Đưa Thực hành Then và Nghệ thuật gốm Chăm đến giữa lòng Hà Nội
VHO - Ngày 27.12, tại Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật 22 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm, Hà Nội), Trung tâm Thông tin Du lịch (Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam) đã tổ chức khai mạc chương trình giới thiệu và trưng bày hai di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc được UNESCO công nhận: “Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái” và “Nghệ thuật làm gốm của người Chăm”.
Chương trình có sự hiện diện của ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; ông Phan Thanh Nam, Phó Tổng Biên tập Báo Văn hóa; đại diện các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; đại diện lãnh đạo các phòng thuộc Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, các cơ quan quản lý du lịch địa phương; đại diện UBND quận Hoàn Kiếm, Ban Quản lý Hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội; các hiệp hội, cơ sở đào tạo, doanh nghiệp du lịch, các chuyên gia, nhà khoa học, nghệ nhân trong lĩnh vực di sản, văn hóa, các cơ quan truyền hình, báo chí…
Lan tỏa giá trị di sản văn hóa đến công chúng
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Lê Phúc, Phó Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, nhấn mạnh vai trò của du lịch văn hóa trong chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Theo ông, các giá trị di sản không chỉ là nền tảng cho sự phát triển đất nước mà còn đóng góp quan trọng trong việc quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới, thúc đẩy du lịch bền vững.
Việt Nam, với kho tàng di sản phong phú, đã được Tổ chức Giải thưởng Du lịch Thế giới (World Travel Awards) vinh danh là "Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới" năm lần liên tiếp tính đến 2024. Sự kiện lần này tiếp tục khẳng định nỗ lực của ngành du lịch trong việc kết hợp bảo tồn văn hóa với phát triển du lịch, đưa di sản đến gần hơn với công chúng trong nước và quốc tế.
“Thông qua chương trình này, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam mong muốn các địa phương, điểm đến, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch và cộng đồng sẽ cùng chung tay bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đưa di sản thực sự trở thành vốn quý để quảng bá hình ảnh Việt Nam, thu hút du khách đến tham quan và trải nghiệm những giá trị quý báu của văn hóa dân tộc”, Phó Cục trưởng Nguyễn Lê Phúc nhấn mạnh.
Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Quang Thanh từ Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam khẳng định, các di sản văn hóa phi vật thể như Thực hành Then, Nghệ thuật làm gốm Chăm, hay Nghệ thuật Xòe Thái đều mang ý nghĩa quan trọng trong việc lưu giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng dân tộc thiểu số. Hát Then, với sự đa dạng từ phong cách da diết của Cao Bằng, hùng tráng của Tuyên Quang đến sôi nổi của Lạng Sơn, đã trở thành cầu nối văn hóa giữa các cộng đồng dân tộc.
Trong khi đó, Nghệ thuật làm gốm của người Chăm, với các sản phẩm thủ công độc đáo từ làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận), không chỉ thể hiện giá trị nghệ thuật mà còn phản ánh đời sống và tâm hồn của dân tộc Chăm qua từng đường nét.
PGS.TS Trương Văn Món từ Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh chia sẻ thêm, cộng đồng người Chăm ở Ninh Thuận, Bình Thuận và Tây Ninh đã đóng góp đáng kể vào di sản văn hóa quốc gia, đặc biệt thông qua các làng nghề truyền thống như gốm Bàu Trúc và dệt thổ cẩm Mỹ Nghiệp.
Kết nối di sản với phát triển du lịch bền vững
Mang di sản văn hóa hát Then đến với khán giả Thủ đô, đại diện Làng văn hoá du lịch cộng đồng Quỳnh Sơn và Câu lạc bộ Then xã Bắc Quỳnh (Lạng Sơn) chia sẻ: “Di sản hát Then được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể là vinh dự lớn lao của người dân tộc Tày tại Lạng Sơn nói riêng và cộng đồng các dân tộc Tày, Nùng, Thái tại các tỉnh miền núi phía Bắc nói chung. Với trách nhiệm của cộng đồng dân tộc, để bảo vệ, gìn giữ và đưa di sản hát then gắn với phát triển du lịch cộng đồng, chúng tôi mong muốn các cấp, các ngành quan tâm tạo điều kiện giúp đỡ tổ chức các lớp tập huấn về du lịch cộng đồng cho địa phương để thế hệ trẻ tiếp nối bảo tồn di sản văn hoá một cách bền vững. Đồng thời hy vọng các doanh nghiệp du lịch tổ chức nhiều hơn nữa tour du lịch cộng đồng góp phần tạo sinh kế cho người dân qua đó tiếp tục phát huy di sản của dân tộc Tày địa phương”.
Vui mừng thông tin tại chương trình, đại diện làng gốm Bàu Trúc (Ninh Thuận) nghệ nhân Châu Thị Tình cho biết, việc di sản văn hóa làm gốm của người Chăm được UNESCO công nhận đã góp phần giúp địa phương thu hút khách du lịch, với việc mang di sản đến Thủ đô lần này bà Tình mong muốn trong thời gian tới sản phẩm văn hóa gắn với du lịch cộng đồng sẽ được lan tỏa đến rộng rãi công chúng, thúc đẩy du khách đến Ninh Thuận khám phá trải nghiệm nhiều hơn nữa.
Trong khuôn khổ chương trình, các đại biểu được thưởng thức các tiết mục biểu diễn hát Then độc đáo của nghệ nhân Tày và quy trình làm gốm tinh xảo do nghệ nhân Chăm thực hiện. Không gian trưng bày còn giới thiệu các hiện vật quý giá, nhạc cụ truyền thống và ẩm thực đặc sắc của từng vùng miền, tạo nên trải nghiệm phong phú và đa chiều cho khách tham quan.
Sự kiện không chỉ là cơ hội để công chúng Thủ đô hiểu thêm về các di sản văn hóa phi vật thể mà còn góp phần quan trọng trong việc khai thác giá trị di sản để phát triển du lịch. Theo ông Hoàng Quốc Hòa, Giám đốc Trung tâm Thông tin Du lịch, các di sản này cần được chuyển hóa thành những sản phẩm du lịch hấp dẫn nhằm tăng sức hút đối với du khách trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao vai trò của cộng đồng trong việc bảo tồn di sản văn hóa.
Thông qua các hoạt động giao lưu và quảng bá, chương trình hướng đến mục tiêu dài hạn: gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, đồng thời thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.