Tọa đàm Phát triển Văn hóa ẩm thực Du lịch Ninh Bình:

Yếu tố quan trọng thu hút du khách

HOÀNG CÚC, ảnh: MINH ĐƯỜNG

VHO - Tọa đàm “Phát triển Văn hóa ẩm thực Du lịch Ninh Bình” diễn ra ngày 23.10 do Hiệp hội Du lịch Ninh Bình phối hợp với Sở Du lịch Ninh Bình, Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam tổ chức.

 

Yếu tố quan trọng thu hút du khách - ảnh 1
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại Toạ đàm. Ảnh: Báo Ninh Bình

Mỗi món ăn ở Ninh Bình đều chứa đựng chiều sâu văn hóa

Đây cũng là hoạt động trong khuôn khổ Lễ hội văn hóa ẩm thực Du lịch Ninh Bình năm 2024, Kỷ niệm 10 năm Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hoá và Thiên nhiên thế giới (2014 - 2024).

Tham dự Toạ đàm có Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Song Tùng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương trong tỉnh.

Tọa đàm còn có sự tham dự của Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ; Nhà nghiên cứu văn hóa ẩm thực Vũ Thế Long; đại diện Liên chi hội Đầu bếp, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các chuyên gia, các nghệ nhân ẩm thực và 135 nhà hàng, cơ sở kinh doanh du lịch tiêu biểu của tỉnh.

Ninh Bình được thiên nhiên ưu đãi ban tặng nhiều danh lam thắng cảnh đan xen với những tài nguyên du lịch nhân văn, những di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc, được hình thành và lưu giữ hàng nghìn năm.

Đó là những lợi thế to lớn để phát triển du lịch, đặc biệt từ khi Quần thể danh thắng Tràng An được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới, du lịch Ninh Bình đã thực sự chuyển mình mạnh mẽ, tạo bước phát triển có tính đột phá, mở ra cơ hội, vận hội lớn đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.

Yếu tố quan trọng thu hút du khách - ảnh 2
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh

Năm 2023, tỉnh Ninh Bình đã đón trên 6,5 triệu lượt khách, trong đó có gần 500 nghìn lượt khách quốc tế. 9 tháng năm 2024, du lịch Ninh Bình đón trên 7,3 triệu lượt khách, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó khách quốc tế đón trên 907 nghìn lượt khách. Doanh thu đạt hơn 7.200 tỉ đồng, tăng 43% so với cùng kỳ.

Ninh Bình đặt mục tiêu đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu cho ngân sách và thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển.

Phát biểu đề dẫn khai mạc Toạ đàm, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Ninh Bình Dương Thị Thanh cho biết: “Văn hóa ẩm thực thể hiện đặc trưng văn hóa của mỗi vùng miền, địa phương; là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút khách du lịch. Bên cạnh những loại hình du lịch như: du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch ẩm thực đang ngày càng trở thành xu thế và chiếm vai trò không hề nhỏ trong sự phát triển du lịch địa phương”.

Trong bức tranh văn hóa, ẩm thực của Việt Nam, ẩm thực Ninh Bình cũng được biết đến với sự phong phú về số lượng, tinh tế, da dạng trong từng khâu chế biến với nhiều món ăn nổi tiếng.

Yếu tố quan trọng thu hút du khách - ảnh 3
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình Bùi Văn Mạnh

Hơn thế, mỗi món ăn đều chứa đựng chiều sâu văn hóa, đậm nét truyền thống của vùng đất Cố đô, hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước như: thịt dê, cơm cháy, cá rô Tổng Trường, mắm tép, nem chua Yên Mạc...

Trong đó, sản phẩm dê núi Trường Yên được công nhận là món ăn đặc sản Việt Nam, cơm cháy và mắm tép Gia Viễn lọt top 100 đặc sản quà tặng Việt Nam.

Để ẩm thực Ninh Bình có thể trở thành sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh cao, còn rất nhiều thách thức ở phía trước.

Hiện nay, phần lớn các nhà hàng ở Ninh Bình chỉ mang tính chất tự phát, manh mún, cạnh tranh chưa lành mạnh; các hoạt động quảng bá về du lịch ẩm thực chưa có sự đầu tư đúng nghĩa; đội ngũ nhân viên chưa được đào tạo chuyên sâu, chủ yếu là lao động phổ thông...

Đội ngũ đầu bếp của Ninh Bình mới chỉ tập trung nấu những món ăn truyền thống, chưa sáng tạo những món ăn độc đáo riêng có của từng nhà hàng, chưa tích hợp được nguồn gốc, câu chuyện, ý nghĩa món ăn. Điều này làm giảm đi sức hút về ẩm thực khi khách có nhu cầu hiểu biết sâu hơn về các món ăn nổi tiếng được nhà hàng chế biến.

Phát biểu chỉ đạo tại Tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh về ý nghĩa, tầm quan trọng của ẩm thực trong phát triển du lịch, đặc biệt trong điều kiện Ninh Bình đang xây dựng trở thành trung tâm du lịch, công nghiệp văn hóa của quốc gia. 

Ẩm thực không chỉ là nét văn hoá khác biệt của mỗi vùng miền mà còn như một loại hình nghệ thuật trình diễn, thể hiện các điểm khác biệt từ an toàn vệ sinh, nghệ thuật thưởng thức, nguồn gốc món ăn, trang phục biểu diễn...

