Thêm “sân chơi”, truyền cảm hứng cho các nhà báo chuyên về văn hóa
VHO - Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất đã được trao cho những tác giả, tác phẩm xứng đáng. Các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải cũng như các phóng viên báo chí nói chung đánh giá cao Giải Báo chí có ý nghĩa này.
Giải thưởng có chất lượng, quan trọng trong hệ thống giải báo chí
Nhóm tác giả Báo Quân đội nhân dân điện tử đoạt giải
Là những nhà báo đã và đang chuyên trách mảng văn hóa, tôi nhận thấy Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất được đầu tư công phu, khoa học, có chất lượng, thể hiện xứng tầm cả về nội dung và hình thức. Đây có thể coi là giải thưởng có chất lượng, là giải báo chí quan trọng trong hệ thống giải báo chí của nước ta hiện nay.
Tôi thấy rằng, nhiều tác phẩm tham dự giải đã bám sát hơi thở của cuộc sống và đặc biệt là làm nổi bật vị trí, vai trò, thành tựu của sự nghiệp phát triển văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình trong quá trình phát triển của đất nước.
Để tham dự Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất, chúng tôi đã xây dựng tuyến bài các tác phẩm được trình bày theo thể loại báo chí long-form chủ đề Các hệ giá trị Việt Nam: “Ngọc” càng mài càng sáng. Bài viết nêu rõ vai trò của hệ giá trị quốc gia là phản ánh sức mạnh và bản sắc quốc gia, thể hiện ý chí, lý tưởng của cộng đồng các dân tộc, có vai trò định hướng tương lai đối với hoạt động của con người. Hơn nữa, hệ giá trị quốc gia không chỉ là những giá trị được hun đúc từ trong quá khứ dựng xây, bảo vệ và phát triển đất nước mà còn đang được xây dựng trở thành hệ giá trị lý tưởng, phản ánh ý chí, niềm tin vào tương lai của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Xây dựng và củng cố hệ giá trị quốc gia là một công cuộc lâu dài, khó khăn, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự triển khai một cách đồng bộ, căn cơ các giải pháp, sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân. Công việc này phải được tiến hành bền bỉ, kiên trì, thường xuyên, không chạy theo hình thức, phong trào. Có như vậy thì hệ giá trị quốc gia mới thực sự đi vào đời sống của nhân dân.
(Nhà báo, thiếu tá VŨ LỆ HUYỀN, Phòng Biên tập Báo Quân đội nhân dân Điện tử, Báo Quân đội nhân dân)
“Sân chơi” chất lượng cho đội ngũ báo chí viết về văn hóa
Tổng Biên tập Báo HàNội mới Nguyễn Minh Đức chúc mừng nhóm tác giả của Báo đoạt giải
Phát triển văn hóa - động lực cho sự phát triển bền vững Thủ đô là loạt bài do Ban Biên tập Báo Hà Nội mới chỉ đạo thực hiện trên ấn phẩm Hà Nội mới cuối tuần - một ấn phẩm văn hóa hơn 30 năm tuổi, nằm trong hệ thống báo Đảng Thủ đô. Loạt bài tập trung làm nổi rõ kết quả một chặng đường của Chương trình số 06/CTr-TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025”.
Chúng tôi lựa chọn chủ đề “Phát triển văn hóa” bởi đây là nhiệm vụ đầu tiên trong 3 nhiệm vụ chủ yếu của chương trình, gắn bó chặt chẽ với hai nhiệm vụ còn lại và có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho thành công của Chương trình 06/CTr-TU. Tuy nhiên, không dừng lại ở việc phản ánh dịp sơ kết một chương trình công tác của Thành ủy, Hà Nội mới cuối tuần nỗ lực phản ánh hoạt động của chương trình trong tổng thể mục tiêu phát triển bền vững của Thành phố, đặc biệt là các nhiệm vụ xây dựng Hà Nội - thành phố sáng tạo của UNESCO. Loạt bài cũng tập trung làm nổi bật việc thực hiện nhiệm vụ có tính chất nền tảng và rộng lớn này ở một số lĩnh vực chủ yếu như di sản, du lịch, nghệ thuật biểu diễn… và mạnh dạn chỉ ra từ khóa cho sự thành công là khả năng sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân và sự chủ động, đồng hành của hệ thống chính trị. Tất cả vì một Hà Nội phát triển, đẹp hơn, giàu cảm xúc hơn”.
Đoạt giải Nhì cho loạt tác phẩm, thay mặt nhóm phóng viên của Hà Nội mới cuối tuần, chúng tôi cảm ơn “sân chơi” ý nghĩa mà Bộ VHTTDL đã tổ chức và mong muốn giải sẽ trở thành điểm hẹn chất lượng cho đội ngũ báo chí viết về văn hóa trên cả nước.
