Tập trung “làm đẹp” cho sông Hương

VHO- Trong danh mục các dự án trọng điểm năm 2020 của UBND TP Huế có hai dự án liên quan đến cảnh quan đôi bờ sông Hương đang được cộng đồng rất quan tâm. Điểm nhấn đáng chú ý của các dự án chính là hệ thống đường đi bộ, hệ thống điện chiếu sáng kết nối các công viên và điểm du lịch, không gian công cộng dọc hai bờ sông.

Tập trung “làm đẹp” cho sông Hương - Anh 1

 Cảnh quan hai bờ sông Hương nhìn từ cầu Dã Viên

Sông Hương luôn được xem là “tâm điểm” của cảnh quan thiên nhiên và du lịch của TP Huế nói riêng và Thừa Thiên Huế nói chung. Dòng sông xanh trong êm đềm và không gian hai bờ sông thơ mộng đã tạo nên sự mê hoặc riêng có trong lòng du khách.

Không gian mở cho cộng đồng và du khách

Thời gian qua, UBND TP Huế đã thực hiện dự án chỉnh trang không gian đôi bờ sông Hương, mà điểm nhấn chính là hoàn thiện mạng lưới kết nối đường đi bộ ở cả bờ Nam và bờ Bắc. Ở bờ Nam, tuyến đường đi bộ đã hoàn thành, giúp người dân và du khách có thể kết nối nhiều điểm “check-in” hấp dẫn: Từ bến thuyền Tòa Khâm- cầu Trường Tiền- Nhà trưng bày Điềm Phùng Thị- công viên Tứ Tượng- Bảo tàng Văn hóa Huế- Bảo tàng thêu XQ- Trung tâm Nghệ thuật Lê Bá Đảng- Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán- công viên Lý Tự Trọng- Trường THPT Quốc Học- Bảo tàng Hồ Chí Minh- Học viện Âm nhạc Huế… đến Nhà hát Sông Hương.

Phía bờ Bắc sông Hương vốn ít người đi lại, một số khu vực trở thành nơi tập trung của các đối tượng tệ nạn xã hội. Thế nhưng từ cuối năm 2019, khi “bắt tay” thực hiện dự án, cơ quan chức năng đã xóa được các “điểm đen” này. Tuyến đường đi bộ ven bờ Bắc đã được cộng đồng hưởng ứng tích cực, và trở thành điểm đi dạo, vui chơi, rèn luyện sức khỏe cho dân cư khu vực. Đồng thời, tuyến đường này đã kết nối các điểm đến công viên Phú Xuân- di tích Nghinh Lương Đình- Phu Văn Lâu- công viên Thương Bạc- cầu Trường Tiền- chợ Đông Ba...

Ông Hoàng Hải Minh, Chủ tịch UBND TP Huế cho biết, việc tiến hành tổng thể chỉnh trang đôi bờ sông Hương là dự án trọng điểm của địa phương, trong đó bao gồm nhiều dự án thành phần, được thực hiện theo từng giai đoạn. Từ cuối năm 2019 đến nay, UBND TP Huế đã thực hiện chỉnh trang bờ Bắc sông Hương với kinh phí đầu tư khoảng 11 tỉ đồng, và đã xây dựng tuyến đường đi bộ ven sông phục vụ cộng đồng.

UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã từng có chủ trương tháo dỡ hàng rào của các công trình dọc hai bờ sông Hương để tạo không gian mở, thông thoáng cho người dân tiếp cận. Mặc dù các công viên ở bờ Bắc đã tháo dỡ hàng rào từ lâu, nhưng hiện nay một số công trình ở bờ Nam (đường Lê Lợi) vẫn chưa thực hiện được.

Trả lời Văn Hóa về vấn đề này, đại diện UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, các khu đất còn tồn tại hàng rào thuộc các cơ quan, tổ chức đang trực tiếp quản lý, sử dụng. Tỉnh đã có buổi làm việc với đại diện các cơ quan, tổ chức nói trên để vận động các đơn vị này hưởng ứng chủ trương của tỉnh, tự tháo dỡ hàng rào nhằm đảm bảo đồng bộ mỹ quan đô thị và mở rộng không gian tiếp cận với sông Hương. Đại diện các đơn vị này đã thống nhất đồng thuận với chủ trương của tỉnh và cam kết sẽ tự tháo dỡ, đồng thời tìm giải pháp đảm bảo an ninh trong khuôn viên sau khi tháo dỡ hàng rào.