“Những nhận định, đánh giá chuyên sâu từ phía các nhà quản lý, các chuyên gia, nghệ nhân ẩm thực tại Toạ đàm là dịp để các nhà hàng, doanh nghiệp kinh doanh du lịch Ninh Bình tự soi, tự căn chỉnh lại tất cả các khâu cả về thái độ phục vụ và vệ sinh an toàn thực phẩm”, Bí thư Đoàn Minh Huấn nhấn mạnh.

Ông Đoàn Minh Huấn cũng cho rằng, qua Toạ đàm, Ninh Bình sẽ xác định được ngưỡng phát triển thời gian qua để nâng tầm ẩm thực lên một tầm mới và đặt nó với tư cách là một bộ môn văn hóa, mang lại đa giá trị kinh tế và tối đa hóa các lợi ích của nông nghiệp.

Bí thư Tỉnh ủy mong muốn, thông qua Toạ đàm, các nhà khoa học, chuyên gia ẩm thực cùng phân tích, đề xuất các giải pháp để ẩm thực Ninh Bình truyền tải bản sắc văn hóa địa phương, bao hàm sự chuyển tiếp văn hóa cung đình và văn hóa dân gian.

“Nghệ thuật ẩm thực Ninh Bình còn bao hàm cả hình thái văn hóa bản sắc của một vùng địa lý chuyển tiếp giữa các vùng miền núi phía Bắc và đồng bằng châu thổ sông Hồng. Việc phát triển nghệ thuật ẩm thực Ninh Bình cần tính toán đến nhu cầu của du khách hiện đại để tạo nên món ăn phụng dưỡng thiên nhiên và vì sức khỏe, sắc đẹp con người”, ông Đoàn Minh Huấn nói.

Bí thư Tỉnh uỷ đề nghị Hiệp hội Du lịch Ninh Bình cần tiếp tục phát huy vai trò của mình để hỗ trợ các thành viên, xây dựng chiến lược cùng nhau phát triển; xây dựng quy chuẩn của đầu bếp chuyên nghiệp, quy chuẩn của đội ngũ phục vụ, làm mới các giá trị truyền thống bằng những tinh thần của thời đại.

Yếu tố quan trọng thu hút du khách - ảnh 4
Đại biểu dự Toạ đàm

Cần nâng tầm các món ăn truyền thống của Ninh Bình

Theo Tổ chức Du lịch thế giới, trong cơ cấu chi tiêu của du khách trong  một chuyến du lịch có 1/3 là chi tiêu cho nhu cầu ẩm thực. Khai thác giá trị văn hóa ẩm thực góp phần thu hút thêm khách du lịch, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của khách, tạo ra việc làm, tạo nguồn thu, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Phát biểu tại buổi Tọa đàm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel nhận thấy rõ những quyết tâm của tỉnh Ninh Bình xây dựng một môi trường văn hóa ẩm thực.

Yếu tố quan trọng thu hút du khách - ảnh 5
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ

Vì vậy, Ninh Bình cần phát huy vai trò, vị thế của mình trong lịch sử dân tộc để xây dựng thành một vùng đất 4 mùa lễ hội, kéo khách du lịch từ các trung tâm du lịch về với vùng đất Cố đô Hoa Lư. Đây là cơ hội để Ninh Bình phát triển văn hóa ẩm thực.

Đồng thời, cần hệ thống lại các món ăn truyền thống, từ đó phối hợp với các tổ chức ẩm thực trong nước và quốc tế nâng tầm các món ăn truyền thống; tạo nên những kỷ lục, xu hướng, sự kiện để quảng bá nghệ thuật văn hóa ẩm thực cũng như giá trị điểm đến Ninh Bình.

Các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ Hiệp hội Du lịch Ninh Bình xây dựng định chuẩn về các món ăn mà Ninh Bình đang sở hữu. Xây dựng mỗi món ăn là 1 câu chuyện, trở thành giá trị hồn cốt của ẩm thực Ninh Bình.

Ngoài ra, tỉnh cần có chính sách hỗ trợ cho các nghệ nhân ẩm thực, tạo cơ sở xây dựng Trung tâm đào tạo đầu bếp quốc gia để truyền dạy các món ăn cho các thế hệ và cung cấp đầu bếp đạt chuẩn cho các nhà hàng, khách sạn không chỉ ở địa phương mà trên phạm vi trong và ngoài nước.

Yếu tố quan trọng thu hút du khách - ảnh 6
Các đại biểu, diễn giả tham gia phiên thảo luận

Tham luận tại Tọa đàm, ông Mai Thanh Sơn, Hội Nhân học và Dân tộc học Việt Nam nhấn mạnh: “Ẩm thực Ninh Bình chưa được chú trọng và khai thác phát triển tương xứng với tiềm năng. Thời gian tới, để phát triển văn hoá ẩm thực, Ninh Bình cần xác định món ăn phản ánh tri thức địa phương. Trên cơ sở đó tìm ra những món ăn mang thương hiệu ẩm thực riêng của tỉnh. Đồng thời chú trọng đến việc xây dựng thương hiệu ẩm thực của tỉnh và mỗi địa phương dựa trên nền tảng ẩm thực mang tính phổ quát”.

Bên cạnh đó, theo ông Mai Thanh Sơn, các nhà hàng cần tích cực sáng tạo, làm mới các món ăn, xây dựng các câu chuyện văn hoá để nâng tầm ẩm thực; chú trọng phát triển cả những món ăn bình dân.

Sau phiên khai mạc, Tọa đàm diễn ra hai phiên thảo luận với các nội dung: Đánh giá thực trạng ẩm thực du lịchPhát triển, nâng tầm văn hóa ẩm thực du lịch Ninh Bình đẳng cấp, khác biệt.