Hướng đi nào cho du lịch duyên hải miền Trung - Tây Nguyên? (Bài 1): Lãng phí tài nguyên du lịch
VHO- Hiện nay, nhiều dự án du lịch ở vùng Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên đã được quy hoạch, phê duyệt, cấp chủ trương đầu tư nhưng không triển khai trong thời gian dài, từ đó gây lãng phí tài nguyên đất. Trong đó, có nhiều dự án “đất vàng” nằm ở vị trí mặt biển giá trị lớn có sai phạm đã bị thu hồi nhưng vẫn bỏ hoang, ảnh hưởng mỹ quan và mất hình ảnh du lịch. Vậy đâu là hướng để tháo gỡ cũng như đòn bẩy phát triển các dự án du lịch Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên?
Một số dự án đầu tư ở Khu du lịch biển Mỹ Khê (Quảng Ngãi) không hiệu quả
Nhiều dự án du lịch đã được cấp phép, kỳ vọng là động lực để các tỉnh Duyên hải miền Trung - Tây Nguyên phát triển kinh tế, góp phần trở thành ngành mũi nhọn để các địa phương trong khu vực bứt phá. Tuy vậy, không ít dự án vẫn nằm trên giấy, gây lãng phí “đất vàng” du lịch.
Những “siêu” dự án trên… giấy
Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ có nhiều lợi thế trong phát triển du lịch, nhất là du lịch biển. Trong đó, biển Mỹ Khê có chiều dài 7km được xác định là một trong những bãi biển đẹp và có vị trí thuận lợi để khai thác du lịch. Theo thống kê, tại khu vực này có 5 dự án được cấp phép đầu tư vào du lịch, dịch vụ từ nhiều năm qua nhưng triển khai quá chậm hoặc không triển khai. Ông Nguyễn Văn Tín, người dân xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) chia sẻ: “Nghe phát triển du lịch người dân chúng tôi cũng mừng, nhưng chúng tôi xót xa khi phải gọi đây là khu du lịch “cao su”, kéo dài cả chục năm mà chẳng ra khu du lịch... Đã làm thì phải làm cho quyết liệt, làm đến nơi đến chốn”.
Ông Võ Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê (TP Quảng Ngãi) cho biết, các nhà đầu tư nhận đất xong không triển khai thi công theo như phê duyệt ban đầu, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân của địa phương. Doanh nghiệp quá chậm trong quá trình tổ chức triển khai thi công, một phần do năng lực nhà đầu tư và vướng mắc cơ chế đất đai qua các thời kì có nhiều bất cập.
Tại Bình Định, dự án du lịch Dview-Resort (năm 2010) và dự án du lịch Hòn khô (năm 2014) trên địa bàn xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn) được UBND tỉnh cấp phép đầu tư với kỳ vọng sẽ tạo động lực, làm thay đổi bộ mặt nông thôn để địa phương phát triển du lịch, đời sống của cư dân vùng biển được cải thiện tích cực. Nhưng nhiều năm liền, các dự án này vẫn nằm “trên giấy”. Thậm chí dự án du lịch Hòn Khô do Công ty TNHH Thương mại Khoáng sản Tấn Phát làm chủ đầu tư chưa có giấy phép vẫn vô tư xây dựng, khoan đục núi trên đảo, chính quyền địa phương và người dân lo lắng, dự án chưa được các cơ quan chức năng cấp phép xây dựng mà doanh nghiệp bất chấp triển khai như “trốn không người”, vì thế dễ dẫn đến phá hủy cảnh quan môi trường cũng như hệ sinh thái biển và cảnh quan thiên nhiên xung quanh đảo Hòn Khô. Ai sẽ chịu trách nhiệm? Trả lời câu hỏi này, ông Phan Viết Hùng, Phó Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Bình Định cho biết: “Thật ra dự án điểm du lịch Hòn Khô không quan trọng cho lắm, nên Ban không đôn đốc doanh nghiệp. Tuy nhiên, để tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án, vì thế Ban đồng ý cho doanh nghiệp triển khai xây dựng trước rồi “trả nợ” thủ tục sau”.