(Nhà báo CAO HẢI GIANG, Phó trưởng Ban Chuyên san, Báo Hà Nội mới)
Cơ hội “bước ra khỏi cánh gà”
Nhóm tác giả Báo Nhân dân cuối tuần đoạt giải
Đối với những phóng viên theo dõi mảng văn hóa - nghệ thuật, có một cụm từ được sử dụng khá nhiều trong các bài viết: Sau cánh gà sân khấu. Đó là hình ảnh giàu tính ẩn dụ, nói về những hy sinh, cống hiến lặng thầm của nhiều nghệ sĩ để làm nên thành công của nhiều tác phẩm nghệ thuật.
Gần 30 năm làm phóng viên văn hóa, tôi cũng đã quen với tâm trạng đó, và cũng dần dạn dày lên, để không còn có đôi phần “lăn tăn” về cảm xúc, khi thấy các đồng nghiệp theo dõi các lĩnh vực khác xúng xính áo khăn đi nhận giải thưởng báo chí của ngành, để rồi lại tự nhủ: Văn hóa mà. Như rất nhiều những con người mà chúng tôi rất kính trọng và ngưỡng mộ, suốt bao năm cũng chấp nhận chịu tiếng “cờ, đèn…”.
Bởi vậy nên, ngay khi thông tin về Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” lần thứ Nhất được công bố, tôi và các đồng nghiệp làm văn hóa nói chung, những người theo dõi lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch ở Báo Nhân Dân nói riêng hết sức vui mừng, tích cực chọn ngay những tác phẩm tâm đắc để gửi tham dự Giải.
Rất vui và tự hào khi loạt 4 bài Khơi dậy những giá trị thiêng liêng, cao quý của người Việt, của nhóm tác giả: Nguyễn Sĩ Đại, Thanh Bình, Phương Thảo, Trà My đã “lọt mắt xanh” của Hội đồng Giám khảo và được Ban tổ chức giải thống nhất trao giải Ba của giải thưởng cao quý lần đầu vinh danh những người làm báo trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch nước nhà.
Đây thật sự là dấu mốc đáng nhớ trong hành trình làm nghề của tôi và các đồng nghiệp. Đó là sự ghi nhận và vinh danh đầy trân trọng của chính những người làm VHTTDL đối với những nỗ lực, lao động chân chính và tâm huyết của những người cầm bút. Sự vinh danh đó sẽ trở thành động lực để chúng tôi cố gắng hơn nữa, làm nên những tác phẩm báo chí có tác động thúc đẩy sự phát triển lành mạnh và bền vững, cho văn hóa, vì văn hóa!
(Nhà báo NGÔ PHƯƠNG THẢO, Nhân Dân cuối tuần, Báo Nhân Dân)
Đây là giải báo chí hết sức cần thiết
Nhóm tác giả Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt giải
Khi nhận được giấy mời loạt bài Vi phạm bản quyền: Tinh vi, khó quản của Báo Sài Gòn Giải Phóng đoạt giải Ba Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch”, ngay lập tức, tôi và nhà báo Ái Chân - một tác giả trong loạt bài viết đã đặt vé máy bay để ra Hà Nội nhận giải. Đây là vinh dự đối với nhóm phóng viên chúng tôi nói riêng, Báo Sài Gòn Giải Phóng nói chung.
Giải Báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp phát triển Văn hóa, Thể thao và Du lịch” ra đời rất cần thiết và thực sự có sức hút, có sự hưởng ứng rộng rãi từ các cơ quan báo chí. Giải báo chí chuyên ngành ý nghĩa này tạo điều kiện cho các biên tập viên, phóng viên mảng văn hóa nghệ thuật có thêm động lực tiếp tục cần mẫn tìm tòi, tư duy, đào sâu lĩnh vực; đầu tư nghiêm túc, công phu cả về nội dung lẫn hình thức, cách thể hiện các tác phẩm báo chí đa phương tiện. Với “mảnh đất” rộng lớn về văn hóa, thể thao, du lịch, phóng viên có điều kiện khai thác chất liệu đa lĩnh vực, những chủ đề thời sự, gai góc…
Nhóm phóng viên Báo Sài Gòn Giải Phóng thực hiện loạt bài Vi phạm bản quyền: Tinh vi, khó quản (4 kỳ), với mong muốn cung cấp bức tranh toàn cảnh về thực trạng nạn sao chép tranh, ảnh, “đạo” lời nhạc, quay cóp ý tưởng các tác phẩm diễn ra như cơm bữa ở “làng” văn hóa, nghệ thuật Việt; đi sâu phân tích nguyên nhân cũng như lấy ý kiến đại diện các cơ quan chức năng, chuyên gia pháp luật góp ý để bịt lỗ hổng pháp luật trong lĩnh vực bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống thực thi quyền tác giả, quyền liên quan.
