Hút khách du lịch bằng kinh tế đêm: Cần tạo ra nhiều hơn sản phẩm dịch vụ
VHO - Với vẻ đẹp tự nhiên, đang trở thành điểm đến “thân thiện, an toàn” trong thời gian qua, cũng như để níu chân và hút du khách dài ngày, các chuyên gia du lịch nhìn nhận, Bình Định cần đầu tư mạnh mẽ, tạo ra nhiều sản phẩm dịch vụ, đặc biệt “phân khúc” các địa điểm trong TP Quy Nhơn để kinh tế đêm thật sự phát triển, phục vụ du lịch.
Đã bắt đầu hình thành
Dự kiến trong năm 2023, Bình Định phấn đấu thu hút đạt 5.000.000 lượt khách du lịch, tăng 21,4% so với năm 2022 và doanh thu đạt 16.400 tỉ đồng. Đến năm 2025, hút khách du lịch đến tỉnh ước đạt 8.000.000 lượt (trong đó có 6.500.000 lượt khách nội địa và 1.500.000 lượt khách quốc tế), đóng góp 20% GRDP của tỉnh và đưa vào hoạt động 8.380 phòng, nâng tổng số phòng đạt 25.000 phòng cũng thời gian lưu trú trung bình của khách du lịch 3,5 ngày.
Bình Định hút khách du lịch từ hoạt động trải nghiệm khoa học tại quảng trường Nguyễn Tất Thành, TP Quy Nhơn
Ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết: Hiện nay, tỉnh xác định du lịch là ngành “xương sống”, kinh tế mũi nhọn và là một trong năm trụ cột phát triển của Bình Định. Ngành Du lịch sẽ tạo động lực thúc đẩy sự phát triển của các ngành, lĩnh vực khác, góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh. Đặc biệt, đưa Bình Định trở thành điểm đến an toàn, có nét đặc trưng riêng, văn minh, thân thiện và hấp dẫn.
Hiện nay, tại Bình Định, đã và đang có những chủ trương, chính sách cởi mở hơn để thúc đẩy phát triển các hoạt động dịch vụ, hỗ trợ phát triển kinh tế ban đêm từ Trung ương. Đồng thời, các hoạt động, dịch vụ về đêm (giải trí, mua sắm, ăn uống, tham quan) đang dần hình thành và từng bước phát triển về số lượng cũng như chất lượng trên địa bàn TP Quy Nhơn như: các tuyến phố ẩm thực trên các tuyến đường Ngô Văn Sở, Phan Bội Châu, Hoa Lư, điểm bán hàng xe lưu động Lê Thánh Tôn, điểm Phục vụ giải khát kết hợp quảng bá du lịch tại bãi biển Sea Sand; Phố Văn hóa - Nghệ thuật trên đường Lê Đức Thọ; Chợ Đêm Quy Nhơn… Hiện nay, Sở Du lịch tỉnh này đã xây dựng “Đề cương đề án phát triển kinh tế ban đêm tỉnh Bình Định giai đoạn 2023 - 2025, định hướng đến năm 2030”.
Tuy nhiên đề cập đến thực trạng phát triển kinh tế ban đêm để hút khách du lịch, Sở Du lịch Bình Định cho hay, hiện chưa có khu vực được quy hoạch riêng biệt dành cho phát triển kinh tế ban đêm, một số dịch vụ còn xen lẫn với khu dân cư, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân. “Đa số các doanh nghiệp du lịch ở Bình Định quy mô vừa và nhỏ, chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực lưu trú, nghỉ dưỡng. Ngoài ra, chưa có dự án của nhà đầu tư lớn vào lĩnh vực vui chơi, giải trí về đêm quy mô lớn nằm tách biệt với khu dân cư để phát triển kinh tế đêm từ 6h tối ngày trước đến 6 giờ sáng hôm sau”, Sở Du lịch Bình Định chia sẻ.
Xây dựng nhiều sản phẩm dịch vụ để hút khách
Trong buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Định đầu tháng 2 vừa rồi, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, tỉnh Bình Định tiếp tục tập trung phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thu hút nguồn lực đầu tư hạ tầng du lịch, dịch vụ; phát triển các sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa, điều kiện tự nhiên; hình thành các tuyến, cụm du lịch.
Cũng tại buổi làm việc này, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng chia sẻ, du lịch Bình Định trở thành một hiện tượng phát triển bùng nổ về du lịch nội địa và du lịch quốc tế, đóng góp đáng kể vào thu ngân sách, khẳng định thương hiệu “điểm đến du lịch an toàn, thân thiện” mà nhiều năm qua Bình Định đã xây dựng.
Để du lịch tiếp tục trở thành 1 trong 5 trụ cột tăng trưởng, UBND tỉnh Bình Định đã ban hành kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Bình Định 2023 xác định các nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên triển khai thực hiện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch của tỉnh đó là, việc phát triển thị trường khách du lịch. Theo đó, địa phương cần tiếp tục đa dạng hóa thị trường khách du lịch, chú trọng phát triển các thị trường khách du lịch có khả năng chi trả cao. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra cho địa phương đó là làm sao tập trung xây dựng sản phẩm đặc thù mang đậm bản sắc địa phương, hướng đến mục tiêu là trung tâm kết nối du lịch của vùng duyên hải miền Trung và tìm các giải pháp cấp thiết trong việc bảo tồn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống.
Quán Sea Sand, điểm phục vụ giải khát kết hợp quảng bá du lịch tại bãi biển Quy Nhơn thu hút đông du khách về đêm
Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel cho rằng: “Các hãng du lịch khó đưa khách đến Bình Định, vì đến Bình Định có 2 sản phẩm cứng và sản phẩm mềm. Trong đó, sản phẩm cứng là từ văn hóa, lịch sử và sản phẩm mềm từ con người, có sẵn của địa phương”. Theo ông Kỳ, chúng ta nói có kinh tế đêm, song Bình Định thực ra chưa có. Con đường Xuân Diệu trong nội thành Quy Nhơn, chính là khu vực kinh tế ban đêm. “Cần chia khu vực Xuân Diệu ra để hình thành nhiều hoạt động văn hóa vùng miền, văn hóa ẩm thực, văn hóa truyền thống... Chưa kể, có thể sử dụng hệ thống văn hóa đường phố, văn hóa trẻ. Ở Quy Nhơn có nhiều trường học, chúng ta không thể lãng phí nguồn lực trẻ này”, ông Kỳ chỉ ra.
PHAN HIẾU