Phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch
VHO- Du lịch nông thôn đã và đang trở thành một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành Du lịch đất Tổ. Qua đó khơi dậy tiềm năng, lợi thế của khu vực nông thôn, giúp tạo ra nhiều sản phẩm du lịch độc đáo, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương…, góp phần phát triển kinh tế vùng nông thôn, xây dựng NTM đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP đã tạo làn gió mới cho khu vực kinh tế nông thôn, tạo đà thúc đẩy và nâng cao năng lực của các chủ thể, nhất là khu vực làng nghề, các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ ở Phú Thọ. Sau 5 năm triển khai Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay, Phú Thọ đã có 139 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, trong đó 92 sản phẩm 3 sao, 46 sản phẩm 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao. Phát triển sản phẩm OCOP gắn với du lịch được đánh giá là tiềm năng mới để nông dân làm giàu trên chính làng quê của mình, nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp nông thôn của tỉnh Phú Thọ.
Gắn với bản sắc
Chương trình phát triển du lịch nông thôn trong xây dựng NTM được triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, tập trung tại các điểm du lịch nông thôn do cộng đồng địa phương tổ chức quản lý hoặc có sự tham gia của cộng đồng. Để đẩy mạnh thực hiện chương trình, các cấp ủy, chính quyền, cơ quan quản lý nhà nước trên địa bàn tỉnh và các tổ chức, cá nhân, cộng đồng đã tích cực tham gia phát triển du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM, nhất là các hộ gia đình, chủ thể hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đặc biệt, cuối năm 2022, Hội đồng đánh giá, phân hạng Chương trình OCOP Phú Thọ đã đánh giá hai sản phẩm Du lịch cộng đồng Xuân Sơn và Du lịch cộng đồng Hùng Lô đạt tiêu chuẩn 3 sao. Đây là hai chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia trong nhóm “Dịch vụ du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái và điểm du lịch” đầu tiên của tỉnh. Mô hình du lịch trải nghiệm ở đình Hùng Lô (xã Hùng Lô) là sản phẩm OCOP dịch vụdu lịch cộng đồng đầu tiên được tỉnh PhúThọđịnh hướng xây dựng trong Chương trình Mỗi xãmột sản phẩm. Đến với điểm du lịch này, du khách được tham quan đình cổ xây dựng cách đây hơn 300 năm, còn lưu giữ các giá trị di sản văn hóa vật thể tiêu biểu cho kiến trúc văn hóa Việt Nam và in đậm dấu ấn thời đại Hùng Vương dựng nước, là không gian sinh hoạt cộng đồng cho nhân dân. Chương trình hát Xoan gắn với điểm du lịch đình Hùng Lô thực hiện đón tiếp, thuyết minh, hướng dẫn cho khách về tham quan. Người dân và du khách được nghe các nghệ nhân, đào, kép của phường Xoan biểu diễn những tiết mục Xoan cổ. Du khách còn được tham quan, trải nghiệm với nghề truyền thống làm bánh chưng, bánh giầy, làm mì gạo tại Hùng Lô và nét văn hóa đặc sắc của chợ quê.
Ông Vũ Quốc Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn cho biết: “Thời gian qua, nhiều hoạt động quảng bá, giới thiệu về du lịch nông nghiệp, nông thôn đã được thực hiện, đặc biệt là tổ chức các sự kiện, lễ hội, diễn đàn giới thiệu và kết nối cung, cầu du lịch nông nghiệp, nông thôn lồng ghép với các sự kiện về văn hóa, chương trình kết nối nông sản và Chương trình OCOP. Qua đó đã hỗ trợ kết nối khách du lịch lữ hành gắn với các điểm đến về du lịch nông nghiệp, nông thôn, từng bước hình thành mạng lưới kết nối cung, cầu về du lịch nông nghiệp, nông thôn; xây dựng tour tuyến du lịch để đưa du khách đến tham quan, mua sắm tại các cửa hàng bán và giới thiệu sản phẩm nông nghiệp OCOP...”.
Giám đốc Sở VHTTDL Phú Thọ Nguyễn Đắc Thủy chia sẻ: Việc lồng ghép giới thiệu, bán sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đặc trưng gắn với tour du lịch, các không gian trưng bày, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch sẽ tận dụng được tối đa nguồn lực của tỉnh. Đây cũng là hướng đi mới, hiệu quả mà tỉnh đang triển khai thực hiện. Sản phẩm OCOP sẽ góp phần làm phong phú, tạo làn gió mới, nâng tầm cho du lịch Phú Thọ, đặc biệt là du lịch nông thôn.
Cần sự liên kết chặt chẽ
Để chương trình mang lại hiệu quả thiết thực, tỉnh Phú Thọ đã chỉ đạo các Sở, ban, ngành và các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp, có trọng tâm, trọng điểm, đảm bảo phát triển theo hướng bền vững, phù hợp với tiềm năng, lợi thế về phát triển du lịch nông nghiệp của địa phương từ cấp tỉnh đến cấp huyện. Trong đó, ưu tiên lồng ghép xây dựng các điểm du lịch nông thôn theo định hướng của Bộ tiêu chí OCOP về dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch. Tăng cường tuyên truyền, tập huấn, nâng cao nhận thức về tiềm năng, vai trò, yêu cầu trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cho cấp ủy, chính quyền, cán bộ quản lý; các tổ chức, cộng đồng về du lịch nông thôn gắn với xây dựng NTM.
Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Du lịch tỉnh Phú Thọ cho biết, thời gian qua, du lịch Phú Thọ không ngừng triển khai các kế hoạch quảng bá, phát triển sản phẩm du lịch nông nghiệp (OCOP) thông qua nhiều hoạt động quảng bá du lịch online, quảng bá trên nền tảng công nghệ. Các sản phẩm tiếp cận gần hơn với thị trường và du khách, từ đó, đem đến sự hài lòng về chất lượng dịch vụ dành cho khách du lịch đến với Phú Thọ trong thời gian sắp tới. Việc hình thành điểm tham quan, mua sắm sản phẩm OCOP tạo điều kiện thuận lợi cho du khách có thể tiếp cận các sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng của Phú Thọ. Qua đó, kích thích nhu cầu mua sắm của du khách, tăng cường tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP của Phú Thọ đến với nhân dân và du khách. Thông qua dịch vụ mua sắm, thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP được mở rộng, đây là hình thức xuất khẩu sản phẩm tại chỗ thông qua hoạt động du lịch, là xu thế phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn đang được du khách đặc biệt quan tâm, ủng hộ.
Ông Đỗ Đức Khánh, Chủ tịch Hội Lữ hành Phú Thọ, Giám đốc Công ty Du lịch Bình Minh cho rằng, để tạo thuận lợi cho du khách chọn mẫu sản phẩm, khi giới thiệu các sản phẩm OCOP cần có các kích cỡ khác nhau, thuận tiện cho người mua. Từ việc xây dựng điểm siêu thị du lịch nông nghiệp cần nhân rộng mô hình các điểm giới thiệu sản phẩm OCOP, đẩy mạnh liên kết, giới thiệu sản phẩm, mỗi điểm làm video giới thiệu cho khách. Phú Thọ cần liên kết tour với các công ty lữ hành tại Hà Nội và các địa phương để giới thiệu sản phẩm.
Du lịch Phú Thọ có thêm nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng của tỉnh. Đồng thời, cần tăng cường kết nối giữa các nhà hàng, khách sạn và các công ty lữ hành, có chính sách ưu đãi để đưa khách đến các điểm đến, giới thiệu các sản phẩm du lịch nói chung và các sản phẩm OCOP nói riêng của Phú Thọ.
MINH NGỌC