Gói hỗ trợ hướng dẫn viên du lịch: Còn nhiều vướng mắc cần tháo gỡ
VHO- Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành Du lịch “đóng băng”, hàng nghìn hướng dẫn viên du lịch phải nghỉ việc hoặc không có việc làm, khiến cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn.
Gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng được kỳ vọng giúp người lao động và người sử dụng lao động vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt. Hướng dẫn viên du lịch là một trong những đối tượng được hỗ trợ. Mặc dù đã triển khai từ cuối tháng 7 nhưng đến nay không ít hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể tiếp cận do vướng mắc về điều kiện, thủ tục hồ sơ.
Thất nghiệp, hướng dẫn viên Lê Ngọc Huấn ở nhà chăm con
Hồ sơ đề nghị còn ít
Để tháo gỡ vướng mắc, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều công việc cụ thể, hình thức tuyên truyền rộng rãi, đồng thời tạo điều kiện tối đa để đội ngũ hướng dẫn viên du lịch tiếp cận được thông tin, tiến hành các bước quy trình để thụ hưởng chính sách. Ông Vũ Đình Sỹ, Trưởng ban quản lý di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh (Thanh Hóa) cho biết, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên 2 năm nay không có khách đến tham quan, thu nhập của cán bộ, người lao động trong đơn vị bị hạn chế, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên. Không có khách đồng nghĩa với việc nguồn thu của đơn vị không có, nên 3 trong 4 hướng dẫn viên phải luân phiên thay nhau đi làm nửa tháng một hoặc vất vả mưu sinh bằng những nghề khác. Sau khi có thông tin hướng dẫn viên sẽ được hỗ trợ từ gói 26.000 tỉ đồng của Chính phủ, đơn vị đã đấu mối, hướng dẫn, tạo điều kiện để hướng dẫn viên hoàn thiện hồ sơ để được hưởng hỗ trợ theo quy định. Đến nay, đơn vị đã có 3 hướng dẫn viên du lịch có quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh Thanh Hóa. “Đây là sự quan tâm, hỗ trợ, động viên kịp thời của Chính phủ đối với đội ngũ hướng dẫn viên. Đồng thời cũng là động lực để anh chị em hướng dẫn viên du lịch gắn bó với nghề, đảm bảo nguồn nhân lực của ngành du lịch sau khi dịch được khống chế”, ông Sỹ nói.
“Khi nhận quyết định được hỗ trợ tôi rất phấn khởi. Cảm ơn sự quan tâm kịp thời, đúng mức của Đảng, Nhà nước đối với đội ngũ hướng dẫn viên du lịch, đây sẽ động lực để chúng tôi cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn, chờ đến khi ngành du lịch phục hồi trở lại”, chị Hoàng Thị Hiền, hướng dẫn viên du lịch ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Lam Kinh chia sẻ.
Theo Sở VHTTDL Thanh Hóa, dự kiến sẽ có 195 hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ theo Nghị quyết 68 của Chính phủ. Tuy nhiên, đến nay số lượng hướng dẫn viên du lịch tiếp cận, gửi hồ sơ về Sở VHTTDL Thanh Hóa đề nghị hỗ trợ còn rất ít, đến ngày 12.8 mới có 10 hồ sơ. Nguyên nhân là do phần lớn hướng dẫn viên làm tự do, hợp đồng thời vụ và hợp đồng theo tour. Trong khi đó, theo quy định, đối tượng, điều kiện để được hỗ trợ phải là hướng dẫn viên du lịch có thẻ hướng dẫn viên du lịch được cấp tại Sở VHTTDL, còn giá trị đến thời điểm nộp hồ sơ. Có hợp đồng lao động với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành hoặc doanh nghiệp cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch hoặc là hội viên của các tổ chức xã hội - nghề nghiệp về hướng dẫn du lịch đối với hướng dẫn viên du lịch quốc tế và hướng dẫn viên du lịch nội địa.
Nhiều vướng mắc
Anh Lê Ngọc Huấn ở phường Lam Sơn, TP Thanh Hóa, vốn là hướng dẫn viên tự do. Trong thời gian qua, ngành Du lịch bị ảnh hưởng nặng nề, hàng loạt hướng dẫn viên Du lịch tự do như anh trong 2 năm nay không có việc. Trong thời gian này, anh ở nhà trông con nhỏ 6 tuổi để vợ đi làm. Vui vì hướng dẫn viên nằm trong đối tượng được hỗ trợ, nhưng khi biết điều kiện để được hưởng hỗ trợ, anh hết sức băn khoăn, hụt hẫng. Anh Lê Sỹ Tâm, Phó Chủ nhiệm một câu lạc bộ hướng dẫn viên du lịch trên địa bàn Thanh Hóa cho biết: “Ngoài số hướng dẫn viên du lịch có thẻ, được ký hợp đồng, đại đa số hướng dẫn viên không đủ điều kiện trợ cấp hầu hết là dạng tự do, không là thành viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Thực trạng này không chỉ riêng Thanh Hóa mà ở hầu hết các tỉnh trong cả nước đều có”.
Thông tin về vấn đề này, bà Vương Thị Hải Yến, Phó giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa cho biết: “Đặc thù của du lịch mang tính mùa vụ nên phần lớn hướng dẫn viên du lịch là lao động tự do, cộng tác với các công ty lữ hành nên rất khó có hợp đồng làm việc như theo quy định”. Theo bà Yến, ngoài hợp đồng với công ty, thì các đối tượng được hưởng hỗ trợ cần có một trong hai điều kiện là thẻ hành nghề hướng dẫn viên hoặc có thẻ hội viên Hiệp hội Du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào điều kiện trên thì đại đa số hướng dẫn viên sẽ không đủ để tiếp cận gói hỗ trợ. Để đảm bảo quyền lợi cũng như không thiệt thòi cho hướng dẫn viên du lịch, Sở VHTTDL Thanh Hóa đã tìm hướng tháo gỡ bằng cách tuyên truyền, động viên để hướng dẫn viên tham gia là thành viên của Hiệp hội Du lịch.
“Để tiếp tục tháo dỡ khó khăn, vướng mắc trong thực hiện hồ sơ đề nghị hỗ trợ kinh phí cho hướng dẫn viên du lịch theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Sở cũng đã có văn bản đề nghị HHDL tỉnh khẩn trương đấu mối với Hiệp hội Du lịch Việt Nam, Hội Hướng dẫn viên Du lịch Việt Nam nhằm tạo điều kiện rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục cấp thẻ hội viên cho hướng dẫn viên du lịch Thanh Hoá có nhu cầu để hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ…”, bà Yến cho biết thêm.
NGUYỄN LINH