Câu chuyện cảnh giác cho các gia đình: Bẫy lừa đảo đào tạo MC, diễn viên, siêu mẫu “nhí”

VHO- Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu giúp con rèn luyện kỹ năng và sự tự tin thể hiện bản thân trước đám đông là hiện hữu đối với không ít gia đình tại các đô thị lớn. Tuy nhiên, cha mẹ cần tỉnh táo khi lựa chọn cơ sở đào tạo, tuyển dụng (casting) người mẫu, diễn viên, MC “nhí” để tránh bị lừa đảo bởi những lời quảng cáo “có cánh” trên mạng xã hội, hay cho trẻ tham gia những lớp học vô bổ, làm tổn hại tới chính con em mình mà tiền thì mất oan uổng.

Câu chuyện cảnh giác cho các gia đình: Bẫy lừa đảo đào tạo MC, diễn viên, siêu mẫu “nhí” - Anh 1

 “Nhà đài” đã thực hiện phóng sự và post các thông báo về chiêu trò lừa đảo

 Rất bức xúc và lo lắng, MC Lê Anh, giảng viên Trường ĐH KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội đã có cuộc trao đổi với Văn Hóa về vấn đề này.

 P.V: Hiện có một bộ phận các ông bố, bà mẹ mong muốn con được làm người mẫu, diễn viên, MC “nhí”, bên cạnh việc cho con tham gia trung tâm, “lò luyện” cấp tốc để casting cho các cuộc thi, show trình diễn… thì nhiều phụ huynh cũng chạy đua giúp con trở thành “người nổi tiếng”. Ông đánh giá thế nào về vấn đề này?

- MC Lê Anh: Mong muốn trẻ được rèn luyện kỹ năng mềm nói chung, kỹ năng thể hiện bản thân, tự tin nói chuyện trước đám đông là chính đáng và hợp thời. Riêng trong lĩnh vực đào tạo MC, theo quan sát của tôi, đã có những lò luyện MC “nhí” của nhiều cá nhân, tổ chức như các MC nhà đài, trung tâm/cung văn hóa địa phương, các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp cung cấp dịch vụ đào tạo kỹ năng mềm… Tuy nhiên, cần khẳng định nghề đào tạo MC “nhí” đang chưa có một định danh được chuẩn hóa, chưa theo một nguyên tắc nào và hoàn toàn mang tính chất tự phát như một dịch vụ xã hội đơn giản. Giáo trình, bài giảng cũng chưa được quy chuẩn, và thực tế là chưa có một tổ chức nào đứng ra đánh giá chất lượng của việc đào tạo này thật sự chuyên nghiệp, hiệu quả hay chỉ là các lớp học trá hình. Hàng loạt “trung tâm” dạy kỹ năng mềm tổ chức các lớp đào tạo người mẫu, diễn viên, MC “nhí” nhưng thực tế chỉ là tích hợp trong những buổi tập hợp trẻ con lên ca hát, diễn thời trang một cách tùy tiện, thiếu chuyên nghiệp.

Đúng là đã có những ông bố, bà mẹ bỏ ra rất nhiều tiền, có khi tới hàng trăm triệu để con mình có một suất diễn trên sân khấu hoặc một danh hiệu, giải thưởng ở các cuộc thi mà tên tuổi, thương hiệu không hề được kiểm chứng, kiểu như: Cuộc thi siêu mẫu nhí Asean (!)... Tôi cho rằng cần có sự nghi hoặc đối với những “cuộc thi” tầm cỡ như thế, vì bản chất, kinh doanh trên sự háo danh của phụ huynh đối với con trẻ đã được cảnh báo ở quy mô quốc tế, là những hoạt động tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo. Nhận thức sai lầm về đào tạo nghề MC hay diễn viên, người mẫu “nhí” của nhiều bậc phụ huynh đã khiến cho con em của họ gặp phải những trải nghiệm không tốt. Các em không chỉ mất thời gian mà còn bị ảnh hưởng tiêu cực về thẩm mỹ và nhận thức: Thích học đòi người lớn, ganh ghét, đố kỵ, ham mê vật chất, ham thể hiện bản thân tới mức lố bịch...

Câu chuyện cảnh giác cho các gia đình: Bẫy lừa đảo đào tạo MC, diễn viên, siêu mẫu “nhí” - Anh 2

 Thủ đoạn của bọn lừa đảo khi đưa các phụ huynh vào các nhóm chat

 Đáng lo ngại hơn, đó là sự xuất hiện hàng loạt những lời quảng cáo trên mạng xã hội kiểu như tuyển diễn viên, người mẫu, MC “nhí” để trình diễn cho các show diễn lớn, những nhà tổ chức uy tín... nhưng hầu hết đều là lừa đảo để chiếm đoạt tiền của phụ huynh. Chúng còn dùng cả hình ảnh và uy tín của những nhân vật có tên tuổi làm bình phong. Ông đã gặp phải trường hợp bị “mượn danh” đi lừa kiểu này?

