Bức tranh thực tế đa màu sắc về gia đình

THÙY TRANG

VHO - Sau 3 tháng tuyên truyền và phát động, Cuộc thi viết và thuyết trình chủ đề Gia đình và Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ và tham gia nhiệt tình của đông đảo thí sinh. Mỗi bài dự thi là một câu chuyện người thật, việc thật có giá trị gắn kết tình thân, đồng thời đấu tranh, lên án các hành vi bạo lực; lan tỏa, tôn vinh giá trị đạo đức, truyền thống tốt đẹp của gia đình…

Cuộc thi do Ban Chỉ đạo công tác gia đình TP.HCM tổ chức; Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở VHTT TP.HCM) phối hợp Thư viện Khoa học tổng hợp TP thực hiện.

Bức tranh thực tế đa màu sắc về gia đình - ảnh 1

 Phần dự thi của tác giả Võ Thị Lan Duyên với tác phẩm “Chị tôi”

Choáng ngợp với số lượng bài dự thi “khủng”

Theo đó, vòng sơ loại cuộc thi đã nhận về hơn 20.000 bài viết, một con số thật sự ấn tượng. Trải qua các vòng chấm chọn, 20 tác phẩm xuất sắc nhất đã lọt vào vòng chung kết thuyết trình. Tại vòng này, các tác giả thuyết trình tác phẩm và trả lời câu hỏi từ BGK. Không chỉ thuyết trình qua giọng đọc, giọng kể, các thí sinh còn kết hợp với nhiều hình thức minh họa như trình chiếu trên power point, video clip, âm nhạc, phim ảnh, đặc biệt là những hoạt cảnh trên sân khấu… tạo được ấn tượng và cảm xúc sâu sắc cho khán giả.

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM - Trưởng BGK bày tỏ: “Điều đầu tiên là chúng tôi bất ngờ, choáng ngợp bởi số lượng bài gửi về quá nhiều, trong khi đây cuộc thi đề tài gia đình, vốn bị cho là khô khan, khó thể hiện. Thứ hai là thành phần thí sinh rất đa dạng, từ giáo viên, giảng viên, cán bộ cơ quan hành chính sự nghiệp, doanh nghiệp, bác sĩ, luật sư, đến các cô bác lớn tuổi và cả các bạn trẻ. Chất lượng bài thi có phản ánh đúng bức tranh thực tế sống động, đa màu sắc về hình mẫu gia đình hạnh phúc cũng như các hình thái bạo lực hiện nay…”.

Thí sinh Võ Thị Quỳnh Anh (giáo viên Trường THCS Tân Thới Hòa, quận Tân Phú) mang đến bài thuyết trình về nguyên nhân và giải pháp hàn gắn gia đình khi có bạo lực xảy ra. Cô giáo Quỳnh Anh đưa ra thông điệp: “Gia đình là nơi để trở về sau giông bão…”. Trong khi đó, chị Dương Đỗ Thục Quyên (Bệnh viện An Bình) lại mang đến bài thi chủ đề “Bạo lực trong gia đình trí thức - nỗi đau sau vỏ bọc hạnh phúc”. Chị chia sẻ: “Những gia đình buôn gánh bán bưng nếu như có bạo lực thì rất dễ nhận biết. Còn trong gia đình tri thức là loại bạo lực không chảy máu, âm ỉ và phức tạp, chủ yếu về mặt tinh thần… Qua đây, tôi mong muốn người trong cuộc không được im lặng, phải lên tiếng; không nên quá lệ thuộc vào đối phương nhất là về kinh tế; cần triển khai nhiều hình thức tư vấn pháp luật; mỗi người phải hướng đến giá trị sống tốt đẹp”.

