thế nữa, nó còn được ghi nhận bởi ngành Văn hoá. Từ đó, những người cầm bút có động lực hơn nữa để đầu tư cho tác phẩm của mình cũng như những người làm trong ngành văn hoá cảm thấy được cổ vũ, động viên. Họ sẽ ngày càng chung sức, đồng lòng tiếp tục cống hiến nhiều hơn nữa đối với sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch.
Nhà báo Hà Tùng Long (Nông thôn Ngày nay/Dân Việt): "Nên ưu tiên cho các bài viết có tính xây dựng và đề xuất giải pháp"
Nhà báo Hà Tùng Long
Đây là giải thưởng được phát đầu lần đầu tiên và nằm trong sự mong chờ của rất nhiều nhà báo, phóng viên chuyên theo dõi lĩnh vực VHTTDL & GĐ, vì thế chắc chắn sẽ có sự hưởng ứng của đông đảo các phóng viên của các cơ quan báo chí và trung ương. Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao và du lịch” lần thứ nhất là một bước tiến tích cực của Bộ VHTTDL để thúc đẩy việc hoàn thiện thể chế, chính sách và nhân rộng các gương điển hình tiên tiến, tô đậm hơn các thành tích trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình. Đây cũng là “sân chơi” rất có ý nghĩa đối với các nhà báo, phóng viên theo dõi trong các lĩnh vực này tham gia. Theo tôi, BTC cần ưu tiên cho những bài viết có tính góp ý xây dựng, đề xuất giải pháp lên hàng đầu. Qua những bài viết như thế này, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có sự lựa chọn, nghiên cứu, tham khảo để nâng cao vai trò quản lý nhà nước cũng như sự phát triển của ngành VHTTDL. Tuy nhiên cũng vì thế mà BTC cần có khâu tổ chức thật khoa học, chỉnh chu để có thể truyền đi những thông điệp thiết thực, ý nghĩa của giải thưởng. Hội đồng giám khảo giải thưởng cũng cần có sự công minh để tìm ra những bài viết thật sự có chất lượng, có giá trị caoGiải thưởng là sự ghi nhận những cống hiến của báo chí.
Nhà báo Phan Hồng Trang (Ban Văn hóa Văn nghệ, Báo Nhân dân): "Giải thưởng là sự ghi nhận những cống hiến của báo chí"
Nhà báo Phan Hồng Trang
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ nhất có ý nghĩa vô cùng thiết thực, ghi nhận những cống hiến của báo chí nói chung, các nhà báo theo dõi lĩnh vực VHTTDL nói riêng. Giải thưởng là sự cổ vũ rất lớn đối với những người tâm huyết hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu VHTTDL, thường xuyên có những bài viết chất lượng cao trên báo chí dưới dạng cộng tác viên. Và đặc biệt là đội ngũ các nhà báo, phóng viên theo dõi lĩnh vực VHTTDL. Có giải thưởng, có thêm động lực để tâm huyết và tiếp tục cống hiến và gắn bó với lĩnh vực này. Giải thưởng cũng làm lan tỏa những hoạt động nổi bật của ngành VHTTDL, phát hiện những điển hình tiến tiến, mô hình hay và đóng góp những giải pháp, kiến nghị để xây dựng, tháo gỡ những điểm nghẽn trong ngành.
Đây là cuộc thi rất hay, nó là điều mà nhiều phóng viên theo mảng văn hoá như chúng tôi chờ đợi. Lâu nay các mảng khác đều tổ chức các giải thưởng như thế này nhưng đây là lần đầu tiên, Bộ VHTTDL tổ chức.
Nhà báo Ngân Lượng (Bản tin văn hóa toàn cảnh, Truyền hình Thông tấn xã): "Giải báo chí khẳng định sự đúng đắn của những tuyến bài nghiêm túc, có tính xây dựng trong sự nghiệp VHTTDL và gia đình".
Nhà báo Ngân Lượng
Thứ nhất, tôi nghĩ, những nhà báo lĩnh vực văn hóa rất vui khi lần đầu tiên có giải thưởng toàn quốc dành cho các phóng viên tác nghiệp mảng được xem như “chỉ ăn chơi, nhảy múa” này. Theo ý kiến chủ quan của tôi, lâu nay dường như những giải cao nhất trong hệ thống các giải thưởng quốc gia, toàn quốc không thuộc về những tác phẩm báo chí thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, mà thường được dành cho những tuyến bài lĩnh vực chính trị, xã hội, kinh tế với những vấn đề quan trọng, sống còn của quốc gia hay những vụ việc nóng của xã hội. Do đó, báo chí văn hóa, thể thao, du lịch có phần “tủi thân” và “khiêm tốn” với những lĩnh vực khác! Chính vì thế, giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển văn hoá, thể thao và du lịch” thật sự có ý nghĩa ghi nhận, khích lệ động viên lớn với những đóng góp của đội ngũ truyền thông trong lĩnh vực không kém phần quan trọng này.
Thứ hai, thị trường báo chí “đếm view” không thiếu những tin, bài phải chạy theo thị hiếu giật gân câu khách, trong khi nhiều bài báo, phóng sự phóng viên dày công thực hiện, tác nghiệp nhưng dường như chỉ có một bộ phận người quan tâm, thậm chí người trong nghề nói vui là “phóng viên đọc với nhau”, thì Giải báo chí này khẳng định sự đúng đắn của những tuyến bài nghiêm túc, có tính xây dựng trong sự nghiệp văn hoá, thể thao, du lịch và gia đình.
Thứ ba, phạm vi và đối tượng giải thưởng có cả tác giả là người nước ngoài có tác phẩm báo chí viết bằng tiếng Việt phù hợp với quy định của thể lệ giải là quy định đáng chú ý, cho thấy có sự khuyến khích sự đa dạng, phong phú nhiều góc nhìn của các tác phẩm tham dự.
PHƯƠNG ANH- THUÝ HIỀN- NGỌC NHIÊN; ảnh: TRẦN HUẤN