Tập trung “làm đẹp” cho sông Hương - Anh 2

 Đường đi bộ bờ Nam sông Hương, đoạn công viên trước Trường Quốc Học

Chiếu sáng các công viên hai bờ sông

Theo lãnh đạo UBND TP Huế, địa phương đã xây dựng dự án điện chiếu sáng dọc các công viên hai bờ sông Hương với nguồn đầu tư 50 tỉ đồng, đang chờ UBND tỉnh Thừa Thiên Huế xem xét, phê duyệt để sớm thực hiện. Mới đây, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành đã có buổi khảo sát về hệ thống điện chiếu sáng và đường đi bộ dọc hai bờ sông Hương. Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị UBND TP Huế phải đặt việc chiếu sáng hai bờ sông Hương nằm trong tổng thể phương án chiếu sáng của thành phố; trong đó cần chú ý trục đến đường Lê Lợi (bờ Nam) và đường Trần Hưng Đạo, Lê Duẩn (bờ Bắc) và các công trình điểm nhấn lân cận. Đồng thời, xem xét lại phương án chiếu sáng mạng lưới kết nối đường đi bộ bờ Nam sông Hương, kết hợp với điều chỉnh phương án chiếu sáng công trình Bệnh viện Trung ương Huế, công viên Lý Tự Trọng và các khu vực lân cận hiện nay.

Ông Thọ lưu ý, khi đầu tư hệ thống chiếu sáng cần khai thác được từ nhiều hướng nhìn, như từ đường bộ, trên các điểm cao ngắm cảnh, các cầu bắc qua sông Hương… Bên cạnh đó cần chú ý một số khu vực có công trình điểm nhấn thì cần ánh sáng cục bộ, đặc biệt các công trình di tích. Và nghiên cứu phương án chiếu sáng khu vực công viên Bùi Thị Xuân kết nối với việc chiếu sáng Học viện Âm nhạc và khách sạn 05 Lê Lợi.

Ngoài tuyến đường đi bộ ven sông Hương hiện nay, dự kiến tuyến đường này sẽ được mở rộng và kéo dài về phía thượng nguồn. Cụ thể tuyến đường đi bộ ở bờ Bắc sẽ tiếp nối từ cầu Dã Viên qua các nhà rường và phủ đệ ở Kim Long và đến chùa Thiên Mụ. Lãnh đạo UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đề nghị TP Huế và các Sở ngành, ngoài việc tiếp tục thực hiện xây dựng tuyến đường đi bộ nối dài, các đơn vị cũng cần nghiên cứu để phát triển cồn Dã Viên trở thành điểm tham quan du lịch. Đồng thời kết hợp với việc trồng thêm cây xanh và hoa, đầu tư hệ thống chiếu sáng vào ban đêm để làm cho cảnh quan hai bờ sông Hương thêm lung linh huyền ảo.

“Sông Hương là một trong những “thương hiệu” đặc biệt của Huế, do đó phải làm sao phát huy được giá trị của đôi bờ sông Hương để góp phần phát triển du lịch và phát triển kinh tế. Những cái gì Huế có mà những nơi khác không có thì cần tập trung bảo vệ và phát triển để tạo nên nét đẹp riêng cho vùng đất Cố đô”, ông Thọ nhấn mạnh. 

 Sông Hương là một trong những “thương hiệu” đặc biệt của Huế, do đó phải làm sao phát huy được giá trị của đôi bờ sông Hương để góp phần phát triển du lịch và phát triển kinh tế. Những cái gì Huế có mà những nơi khác không có thì cần tập trung bảo vệ và phát triển để tạo nên nét đẹp riêng cho vùng đất Cố đô.

(Ông PHAN NGỌC THỌ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc