Hạnh phúc của cặp vợ chồng sau 20 năm không có con

VHO- Hai mươi năm sau đám cưới, cặp vợ chồng đều tên Minh cố gắng nhưng không thể có con, phải chịu bao điều tiếng của xã hội, nhưng bù lại là sự yêu thương của gia đình hai bên. Và đến năm thứ 21, hạnh phúc của anh chị được đền đáp khi một bé trai kháu khỉnh chào đời…

Đó là câu chuyện của gia đình chị Nguyễn Thị Minh (sinh năm 1977) và anh Mẫn Xuân Minh ( sinh năm 1973) quê ở Hiệp Hoà, tỉnh Bắc Giang. Anh chị kết hôn vào năm 2000, chị mang thai ngoài tử cung 2 lần, phải cắt bỏ vòi tử cung, chị lại có tiền sử bệnh liên quan đến phụ khoa. Đến năm 2008, hai vợ chồng đã làm IVF tại một bệnh viện lớn nhưng kết quả không thành công và đã từng có ý định dừng lại không điều trị tiếp.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng sau 20 năm không có con - Anh 1

Cặp vợ chồng anh chị Minh – Minh và cậu bé Thiện Nhân 

Suốt 20 năm lấy nhau là từng ấy năm anh chị phải nghe lời xì xào, bàn tán của xã hội, là phụ nữ nên những lời ấy như cứa vào lòng chị Minh. Có người đồng cảm thì chia sẻ, nhưng cũng có người cay nghiệt  nói những lời khó nghe… Nhưng anh Minh luôn động viên vợ: “Vợ chồng yêu nhau là chính. Nhiều người có con trai, con gái  nhưng họ vẫn bồ bịch, mình không có con mà vẫn sống hạnh phúc được đến bây giờ là quý lắm rồi”. Đặc biệt, gia đình hai bên đều vun đắp và kết nối anh chị. Chị Minh cho biết, chị biết ơn gia đình chồng đã không hắt hủi chị, anh chị chồng còn nói, không có con nếu nguyên nhân tại chồng thì vợ không được bỏ chồng, mà nếu tại vợ thì chồng cũng không được bỏ vợ. “Mẹ chồng tôi trước khi qua đời cũng nhắn nhủ, dù có thế nào vợ chồng vẫn phải sống với nhau”, chị Minh chia sẻ.

Những câu nói đầy yêu thương của gia đình chính là động lực để 20 năm qua, anh chị vượt qua những cung bậc cảm xúc, hy vọng rồi tuyệt vọng, lo lắng, tiêu tốn tiền của. Bao nhiêu năm hai vợ chồng đi làm được ít nào lại lên khăn gói quả mướp đi chữa, ai giới thiệu Đông- Tây y cũng đi. Sau một số lần làm thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) thất bại, kinh tế  cạn kiệt, đặc biệt, năm 2008 anh Minh phải đi xuất khẩu lao động kiếm tiền trả nợ. Năm 2015 hai vợ chồng có ý định tiếp tục làm IVF, nhưng nghĩ đến hành trình làm lâu và tốn kém, hai vợ chồng đành phải từ bỏ. Rồi đến năm 2018, cả hai vợ chồng đã không nghĩ tới mơ ước làm bố mẹ, anh Minh tâm sự, hai vợ chồng không có con nhưng ở với nhau hạnh phúc. Nhưng chị Minh vẫn khát khao được làm mẹ, thủ thỉ với chồng, giờ mình còn trẻ mà không làm thì tuổi cao sẽ không thực thực hiện được. “Thôi em xin anh một lần nữa, dù kết quả thế nào em cũng toại nguyên, không còn gì hối tiếc”, người vợ thủ thỉ.

