Liên kết, hợp tác chặt chẽ để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn
VHO- Du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao, có nội dung văn hóa sâu sắc. Vì thế, việc liên kết, hợp tác giữa ngành Du lịch với các Bộ, ngành, địa phương để phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn như Nghị quyết số 08-NQ/TW của Bộ Chính trị đã đề ra là vô cùng quan trọng. Trong Chương trình hành động phát triển du lịch giai đoạn 2021- 2025 mà Bộ VHTTDL vừa ban hành, những nhiệm vụ phối hợp thực hiện với các Bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp cũng được nêu rõ.
Xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính và thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch
Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ về tài chính và thuế nhằm tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy phát triển du lịch, đặc biệt là cơ chế hỗ trợ cho doanh nghiệp du lịch và các hộ kinh doanh du lịch cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19.
Rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện chính sách hoàn thuế giá trị gia tăng cho khách du lịch tại sân bay, nhà ga, cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường biển và các trung tâm mua sắm ở các đô thị để thúc đẩy khách du lịch mua sắm.
Xây dựng quy định về cơ sở xác định giá dịch vụ thu phù hợp tại các khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở lưu trú du lịch, đảm bảo hài hoà lợi ích của các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và khách du lịch.
Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư lồng ghép các nội dung liên quan đến phát triển du lịch trong các chiến lược, chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội; triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trong lĩnh vực du lịch.
Đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích và huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đầu tư tại các khu vực động lực phát triển du lịch, khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng du lịch; thu hút các nhà đầu tư chiến lược đầu tư hình thành các khu dịch vụ du lịch phức hợp, dự án dịch vụ du lịch quy mô lớn, các trung tâm mua sắm, giải trí chất lượng cao tại các địa bàn du lịch trọng điểm.
Hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng
Ưu tiên bố trí vốn ngân sách nhà nước cho chương trình hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch tại các khu vực vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng. Lồng ghép xúc tiến đầu tư với xúc tiến du lịch.
Phối hợp với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng để tiếp tục rà soát, đề xuất hoàn thiện chính sách tạo thuận lợi cho khách du lịch quốc tế vào Việt Nam; triển khai hiệu quả chính sách thị thực điện tử đối với tất cả thị trường khách quốc tế. Triển khai các quy định về bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho khách du lịch tại các điểm đến, khu du lịch, điểm du lịch, cơ sở dịch vụ du lịch. Nghiên cứu, đề xuất cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam qua các cửa khẩu đường bộ, đường biển và đường sông. Xây dựng, đề xuất chính sách đặc thù, tạo thuận lợi để phát triển du lịch cộng đồng tại khu vực biên giới, hải đảo gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Phối hợp với Bộ Nội vụ đề xuất hoàn thiện hệ thống tổ chức, quản lý ngành Du lịch từ Trung ương đến địa phương đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong bối cảnh bình thường mới. Đề xuất ban hành chính sách nhằm nâng cao vai trò của các tổ chức xã hội nghề nghiệp trong phát triển du lịch.
Phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa để hỗ trợ phát triển du lịch
Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải để triển khai thực hiện chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường không, đường biển và đường thủy nội địa để hỗ trợ phát triển du lịch, nhất là tại các địa bàn du lịch trọng điểm.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư hạ tầng giao thông tại các khu vực động lực phát triển du lịch; các tuyến đường bộ kết nối với các khu du lịch quốc gia và khu vực có tiềm năng phát triển du lịch, bảo đảm kết cấu hạ tầng đồng bộ cho các khu du lịch quốc gia; có cơ chế hỗ trợ đầu tư điểm dừng nghỉ trên các tuyến du lịch đường bộ và nâng cao năng lực kết nối phương tiện giao thông công cộng phục vụ phát triển du lịch.
Phối hợp với các hãng hàng không để tăng cường công tác xúc tiến, quảng bá du lịch Việt Nam.
Phối hợp với Bộ Xây dựng tiếp tục hoàn thiện các quy định, quy chuẩn, tiêu chuẩn, quy chế quản lý, kinh doanh đối với loại hình căn hộ khách sạn (condotel) và kinh doanh du lịch theo mô hình kinh tế chia sẻ; phối hợp thẩm định Quy hoạch chung xây dựng các khu du lịch quốc gia.
Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường đề xuất chính sách ưu đãi thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao.
Tổ chức tập huấn triển khai các kịch bản ứng phó đối với các trường hợp khẩn cấp liên quan đến môi trường, biến đổi khí hậu tác động đến du lịch.
Lồng ghép, tích hợp việc điều tra tài nguyên du lịch với các chương trình điều tra tài nguyên của ngành.
Đề xuất chính sách ưu đãi thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án du lịch
Phối hợp với Bộ Ngoại giao tăng cường phối hợp trong công tác xúc tiến quảng bá du lịch thông qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
Xây dựng, triển khai chương trình phối hợp với cơ quan du lịch quốc gia tại các thị trường trọng điểm, tiềm năng, cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội người Việt Nam ở nước ngoài.
Phối hợp với Bộ Công Thương thu hút đầu tư hình thành mạng lưới trung tâm mua sắm hiện đại tại các khu vực động lực phát triển du lịch.