Khác với các trường hợp bạo lực gia đình phổ biến mà phụ nữ thường là nạn nhân, thì ở đây, chị Võ Thị Lan Duyên (ngụ Khu phố 2, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú) chia sẻ câu chuyện thật về gia đình của chị ruột mình, khi người bị bạo hành lại là anh rể. Nhân vật “Chị tôi” của Duyên trong quá trình chăm sóc chồng đã có hành vi bạo hành với anh. Tuy nhiên ở đây, nhân vật người chị lại đáng thương hơn đáng giận, bằng những lời chì chiết, quát tháo do cuộc sống quá căng thẳng, cơ cực… chị đã làm tổn thương người chồng tàn tật và khiến gia đình xuýt tan vỡ. Thế nhưng nhờ sự khuyên nhủ của mọi người, chị đã dần hiểu ra, biết kiềm chế cảm xúc, hành vi, biết yêu thương chồng dù cuộc sống vẫn còn khó khăn… Câu chuyện xúc động của chị Duyên đã nhận được nhiều tình cảm từ khán giả và BGK.

Diễn đàn để bày tỏ về gia đình

TS Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, thành viên BGK chia sẻ: “Hơn 20.000 bài dự thi thực sự là kết quả quá bất ngờ. Vòng chung kết thuyết trình với 20 thí sinh, mỗi người một câu chuyện độc đáo, xúc động, sâu sắc và ý nghĩa về chủ đề “gia đình”, “bạo lực gia đình” mang sắc thái riêng, đong đầy cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố”.

Rõ ràng, niềm vui hạnh phúc thì mỗi người gần giống nhau, nhưng nỗi buồn khổ thì mỗi người mỗi cảnh. Cuộc thi đã trở thành diễn đàn lắng nghe các thí sinh bày tỏ nỗi niềm sâu kín để cộng đồng chia sẻ, cảm thông, noi gương, học tập; nhận thức lại cho thật đa chiều hai chữ “gia đình” giản đơn nhưng để hành xử đúng, tốt và đẹp không hề là điều đơn giản...

Là chuyên gia nghiên cứu về tâm lý, gia đình, PGS.TS Đỗ Ngọc Anh bày tỏ: “Chúng tôi đã có những đề tài nghiên cứu về gia đình, bạo lực gia đình, nhưng khi tham gia BGK cuộc thi, chúng tôi cảm thấy dường như có khoảng cách khá xa giữa lý thuyết và thực tế cuộc sống. Từ sự kiện này, chúng tôi đã có thêm nhiều trải nghiệm thật giá trị. Những câu chuyện cảm động của thí sinh trong vòng thuyết trình đã được BGK và tất cả khán giả thấu hiểu sâu sắc từ nguyên nhân cũng như bản chất câu chuyện, từ đó rút ra thông điệp về xây dựng gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Thật sự xúc động khi thấy thí sinh đã dám “rút ruột” nói lên những tình huống bạo lực ngoài sức tưởng tượng của chúng ta…”.

PGS.TS Đỗ Ngọc Anh mong muốn cuộc thi được tổ chức định kỳ để những người trong cuộc mạnh dạn nói lên tiếng nói của mình, từ đó giúp các nhà quản lý và chuyên gia có góc nhìn toàn diện hơn về bức tranh gia đình TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung.

Ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM, Trưởng BTC cho biết, cuộc thi tạo sự lan tỏa và tôn vinh những giá trị tốt đẹp, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình; những tấm gương làm tốt công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, lên án các hành vi bạo lực; xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc… Sau cuộc thi, BTC lựa chọn các tác phẩm xuất sắc nhất báo cáo công diễn tại chương trình Tuyên dương gia đình văn hóa - hạnh phúc tiêu biểu năm 2024 trong chuỗi các sự kiện hưởng ứng Ngày Gia đình Việt Nam 28.6 tới đây. Bên cạnh đó, là ghi hình, biên tập các phần thi thuyết trình của các tác giả tại vòng chung kết; chọn các tác phẩm có chất lượng cao để biên tập, in ấn sách và phát hành đến các đơn vị thực hiện công tác tuyên truyền tại cơ sở.

Kết quả cuộc thi, giải nhất (trị giá 10 triệu đồng) được trao cho thí sinh Võ Thị Lan Duyên với tác phẩm “Chị tôi”. Ngoài ra, BTC còn trao 2 giải nhì, 3 giải ba, 3 giải khuyến khích và tặng giấy chứng nhận, quà cho 11 tác giả vào vòng chung kết, 2 tác giả cao tuổi nhất tham gia cuộc thi.