Nhân lên giá trị văn hóa truyền thống
VHO - Những năm qua, việc bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc luôn được tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm. Riêng việc thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch”, được tỉnh Yên Bái triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả.
Lễ Cầu Yên của người Cao Lan
Năm 2022 - 2023, Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái thực hiện 5 nhiệm vụ thành phần trong Dự án 6. Đến nay đã hoàn thành 3 nhiệm vụ thuộc nguồn vốn sự nghiệp đó là: Hỗ trợ xây dựng 28 tủ sách cộng đồng tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tại các địa phương khai thác, xây dựng sản phẩm du lịch (lễ hội đền Đại Cả, lễ hội đền Đông Cuông); Khảo sát kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số. Ngoài ra còn 2 nhiệm vụ thuộc nguồn vốn đầu tư đang tiếp tục được thực hiện.
Tỉnh Yên Bái cũng đã hỗ trợ hoạt động cho các đội văn nghệ truyền thống tại các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đến nay có 65 đội văn nghệ thôn sinh hoạt thường xuyên và tham gia các buổi giao lưu. Nhiều lớp tập huấn bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, truyền dạy văn hóa phi vật thể được tổ chức, hỗ trợ trang thiết bị hoạt động tại 150 thiết chế văn hóa, nhà văn hóa thôn. Các địa phương của tỉnh hỗ trợ đầu tư 6 điểm du lịch tiêu biểu vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đó là: Điểm đến du lịch thôn Giáp Luồng (xã Khai Trung, huyện Lục Yên), điểm đến du lịch bản Sà Rèn (xã Nghĩa Lợi, thị xã Nghĩa Lộ), điểm đến du lịch Chòm Cu Vai (xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu), điểm đến du lịch thôn Ngòi Tu (xã Vũ Linh, huyện Yên Bình), điểm đến du lịch xã Đông Cuông huyện Văn Yên và điểm đến du lịch bản Tà Sung (xã Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải).
Nhiều lễ hội truyền thống tại các địa phương đã được khôi phục, bảo tồn và xây dựng thành sản phẩm phục vụ phát triển du lịch. Điển hình có thể kể đến như: Lễ hội cầu mùa của người Dao quần trắng xã Yên Thành, huyện Yên Bình; lễ hội Cầu Yên của dân tộc Cao Lan xã Tân Hương, huyện Yên Bình; lễ hội xuống đồng của người Thái xã Hát Lừu, huyện Trạm Tấu; lễ hội Cầu mưa của dân tộc Khơ Mú xã Túc Đán, huyện Trạm Tấu…
Cũng trong năm 2023, chính sách hỗ trợ nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú người dân tộc thiểu số trong việc lưu truyền, phổ biến hình thức sinh hoạt văn hóa truyền thống và đào tạo thế hệ kế cận cũng được triển khai. Đến nay có 10 nghệ nhân người dân tộc thiểu số được thụ hưởng chính sách hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm và truyền dạy di sản văn hóa phi vật thể. Đặc biệt tỉnh đã phối hợp với Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam để triển khai dự án nghiên cứu, phục hồi, bảo tồn, phát triển di sản văn hóa phi vật thể hát Páo dung và múa dân gian của dân tộc Dao đỏ huyện Văn Yên.
Theo bà Lê Thị Thanh Bình, giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Yên Bái: “Việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh đã được chỉ đạo kịp thời, hoàn thành việc thành lập Ban Chỉ đạo, phân công cụ thể nhiệm vụ cho các thành viên, từ đó tạo sự xuyên suốt trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã. Tỉnh và các cơ quan đã kịp thời ban hành các văn bản triển khai thực hiện chương trình, văn bản hướng dẫn hỗ trợ theo quy định của Trung ương. Các nguồn lực đầu tư xây dựng được tập trung huy động nhằm xây dựng và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, từng bước cải thiện đời sống cho đồng bào”.
Cũng theo bà Bình, để việc thực hiện Dự án 6 trên địa bàn phát huy hiệu quả, cần tiếp tục có sự chỉ đạo và hướng dẫn các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng đến cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội; quán triệt, phổ biến đến cán bộ, công chức, viên chức, người dân về Dự án 6 để tạo các điều kiện thuận lợi nhất trong việc triển khai thực hiện trong năm 2024 và các năm tiếp theo; tổ chức tập huấn công tác kiểm tra giám sát để các địa phương có thêm kinh nghiệm khi thực hiện. Nghiên cứu ban hành các tài liệu hướng dẫn quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện từng nội dung, nhiệm vụ thành phần thuộc Dự án 6 dưới dạng sổ tay nghiệp vụ hoặc cẩm nang hỏi đáp, trong đó quy định chi tiết, cụ thể, rõ ràng về đối tượng hỗ trợ, nội dung hỗ trợ, quy trình triển khai và kinh phí thực hiện bảo đảm dễ hiểu, dễ nắm bắt, dễ thực hiện để triển khai tại cấp cơ sở.
Dù gặp không ít khó khăn, nhưng những nỗ lực của tỉnh Yên Bái trong việc thực hiên Dự án 6 đã đem lại hiệu quả thiết thực, minh chứng việc đầu tư cho văn hóa không chỉ có ý nghĩa tinh thần mà còn tạo ra giá trị kinh tế - xã hội, đặc biệt là việc phát triển du lịch trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
HOÀNG LINH