Còn tại tỉnh Kon Tum, thời gian qua, việc thu hút đầu tư đã giúp huyện Kon Plông thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, theo khảo sát, hiện trên địa bàn có rất nhiều dự án “treo” nhiều năm chưa triển khai. Nhà đầu tư làm dự án chỉ nhằm mục đích chiếm đất, giữ chỗ. Trước thực trạng đó, ngày 12.10.2020, Huyện ủy Kon Plông có báo cáo số 38, trong đó nhấn mạnh, có nhiều dự án, nhà đầu tư chưa đủ năng lực thực hiện dự án, triển khai chậm so với tiến độ đã cam kết, không đảm bảo về quy mô và mục tiêu của dự án; có tình trạng lợi dụng chính sách thu hút đầu tư để chiếm đất, giữ chỗ, bán sang nhượng dự án. Từ đó, Huyện ủy Kon Plông kiến nghị Thường trực Tỉnh ủy Kon Tum chỉ đạo UBND tỉnh thu hồi 8 dự án đầu tư treo trên địa bàn. Hiện đã có 3 dự án UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của liên ngành thu hồi các Quyết định đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Thông báo khảo sát lập dự án.
Lãng phí “đất vàng”
Trong khi người dân mong có nhiều diện tích đất để sử dụng với mục đích đầu tư sản xuất ổn định cuộc sống, thì suốt nhiều năm qua các chủ đầu tư “ôm đất” với mục đích phát triển du lịch nhưng lại bỏ hoang. Điều này gây bất bình trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Anh Nguyễn Thanh Trà, một du khách đến từ TP.HCM bày tỏ tiếc nuối: “Chúng tôi không khỏi nuối tiếc khi chứng kiến dải đất hàng chục ha bị bỏ hoang, bãi biển ở đây quá đẹp. Đây là dải đất “đắc địa” nhất ở Khu du lịch biển Mỹ Khê (xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) vì nằm ở vị trí trung tâm. Tôi chứng kiến sự hoang tàn, um tùm cỏ dại, nhà cửa xây dựng dang dở rồi bỏ hoang và vô số rác thải sinh hoạt...”. “Đây là khu đất vàng có tiềm năng về thương mại, du lịch nhưng lâu nay chưa khai thác được, chậm triển khai ảnh hưởng đến đời sống nhân dân và nhiệm vụ của địa phương. Khu vực này lại phát sinh vấn đề xả rác, tập kết rác thải trái quy định gây mất mỹ quan, địa phương huy động các lực lượng tổng vệ sinh môi trường để đảm bảo mỹ quan. Gây lãng phí tiềm năng, ảnh hưởng đến khách du lịch, nghỉ dưỡng ở bãi biển Mỹ Khê”, ông Võ Minh Chính, Chủ tịch UBND xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi chia sẻ.
Dự án trồng rừng, nuôi rong biển kết hợp du lịch sinh thái trên đảo Hòn Rùa (phường Vĩnh Hòa, TP Nha Trang, Khánh Hòa) do Công ty TNHH du lịch sinh thái (DLST) Hòn Rùa làm chủ đầu tư cũng đã bị thu hồi năm 2018. Công ty TNHH DLST Hòn Rùa được cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án từ năm 2003 trên diện tích hơn 14 ha, trong đó có 2,75 ha diện tích đất, 0,125 diện tích bãi biển và bãi đá, còn lại 11,3 ha là diện tích mặt nước biển liền kề, tổng nguồn vốn đầu tư 56 tỉ đồng. Sau khi được cấp giấy phép xây dựng vào tháng 8.2016, Công ty TNHH DLST Hòn Rùa triển khai thi công dự án nhưng đã gây ra nhiều sai phạm. Nghiêm trọng nhất là chủ đầu tư lấn vịnh Nha Trang ngoài ranh giới dự án được giao hơn 12.870m², thi công xây dựng trái phép đường giao thông nội bộ trên đảo Hòn Rùa ngoài ranh giới được giao 1.068m²...
Bài 2: Hàng loạt dự án sai phạm
NHƯ ĐỒNG - XUÂN HƯỚNG - NGỌC HÒA - PHAN HIẾU