Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi)

VHO-Chiều 5.7, Thường trực Uỷ ban Xã hội của Quốc hội đã tổ chức cuộc họp nghe Ban soạn thảo dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) báo cáo định hướng tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Tổ và Hội trường về dự án Luật này. Cuộc họp do Phó chủ nhiệm Uỷ ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy chủ trì. Tham dự cuộc họp có Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy, Phó Trưởng ban thường trực Ban soạn thảo dự án Luật.

Tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) - Anh 1

Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy, Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo phát biểu về định hướng tiếp thu, giải trình

Phó Vụ trưởng Vụ gia đình Khuất Văn Quý thay mặt Ban soạn thảo đã báo cáo các nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi). Trên cơ sở ý kiến tại cuộc họp ngày 24.6.2022 và dự thảo Thông báo kết luận của Tổng Thư ký Quốc hội về tổng hợp các ý kiến của các đại biểu Quốc hội thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), Bộ VHTTDL đã dự thảo nội dung dự kiến tiếp thu, giải trình xin ý kiến Ủy ban Xã hội.

Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến bổ sung một số quy định riêng với người nước ngoài trong áp dụng các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn, hỗ trợ và xử lý vi phạm vì họ là đối tượng đặc thù có ngôn ngữ, văn hóa và thời gian cư trú ở Việt Nam khác với người Việt Nam. Rà sót, bổ sung các hành vi BLGĐ nhằm tránh bỏ sót hành vi vi phạm, bổ sung thêm 7 nhóm hành vi BLGĐ trong Dự thảo Luật. Dự thảo đã bổ sung các nội dung, đối tượng tư vấn và tổ chức, cá nhân thực hiện tư vấn như ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội. Việc xây dựng các quy định về hòa giải tại dự thảo Luật dựa trên cách tiếp cận không xem hòa giải là biện pháp thay thế các biện pháp xử lý người có hành vi BLGĐ mà là biện pháp ngăn ngừa bạo lực nảy sinh hoặc tái diễn. Thay thế biện pháp “Góp ý, phê bình người có hành vi BLGĐ trong cộng đồng dân cư” bằng biện pháp “Thực hiện hoạt động vì lợi ích cộng đồng”.

Về biện pháp cấm tiếp xúc, cơ quan soạn thảo tiếp thu ý kiến đại biểu và chỉnh sửa trực tiếp dự thảo theo hướng “bổ sung quy định Chủ tịch UBND cấp xã tự mình ra quyết định trong trường hợp người bị bạo lực là trẻ em dưới 7 tuổi, người mát năng lực hành vi dân sự”. Về quản lý nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức trong PCBLGĐ, việc phân bổ nguồn lực bao gồm nhân lực và kinh phí cho công tác PCBLGĐ ở cơ sở là thẩm quyền của địa phương. Căn cứ tình hình thực tiễn BLGĐ tại địa phương, người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về gia đình sắp xếp nhân lực, phân bổ kinh phí cho công tác này...

Sau khi nghe các nội dung tiếp thu, giải trình của cơ quan soạn thảo, các đại biểu cũng đã đưa ra nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp cụ thể cho các nội dung đã được tiếp thu, giải trình cho rõ ràng, sát với thực tiễn các vấn đề hơn như quy định về những hành vi và các đối tượng gián tiếp gây BLGĐ,  quy định về nguồn lực xã hội hóa PCBLGĐ, cần mở rộng đối tượng trong Dự án Luật...

Thay mặt Ban soạn thảo Dự án Luật, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết Ban Soạn thảo sẽ tiếp tục tiếp thu những ý kiến đóng góp của các đại biểu. Tuy nhiên có những khái niệm, vấn đề và nội dung còn quá mới mẻ so với các luật trước đây, Ban Soạn thảo rất mong muốn các Bộ, ban ngành, các đại biểu Quốc hội cần góp ý trực tiếp, cụ thể hơn để làm sao Dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) thực sự có những bước đột phá, sát với thực tế và đáp ứng yêu cầu của xã hội. Ban soạn thảo sẽ tiếp tục bổ sung, hoàn thiện, xin ý kiến các Bộ ngành để kịp thời hoàn thiện theo yêu cầu về thời hạn được đặt ra.

Phát biểu kết luận, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy nhận định, Ban soạn thảo đã có sự cố gắng nỗ lực tối đa để đưa ra những sửa đổi, bổ sung tiếp thu, giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội về Dự án Luật. Đồng thời, yêu cầu Ban soạn thảo tiếp tục rà soát lại các ý kiến đóng góp tại cuộc họp để đưa ra những giải trình, bổ sung thật chặt chẽ. Với những vấn đề, nội dung mới, còn băn khoăn, Ban soạn thảo cần xin ý kiến các cơ quan có thẩm quyền để không có sự mâu thuẫn trong hệ thống pháp luật.

ĐÀO ANH

Ý kiến bạn đọc