(Phóng viên VÕ THỊ THẮM (Tiểu Tân), Báo Sài Gòn Giải Phóng)
Tiếp “lửa” cho phóng viên
Nhóm tác giả VOV đoạt giải
Khi quyết định thực hiện tác phẩm Hương sắc Việt Nam, nhóm phóng viên chúng tôi không xác định làm để dự thi, mà đơn giản, chúng tôi thấy đó là đề tài xứng đáng để làm vì đất nước Việt Nam tươi đẹp không chỉ giàu bản sắc văn hóa và dấu ấn lịch sử mà dọc theo dải đất hình chữ S có biết bao cảnh đẹp khiến du khách bồi hồi. Chúng tôi muốn tuyên truyền để cho nhiều người biết về đất nước Việt Nam tươi đẹp với những con người hồn hậu, thân thiện cùng một nền văn hóa đáng tự hào.
Để thực hiện tác phẩm này, êkíp chúng tôi đã cùng nhau tìm hiểu những vấn đề liên quan đến đề tài, xây dựng đề cương chi tiết những vấn đề cần khai thác; trao đổi kỹ càng với các nhân vật, đối tác sẽ gặp trong quá trình tác nghiệp rồi chia nhau đi công tác ở các địa phương mà chúng tôi đã xác định sẽ giới thiệu trong chương trình. Nếu làm báo in, sau chuyến công tác có thể thông qua ghi chép, trò chuyện, phỏng vấn trong quá trình tác nghiệp…, nhưng với phát thanh, nhất là khi chúng tôi thực hiện phóng sự hiện trường thì sẽ khác rất nhiều. Khi dẫn hiện trường sẽ giúp thính giả hiểu và cảm thấy mình đang có mặt tại địa danh đó, được trải nghiệm cùng phóng viên ngay tại sự kiện đó, sẽ tạo sự tin cậy, hấp dẫn với thính giả nên sự chuẩn bị phải vô cùng chi tiết, tỉ mỉ để có thể ứng biến với thông tin tại hiện trường, biết tiết chế và chọn lọc những thông tin cần thiết nhất để truyền tải đến thính giả nghe đài, giúp thính giả khám phá những điểm đến đặc sắc của Việt Nam - những điểm đến “hút” khách quốc tế và đã được vinh danh bằng những giải thưởng quốc tế danh giá để thêm yêu, thêm tự hào về quê hương, xứ sở.
Thực sự nhận “quả ngọt” giải Nhì cho tác phẩm do chính mình và đồng nghiệp cùng chung tay góp sức sáng tạo nên rất vui. Vui vì được tiếp thêm động lực để tiếp tục kể những câu chuyện rất chân thật ở những nơi mình đi qua đến với tất cả thính giả nghe đài. Và hơn hết, Giải thưởng này có giá trị tinh thần rất lớn, là cột mốc đáng nhớ, đánh dấu cho hành trình nỗ lực cống hiến, sống với đam mê, là nguồn động viên tinh thần, “tiếp lửa” cho chúng tôi để tiếp tục gắn bó với nghề, tiếp tục sáng tạo ra những tác phẩm báo chí tốt hơn nữa, phát huy bản lĩnh của người cầm bút VOV.
(Nhà báo PHẠM THỊ THANH HUYỀN - Ban Văn hóa - Xã hội (VOV2), Đài Tiếng nói Việt Nam)
Có thêm động lực đối với phóng viên lĩnh vực văn hóa
Nhóm tác giả Báo Công an nhân dân đoạt giải
Là phóng viên gắn với mảng văn hóa nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi vinh dự được tham dự giải báo chí về văn hóa do Bộ VHTTDL tổ chức. Ngay khi Giải được phát động, lãnh đạo Báo Công an nhân dân đã rất quan tâm và chỉ đạo phóng viên ở nhiều lĩnh vực khác nhau phối hợp xây dựng tuyến đề tài để dự thi. Và loạt bài đoạt giải Ba của Báo Tiền tỉ đổ vào dâng sao giải hạn là “quả ngọt” đầu mùa trên lĩnh vực này.
Hy vọng, sau thành công của mùa giải năm nay, Giải thưởng sẽ tiếp tục được tổ chức định kỳ hằng năm để phóng viên và tòa soạn của các cơ quan báo chí chuyên hay không chuyên về văn hóa có thêm động lực, mục tiêu cụ thể để đầu tư nhiều hơn cho mảng văn hóa, cho các loạt bài có chiều sâu về lĩnh vực này.
(Phóng viên NGUYỄN THỊ HOA, bút danh Hoa Nguyễn, Báo Công an nhân dân)
NGỌC NHIÊN - ĐÀO ANH (thực hiện)