Hạnh phúc của cặp vợ chồng sau 20 năm không có con - Anh 2

Anh chị Nguyệt - Luân bên hai người con khoẻ mạnh

Thế rồi, cả hai tìm đến Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, các bác sĩ đã chỉ định thực hiện IVF cho hai vợ chồng. Kết quả chị đã có thai và sinh con vào năm 2019. Chia sẻ về cảm xúc biết tin mình có thai, chị Minh cho hay, hôm đó chị dậy sớm, bí mật để thử que, thấy có vạch mờ nên chị chưa dám tin, chị giục chồng đi làm sớm để một mình ở nhà xem kỹ hơn. Ngay hôm sau, chị gọi điện thoại để xét nghiệm máu thì được bác sĩ khẳng định là có thai rồi, chị gọi điện báo cho anh, anh như muốn nhảy lên thông báo với mọi người rằng mình có con rồi. Tuy nhiên, suốt 39 tuần mang thai thì mỗi tuần cũng là nỗi lo, hồi hộp của anh chị vì nhiều lần dọa xảy thai, nhưng trồng cây cũng đến ngày hái quả và bé trai Thiện Nhân kháu khỉnh giống bố như đúc đã chào đời trong sự hân hoan chào đón của tất cả mọi người.

Câu chuyện của anh chị đã được kể lại tới 500 cặp vợ chồng tham dự lễ kỷ niệm 8 năm thành lập khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội) nhằm động viên các cặp vợ chồng còn chưa có con hãy kiên nhẫn, tin tưởng vào các bác sĩ, rồi bé yêu sẽ đến với gia đình. Nhiều cặp vợ chồng khác cũng chia sẻ câu chuyện “đoạn trường” sinh con, đong đầy cảm xúc của gia đình mình. Như hai vợ chồng cùng mang gen Thalassemia chị Nguyễn Thị Minh Nguyệt (sinh năm 1984) - Nguyễn Văn Luân (sinh năm 1985) quê ở Bắc Ninh. Anh chị kết hôn năm 2007, họ có con đầu lòng vào năm 2014 nhờ thực hiện thụ tinh nhân tạo (IUI) nhưng không may bé bị bệnh Thalassemia (bệnh tan máu bẩm sinh). Hằng tháng, bé phải vào Viện Huyết Học và Truyền máu Trung Ương để truyền máu. Các bác sĩ tư vấn, hai vợ chồng sinh bé thứ 2 khỏe mạnh, có thể ghép tế bào gốc để chữa bệnh cho anh. Và đến tháng 6.2018, hai vợ chồng đã đến Bệnh viện để thực hiện IVF. Tại đây, bằng các kỹ thuật hiện đại, các bác sĩ đã sàng lọc những phôi mang bệnh,  tìm sự tương thích giữa phôi xét nghiệm với người anh và kết quả có đúng một phôi chuyển được. Thành công đã đến khi chị Nguyệt sinh bé gái vào năm 2019, khi vừa sinh, bác sĩ đã lấy tế bào gốc từ cuống rốn của con gái để cấy ghép cho con trai mắc Thalassemia. Sau thời gian cấy ghép đến nay (hơn 6 tháng), bé trai chưa phải truyền máu lần nào như trước đây…

Hạnh phúc của cặp vợ chồng sau 20 năm không có con - Anh 3

Các gia đình nhận giải cuộc thi ảnh về con yêu của mình 

Mỗi gia đình, mỗi trường hợp là một câu chuyện riêng, không ai giống ai nhưng điểm chung là họ đã có được niềm hạnh phúc là những thiên thần nhỏ sau tháng ngày chạy chữa hiếm muộn nhờ những can thiệp từ các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại. BsCkII Nguyễn Khắc Lợi, Giám đốc Bệnh viện cho biết: “Sự ra đời của các kỹ thuật hỗ trợ sinh sản hiện đại, đặc biệt là kỹ thuật IVF cùng nhiều phương pháp hỗ trợ khác đã giúp nhiều trường hợp hiếm muộn tưởng chừng vô vọng, cuối cùng vẫn có được quả ngọt. Tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội, tỷ lệ thành công của các chu kỳ IVF khá cao và tăng dần theo từng năm, hiện tại là khoảng từ 50-70%. Sự đầu tư và nỗ lực từ đội ngũ y bác sĩ, chuyên viên cùng với việc đồng hành, hỗ trợ kinh tế cho các cặp vợ chồng khó khăn để giúp các gia đình không vì rào cản kinh tế mà từ bỏ ước mơ làm cha, làm mẹ. Năm nay, Bệnh viện tiếp tục dành tặng 10 suất thụ tinh ống nghiệm miễn phí (70-100 triệu đồng/ca) cho 10 cặp vợ chồng hiếm muộn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, và hỗ trợ , miễn phí nhiều kỹ thuật khác.

QUỲNH HOA

Ý kiến bạn đọc