Sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS

VHO- Các sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã, phường một sản phẩm) là giải pháp quan trọng, tạo động lực để phát triển kinh tế, xã hội. Đạt chuẩn OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương trong tỉnh, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) một cách bền vững.

Sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS - Anh 1

Nằm ở thôn Sả Séng, xã Tả Phìn, thị xã Sa Pa (Lào Cai), Vườn đá Tả Phìn thuộc Hợp tác xã Tả Phìn Xanh là điểm du lịch sinh thái đạt chuẩn OCOP 4 sao duy nhất của tỉnh Lào Cai.

Anh Trần Chí Thành, Giám đốc HTX chia sẻ, Vườn đá Tả Phìn thuộc HTX Tả Phìn Xanh là điểm du lịch sinh thái đạt chuẩn OCOP 4 sao duy nhất của tỉnh Lào Cai, khu sinh thái này đã gắn chặt các sản phẩm du lịch với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các dân tộc Mông, Dao đỏ bản địa. Đến với “sân chơi” OCOP, bản thân anh ban đầu cảm thấy mới mẻ và chưa định hình rõ hướng đi. Tuy nhiên, được sự quan tâm của các cấp, các ngành, cùng sự kiên trì, tích cực tìm tòi, học hỏi của bản thân, sản phẩm dịch vụ của HTX ngày càng hoàn thiện, đáp ứng các tiêu chí và được Hội đồng đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh chấm 4 sao. Anh Thành hy vọng, với việc sản phẩm “Khu sinh thái vườn đá Tả Phìn” được công nhận là sản phẩm dịch vụ du lịch OCOP đầu tiên của tỉnh sẽ tiếp thêm động lực để các địa phương, HTX khác tiếp tục quan tâm, đầu tư thêm nhiều sản phẩm OCOP khác.

Lãnh đạo UBND xã Tả Phìn đánh giá, khu sinh thái Vườn đá Tả Phìn đã gắn kết chặt chẽ các sản phẩm dịch vụ du lịch với việc bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của đồng bào các DTTS nơi đây. Việc HTX Tả Phìn Xanh được gắn sao OCOP góp phần khẳng định tiêu chuẩn, chất lượng, tạo niềm tin vững chắc đối với du khách trong và ngoài nước về sản phẩm, dịch vụ. Chính điều này tạo sự tin tưởng cho du khách khi sử dụng dịch vụ và các sản phẩm có rõ nguồn gốc xuất xứ. Tiêu chuẩn OCOP giúp nâng cao giá trị của điểm đến, giúp sản phẩm phát triển bền vững hơn và trở thành địa chỉ tin cậy cho khách du lịch. HTX đã và đang giải quyết việc làm cho đồng bào DTTS nơi đây, bà con có thu nhập, giúp xóa đói, giảm nghèo.

Vùng đồng bào DTTS ở Lào Cai có hệ thống di sản văn hóa vô cùng phong phú, đa dạng. Đây là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng, là tiềm năng, lợi thế so sánh trong phát triển du lịch. Bên cạnh đó, vùng đồng bào DTTS còn là vùng văn hóa đa dạng với nhiều sắc thái văn hóa đặc sắc, hấp dẫn. Đây là nguồn lực văn hóa giàu giá trị, trực tiếp tạo nên các sản phẩm du lịch di sản mang tính đặc thù, như sản phẩm du lịch mang dấu ấn người Mông, người Dao, người Xa Phó, người Tày trên đỉnh núi Sa Pa những khu ruộng bậc thang kỳ vĩ ở Bát Xát. Các loại hình canh tác trên nền đất dốc, trên ruộng bậc thang hay những thung lũng ven sông, ven suối đều tạo ra vẻ đẹp hấp dẫn của du lịch trải nghiệm.

Theo Ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, với môi trường tự nhiên đa dạng, khí hậu đặc trưng, truyền thống văn hóa độc đáo giàu bản sắc của 25 nhóm DTTS, là điều kiện để phát triển nhiều mô hình du lịch đặc trưng. Đặc biệt, các mô hình phát triển nông nghiệp gắn với du lịch OCOP ở Lào Cai đã hình thành sản phẩm du lịch đặc trưng như mô hình trồng các loại hoa phục vụ phát triển du lịch, mô hình tham quan ở thung lũng Mường Hoa (Sa Pa), mô hình ruộng bậc thang tại các huyện Bắc Hà, Mường Khương, Bát Xát. Tiếp đến là mô hình du lịch nông trại trồng dâu tây, nấm hương, các loại quả như lê Tai Nung, mận Bắc Hà, quýt Mường Khương, hay như các mô hình tham quan tại trang trại nuôi cá tầm, cá hồi…

Sản phẩm du lịch đạt chuẩn OCOP: Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào DTTS - Anh 2

“Việc mở rộng các mô hình hoạt động du lịch đến các làng, bản đã tạo ra cơ hội việc làm và tăng thu nhập cho cộng đồng các DTTS, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho các địa phương. Theo kết quả điều tra của Sở Du lịch Lào Cai, thu nhập bình quân từ du lịch OCOP đạt từ 30-40 triệu đồng/hộ/năm, cao gấp từ 7 - 12 lần so với các hộ không tham gia du lịch OCOP. Cá biệt, có hộ thu nhập đạt đến 100 triệu đồng/năm, góp phần quan trọng vào việc xóa đói, giảm nghèo cho các nhóm DTTS, tạo thêm nguồn lực cho việc xây dựng nông thôn mới ngay tại địa phương”, ông Hà Văn Thắng chia sẻ.

Ông Đỗ Văn Duy, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lào Cai cho biết, với việc quan tâm, đầu tư và tham gia chương trình OCOP sẽ giúp nâng tầm sản phẩm, quảng bá hình ảnh du lịch các địa phương trong tỉnh, nâng thu nhập cho người dân, hướng tới phát triển du lịch và phát triển nông thôn bền vững. Tuy nhiên, để phát triển bền vững loại hình du lịch cộng đồng tạo ra các sản phẩm du lịch đạt OCOP, các địa phương trong tỉnh phải có quy hoạch cụ thể, không phát triển ồ ạt, không gây tác động lớn vào không gian văn hóa và hệ sinh thái. Bên cạnh đó là việc giữ gìn, tôn trọng những giá trị bản địa, phát huy bản sắc văn hóa của từng vùng, miền trong tỉnh nhằm tạo sức hút với du khách từ những điểm khác biệt, đảm bảo người dân thực sự được hưởng lợi từ sự phát triển du lịch của địa phương.

Theo ông Thắng, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục phát triển và thành lập mới các HTX gắn với du lịch, đặc biệt là tại các xã vùng cao, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Đồng thời phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch tại các HTX có tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch, xây dựng các điểm dừng chân bán hàng đối với các sản phẩm du lịch. Quy hoạch một số mô hình điểm về phát triển du lịch cộng đồng, tạo sản phẩm du lịch đặc trưng, sản phẩm du lịch đạt OCOP. Thành lập ban quản lý du lịch cộng đồng tại một số xã để quản lý hoạt động, tổ chức thường niên các lễ hội truyền thống, duy trì các phiên chợ văn hóa vùng cao, vùng đồng bào DTTS nhằm hướng tới khôi phục, bảo tồn văn hóa địa phương. 

NGỌC ĐAN

Ý kiến bạn đọc