Xây dựng cơ chế khuyến khích cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch sử dụng năng lượng tái tạo, tiết kiệm năng lượng, tài nguyên tự nhiên. Lồng ghép xúc tiến thương mại với xúc tiến quảng bá du lịch. Triển khai Chương trình thương hiệu quốc gia về du lịch. Đề xuất triển khai áp dụng giá điện trong cơ sở lưu trú bằng giá điện sản xuất.
Phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội để xây dựng cơ chế hỗ trợ năng lực các cơ sở đào tạo nghề du lịch; triển khai chương trình, đề án hỗ trợ nâng cao kỹ năng nghiệp vụ lao động nghề du lịch.
Thành lập Hội đồng nghề du lịch quốc gia, Hội đồng cấp chứng chỉ nghề du lịch để thực hiện nội dung cam kết trong Thỏa thuận thừa nhận lẫn nhau về nghề du lịch trong ASEAN; thành lập Trung tâm thẩm định nghề du lịch.
Lồng ghép các đề án, dự án phát triển du lịch trong Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững.
Đề xuất triển khai áp dụng giá điện trong cơ sở lưu trú bằng giá điện sản xuất
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nâng cao năng lực cho các cơ sở đào tạo bậc đại học và sau đại học về du lịch; rà soát, bổ sung, điều chỉnh mã ngành, chương trình, giáo trình đào tạo bậc đại học và sau đại học về du lịch.
Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông đẩy mạnh truyền thông về du lịch; hướng dẫn các cơ quan truyền thông đổi mới công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch trong xã hội.
Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ đẩy nhanh thực hiện chuyển đổi số trong ngành du lịch, hình thành và phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh.
Phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng và ưu tiên triển khai các chương trình, đề tài, đề án ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ phát triển du lịch.
Phối hợp với Bộ Y tế hướng dẫn quy trình kiểm soát và triển khai tập huấn việc đảm bảo an toàn cho khách du lịch đối với điểm đến du lịch trong trường hợp xảy ra dịch bệnh.
Bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt tại các địa bàn trọng điểm phát triển du lịch và trong mùa cao điểm du lịch. Xây dựng chính sách, tiêu chuẩn và hướng dẫn phát triển sản phẩm du lịch y tế, du lịch chăm sóc sức khỏe. Đề xuất áp dụng hộ chiếu vắcxin để thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam trong điều kiện bình thường mới.
Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa, phát triển du lịch nông thôn, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 đã được ký kết giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ VHTTDL.
Tăng cường xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch, mô hình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) gắn với phát triển du lịch, xây dựng điểm giới thiệu sản phẩm nông nghiệp phục vụ khách du lịch.
Xây dựng các mô hình phát triển nông nghiệp sạch gắn với phát triển du lịch
Xây dựng cơ chế chính sách phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên. Xây dựng quy định, hướng dẫn cụ thể về cho thuê môi trường rừng phục vụ phát triển du lịch.
Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu đề xuất chính sách hỗ trợ về lãi suất, tín dụng cho doanh nghiệp, cộng đồng và người dân tham gia kinh doanh du lịch phục hồi hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19. Triển khai các quy định về thanh toán điện tử trong hoạt động du lịch.
Phối hợp với Ủy ban Dân tộc lồng ghép và triển khai nội dung du lịch trong các nhiệm vụ thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng.
Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về du lịch qua các kênh truyền thông đại chúng. Tiếp tục tổ chức và nâng cao chất lượng các chương trình, chuyên mục du lịch trên các kênh truyền hình và phát thanh.
Phối hợp với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng, triển khai thực hiện các chiến lược, quy hoạch, đề án, chương trình, kế hoạch phát triển du lịch ở địa phương.
Tăng cường quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch. Hướng dẫn thực hiện các quy định của nhà nước để tăng cường quản lý điểm đến, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm tại các khu du lịch, điểm du lịch.
Tăng cường quản lý điểm đến, xây dựng môi trường du lịch thân thiện, lành mạnh và văn minh
Hướng dẫn phát triển du lịch cộng đồng; du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch làng nghề. Thúc đẩy các hoạt động liên kết phát triển sản phẩm du lịch, xúc tiến quảng bá và thu hút đầu tư du lịch.
Tăng cường đào tạo, tập huấn phát triển nguồn nhân lực du lịch tại chỗ, đảm bảo nhu cầu của doanh nghiệp du lịch theo tình hình mới. Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch. Hướng dẫn đánh giá, phân loại tài nguyên du lịch ở địa phương. Các địa phương tăng cường phối hợp, liên kết, phát huy hiệu quả liên vùng, khai thác tối ưu tiềm năng, thế mạnh của địa phương và của vùng để phát triển du lịch.
Phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Du lịch Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp tổ chức trao đổi, đối thoại với các doanh nghiệp, cộng đồng kinh doanh du lịch để nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp hỗ trợ. Đào tạo, tập huấn, nâng cao chất lượng nhân lực làm việc tại các doanh nghiệp du lịch theo các chuyên đề hàng năm.
Phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức các sự kiện du lịch tại Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM), các sự kiện xúc tiến du lịch trong và ngoài nước, đào tạo nhân lực du lịch và đề xuất cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp du lịch phục hồi, phát triển do tác động của dịch bệnh và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp du lịch.
Để triển khai các nội dung trong Chương trình hành động nhằm phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, Bộ VHTTDL trân trọng đề nghị các Bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp quan tâm, phối hợp thực hiện.
THÚY HÀ, ảnh BÌNH THUẬN, HOÀNG HÀ