Hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập

VHO - Chiều 15.8, Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Hội Khuyến học Việt Nam đã tổ chức Hội thảo quốc gia với chủ đề "Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới".

Hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập - Anh 1

 Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; GS, TS Nguyễn Thị Doan, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt chủ trì Hội thảo 

Hội thảo được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại điểm cầu các tỉnh, thành trong cả nước. Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Đoàn Văn Việt đồng chủ trì Hội thảo. 

Phát biểu đề dẫn tại Hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan nhấn mạnh: Gia đình, dòng họ có vai trò vô cùng quan trọng trong việc thúc đẩy học tập suốt đời, xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa và những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam, điều này đã được khẳng định qua hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ đến nhiều trào lưu văn hóa trên thế giới đến thế hệ trẻ, đang làm mất dần đi giá trị văn hóa truyền thống, thì hơn lúc nào hết, chúng ta phải giữ được ý thức cội nguồn. Ý thức cội nguồn “chim có tổ, người có tông” là điểm mạnh trong văn hóa dòng họ và cũng là điểm nhấn quan trọng trong nền văn hiến Việt Nam. Việc hàng năm các dòng họ đều tổ chức ngày Giỗ Tổ của mình và cứ đến ngày 10 tháng 3 âm lịch, con cháu khắp nơi về Giỗ Tổ Hùng Vương và Nhà nước quyết định cho cán bộ, công chức, viên chức được nghỉ một ngày để làm Giỗ Tổ mang ý nghĩa sâu sắc, nhắc nhở chúng ta đều có chung huyết thống, có chung cội nguồn.

Hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập - Anh 2

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa

Văn hóa dòng họ đã hun đúc lên tinh thần, khí phách, bản lĩnh con người trong dòng họ và văn hóa dòng họ đã thấm sâu vào từng đường gân, thớ thịt của từng con người trong dòng họ, làm rạng danh cho cả dòng họ. Đây cũng chính là mạch nguồn để hình thành nên văn hóa dân tộc. Vai trò của dòng họ hết sức quan trọng trong khơi dậy giá trị dân tộc và giá trị tốt đẹp của con người Việt Nam. Do đó, các cấp chính quyền cần quan tâm hơn nữa đến công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập từ gia đình, dòng họ để nét đẹp văn hóa và truyền thống tốt đẹp của địa phương, của đất nước mãi mãi trường tồn và phát huy.

Phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá cao công tác phối hợp chu đáo của Hội Khuyến học Việt Nam với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ VHTTDL, Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương. Đồng thời khẳng định, việc tổ chức Hội thảo có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm phát huy sức mạnh con người Việt Nam, gắn với giữ gìn hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị quốc gia. Gia đình là tế bào của xã hội, duy trì nòi giống, là môi trường đầu tiên khuyến khích học tập; dòng họ cơ bản giữ được tính bền chặt, có trên có dưới, tạo nên một xã hội ổn định, thông suốt. Chủ trương xây dựng xã hội học tập được tổ chức, thực hiện nghiêm túc và đạt nhiều kết quả quan trọng. Thời gian tới, cần phát huy vai trò của gia đình, dòng họ để cung cấp nguồn lực cho phát triển quốc gia.

Hội thảo về vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập - Anh 3

Các đại biểu tham dự Hội thảo

Tham gia Hội thảo, các đại biểu được nghe các báo cáo tham luận có giá trị cao, cả về lý luận và thực tiễn, của các nhà nghiên cứu, các nhà giáo dục, các nhà quản lý, các ngành chức năng… xoay quanh chủ đề “Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, góp phần giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong thời kỳ mới”. Các tham luận đều khẳng định trong bối cảnh hiện nay việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam thông qua giáo dục truyền thống từ gia đình, dòng họ đóng vai trò nòng cốt, là mạch nguồn để văn hóa dân tộc phát huy được giá trị truyền thống trong thế giới hiện đại, đầy tính sáng tạo để hội nhập thành công vì truyền thống tốt đẹp của gia đình, dòng họ là cơ sở hình thành văn hóa dân tộc Việt Nam. Vai trò của gia đình, dòng họ trong xây dựng xã hội học tập, thực hiện khuyến học, khuyến tài thông qua các mô hình học tập nhằm phát huy truyền thống tổ tiên, hướng về cội nguồn, tạo sức mạnh nội sinh trong việc thực hiện tốt gia pháp, gia phong, góp phần bảo vệ và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của làng, xã nói riêng, của đất nước nói chung. Từng gia đình, dòng họ thực hiện tốt việc giáo dục truyền thống thông qua xây dựng xã hội học tập sẽ tạo sức mạnh tổng hợp trong thực hiện và lan tỏa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta trong quá trình hội nhập.

Kết luận Hội thảo, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Nguyễn Thị Doan cho rằng, các tham luận đều khẳng định vai trò quan trọng của Ban Tuyên giáo, Bộ VHTTDL, Bộ GD&ĐT trong chỉ đạo, thực hiện nhiệm vụ xây dựng xã hội học tập, xây dựng, phát triển văn hóa và con người Việt Nam. Đây là chủ trương lớn của Đảng trong phát triển giáo dục theo hướng mở được nêu trong Nghị quyết 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương. Xây dựng xã hội học tập tốt là tiền đề để xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Hội thảo cũng đưa ra một số những kiến nghị về phát huy văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ trong xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, đặc biệt là đề nghị sớm xác định hệ giá trị văn hóa con người Việt Nam trong thời kỳ mới, coi trọng văn hóa gia đình, văn hóa dòng họ trong mối quan hệ với văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Hội thảo đề cập đến những nội dung nhìn từ góc độ khuyến học, khuyến tài, trong đó vai trò của các Hội khuyến học địa phương là quan trọng cần hiểu sâu, nắm vững hơn vai trò của gia đình, dòng họ trong giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc và phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam trong bối cảnh mới để tổ chức triển khai nhiệm vụ phát triển văn hóa tốt hơn, sáng tạo hơn để khơi dậy, phát huy truyền thống quý báu của các gia đình, dòng họ nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa ở địa phương, phát huy những phẩm chất tốt đẹp nhằm xây dựng quê hương ngày càng phát triển.  

HIỀN LƯƠNG

"Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch thực hiện"

Ý kiến bạn đọc