- Tôi từng bị liên quan tới rất nhiều trường hợp lừa đảo tương tự. Qua các kênh thông tin từ bạn bè, người quen và không ít nạn nhân, thời gian khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều tổ chức đã dùng hình ảnh của tôi để quảng cáo mặc dù tôi không hề tham gia với họ. Còn những nhóm lừa đảo trên mạng thì dùng đủ các chiêu trò dẫn dắt các phụ huynh chui vào bẫy, chúng sử dụng hình ảnh của tôi trong một số khâu quan trọng. Khi thấy phụ huynh quan tâm, bọn chúng sẽ đưa họ vào các nhóm/group chat như Zalo, Telegram và trong các nhóm ấy sẽ thấy tài khoản có hình ảnh của tôi, tên tôi, thậm chí đăng bài từ năm 2016, điều này càng khiến họ tin tưởng rằng đang được nói chuyện với MC Lê Anh thứ thiệt!

Về thủ đoạn thì rất đa dạng, bản thân tôi cũng không nắm được hết các chiêu trò dẫn dụ của chúng. Một ví dụ đơn giản để chúng ta tạm hình dung: Khi được đưa vào nhóm các phụ huynh cùng quan tâm đến việc cho con được tuyển dụng đi diễn chẳng hạn, thì thực tế tất cả các phụ huynh khác đều là “chân gỗ” của bọn lừa đảo. Khi “phụ huynh” ảo thực hiện hành vi và thúc giục phụ huynh thật thì người đó sẽ bị “thao túng tâm lý” và có xu hướng bị dẫn dắt làm theo. Thỉnh thoảng “MC Lê Anh” với tư cách người đại diện của Ban tổ chức sự kiện (trong trường này hợp này là VTV) sẽ lên nhóm biểu dương người A, B và phê phán người C đã không hoàn thành nhiệm vụ, làm ảnh hưởng đến kết quả “thi đua” của tất cả các con trong nhóm!

“Nhiệm vụ” gì mà lừa đảo được các phụ huynh thiếu lý trí? Bạn cứ tha hồ tưởng tượng, và sẽ sớm thốt lên rằng: Chiêu thức thật là tinh vi khi mà những nhiệm vụ ban đầu chỉ đơn giản là like và share thông tin của nhà tài trợ sự kiện vốn là các doanh nghiệp mua sắm… Nếu muốn con mình được lựa chọn thì phải bỏ tiền ra mua nhiều sản phẩm, mua càng nhiều thì cơ hội trúng tuyển sẽ càng lớn. Tất nhiên, cứ từng bước, từng bước, thuật dẫn dụ này làm cho nhiều phụ huynh bị cuốn theo, bản thân họ cũng ngại, xấu hổ nếu bị phát hiện chạy theo các trò ảo này nên cũng cứ cố gắng để hy vọng dứt điểm. Chỉ đến khi không thể theo đến cùng được nữa, họ mới tìm đến sự trợ giúp an ninh... thì đã khá khó khăn để lấy lại được tiền! Có phụ huynh trở thành cộng tác viên online dưới hình thức mua sắm các sản phẩm của các sàn thương mại điện tử, vừa được hưởng hoa hồng, vừa tăng khả năng trúng tuyển của con mình... Không ít người mất hàng trăm triệu cho bọn lừa đảo mà không nhận lại được tiền gốc, đồng thời bị chúng xóa ra khỏi các nhóm trao đổi. Một số nạn nhân đã tìm đến tôi, vào tài khoản Facebook cá nhân của tôi tra khảo vì sao tôi lại tham gia nhóm lừa đảo lôi kéo khiến họ mất tiền như vậy!!!

Như vậy là chính ông và các MC tên tuổi hiện nay cũng đang trở thành nạn nhân của những vụ lừa đảo khi bị sử dụng hình ảnh vào những việc làm sai trái?

- Đúng vậy. Tôi đã có lần tá hỏa phải chạy lên báo cáo Đài Truyền hình Việt Nam, rồi xin tư vấn cơ quan an ninh… Hóa ra, tôi không phải là người đầu tiên bị sử dụng tên tuổi nhằm lừa đảo theo kiểu dạng này. Trong trường hợp tôi tố cáo và lên tiếng trước dư luận thì bọn lừa đảo sẽ thoát tên tôi ra và tiếp tục thay thế bằng tên tuổi của MC khác.

Ông có thể đưa ra lời khuyên giúp các gia đình tỉnh táo hơn khi lựa chọn lớp đào tạo kỹ năng cho con em mình?

- Hiện chúng ta chưa có tổ chức chính thống nào đào tạo MC “nhí”, trước sự bát nháo các trung tâm, lò luyện cũng như những cuộc thi tuyển, các bậc phụ huynh cần phải tìm hiểu, nghiên cứu kỹ càng để lựa chọn cơ sở uy tín cho con em mình. Không thể đăng ký online trên mạng được mà phải đến trực tiếp gặp đúng MC mở lớp như lời quảng cáo. Phụ huynh phải nhìn thấy giáo viên, phải xem kỹ nội dung đào tạo cụ thể, thấy phù hợp thì mới đóng tiền. Cá nhân tôi không dạy đại trà, tôi hướng đến đào tạo chuyên sâu và kèm cặp (coaching) cho các học viên từ cấp II trở lên. Mỗi buổi dạy của tôi chỉ có tầm 5 cháu, và tôi đào tạo tùy theo trình độ của từng cháu. Sau 5 buổi học, tôi sẽ trao đổi với phụ huynh và các con xem họ có tiếp tục học nữa hay không; nếu học tiếp thì mục tiêu đạt tới sẽ là gì? 

THUÝ HIỀN (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc