Đà Nẵng bàn giải pháp phát triển ngành khách sạn

NHẠC DUY HẠ

VHO - Hội Khách sạn Đà Nẵng thông tin vừa tổ chức Hội thảo “Giải pháp và chiến lược cho ngành khách sạn” trong ngày 9.12.2024, với sự tham dự của hơn 300 lãnh đạo và quản lý cấp cao thuộc các khách sạn trên địa bàn.

Đà Nẵng bàn giải pháp phát triển ngành khách sạn - ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Chủ tịch Hội Khách sạn chia sẻ, Đà Nẵng hiện là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, có hệ thống cơ sở lưu trú đa dạng, với hơn 46 ngàn phòng tiêu chuẩn, trong đó có hơn 21 ngàn phòng đạt chuẩn 4 – 5 sao.

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệc, du lịch các địa phương đều phải định hình lại những chiến lược tổ chức của mình, trong đó yêu cầu tăng cường chất lượng dịch vụ lưu trú là một vấn đề nan giải. Do đó, Hội Khách sạn Đà Nẵng, với tinh thần kết nối, chia sẻ, mạnh dạn tổ chức sự kiện hội tụ các doanh nghiệp hội viên, cùng đặt ra yêu cầu tự thay đổi và cùng thay đổi, đảm bảo năng lực cạnh tranh.

Phản ảnh hai chiều

Ông Nguyễn Đức Quỳnh nhấn mạnh: “Đây là hội thảo chuyên đề tính chất hai chiều, một hướng các thông tin sẽ được những diễn giả uy tín chia sẻ, hướng ngược lại là những câu hỏi, vướng mắc được các đại biểu tham dự đặt ra, tạo nên những nội dung thảo luận từ lãnh đạo sở ngành đến cán bộ quản lý các khách sạn tại Đà Nẵng. Qua đó, mọi người cùng nhìn thấy những điểm cần thiết phải bổ sung, xây dựng trong các chiến lược phát triển dài hạn, cùng nhau hợp tác làm gia tăng sức cạnh tranh và khẳng định vị thế của ngành du lịch thành phố trong thời gian tới”.

Theo gợi ý này, hội thảo đã diễn ra với 3 phiên trình bày chính.

Phiên cơ sở với chủ đề “Tình hình kinh doanh và dự báo cho năm 2025”, do diễn giả Lã Thị Hải Hà, cán bộ quản lý vùng của mạng lưới Agoda điều hành, nhằm mang đến cái nhìn toàn diện về thị trường du lịch năm 2024, chỉ ra những xu hướng chính trong năm 2025, cùng các cơ hội và thách thức mà ngành khách sạn cần đối mặt.

Phiên thứ hai có chủ đề “Kế hoạch và chiến lược du lịch Đà Nẵng năm 2025” do bà Nguyễn Thị Hồng Thắm, Trưởng phòng Quản lý Lữ hành (sở Du lịch Đà Nẵng) điều hành, với nội dung chia sẻ kế hoạch phát triển ngành du lịch Đà Nẵng trong năm 2025. Những dự báo và thông tin được đưa ra nhằm tập trung vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ của các cơ sở lưu trú, tìm hướng mở rộng thị trường quốc tế và thu hút khách du lịch cao cấp.

Phiên thứ ba với chủ đề “Quản trị tài chính hiệu quả: Nền tảng vững chắc cho phát triển bền vững” do bà Phan Uyên Trang, Giám đốc Tài chính khách sạn Caravelle Sài Gòn làm diễn giả. Phiên họp đã cung cấp những giải pháp thiết thực về quản trị tài chính du lịch, nhấn mạnh vai trò của việc kiểm soát chi phí và tối ưu nguồn lực giúp doanh nghiệp vận hành bền vững.

Theo các diễn giả, dù chỉ diễn ra một ngày, nhưng những vấn đề đưa ra như vậy, có tính hai chiều, nghiêm túc đặt ra được những yêu cầu nhìn nhận thực tiễn với các đơn vị khách sạn, lưu trú trên địa bàn Đà Nẵng.

Cần những hợp tác chiều sâu

Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, sự kiện do Hội Khách sạn Đà Nẵng thực chất chỉ mới đặt ra được những vấn đề từ các góc nhìn chiến lược và kinh nghiệm thực tiễn của mỗi doanh nghiệp. Hội thảo này cũng là dịp để lãnh đạo trong ngành và các đơn vị kết nối với nhau, cùng trao đổi và hướng đến xây dựng các mối quan hệ hợp tác lâu dài.

“Hợp tác lâu dài, là câu chuyện mà chúng tôi muốn nói đến”. Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng bày tỏ. Ông cho rằng, những nỗ lực tổ chức, hoạt động của các hiệp hội, thành viên trên địa bàn Đà Nẵng, và mở rộng ra các địa phương xung quanh, về các vấn đề duy trì ổn định, tìm ra các giải pháp phát triển, thu hút du lịch gần đây, là cực kỳ cần thiết.

Xu thế du lịch thế giới, trong khu vực, và chính từ thực tế nội địa, đang đòi hỏi phải có những khác biệt về cách tổ chức, điều hành cùng đầu tư chi phí của ngành du lịch phải sát sườn, cụ thể nhu cầu du khách hơn. Mà trong đó, lưu trú với các điều kiện ngày càng chặt chẽ hơn, phải được đầu tư nghiêm túc.

Đà Nẵng bàn giải pháp phát triển ngành khách sạn - ảnh 2

Đơn giản trước đây, việc một đơn vị lữ hành chọn điểm dừng lưu trú cho du khách ban đêm, có thể chỉ xét đến địa điểm khách sạn có chất lượng dịch vụ ra sao. Nhưng đến nay, yêu cầu đó phải mở rộng ra cả khung cảnh bao quanh khách sạn đó thế nào, có những dịch vụ bổ sung hay không, rồi cuộc sống cư dân khu vực đó, có an toàn an ninh, có đảm bảo tìm được những điểm hấp dẫn về văn hóa, sinh hoạt giúp du khách tăng thêm cảm xúc trải nghiệm.

“Du khách giờ đây đâu chỉ có đi chơi, tham quan nhìn ngó, thưởng thức món ăn rồi về ngủ. Họ cần nhiều nhu cầu hơn, kể cả không khí hít thở cho một cuộc tản bộ lúc đêm về. Nên không gian các điểm lưu trú không thể khô cứng nữa và phải có sự hòa hợp, hiện diện của thiên nhiên”.

Giám đốc một cơ sở lưu trú 5 sao giữa trung tâm Đà Nẵng thổ lộ như vậy, và theo ông này, tư duy cũ của một giai đoạn phát triển nóng, toàn bộ trung tâm Đà Nẵng chỉ có những khách sạn với phòng ngủ, hành lang nhỏ hẹp, thiếu cả những chậu hoa trong tiền sảnh đón khách, là đã đến lúc phải đổi khác hoàn toàn.

Với một hướng nhu cầu phát triển như vậy, có thể nói, nhiều cơ sở khách sạn ở Đà Nẵng, triển khai từ năm 2014 đến nay, phải thừa nhận có tính lạc hậu. Song để tìm kiếm được nguồn lực đầu tư, cải tạo mới, thì không phải đơn vị lưu trú nào cũng làm được. Theo ông Nguyễn Đức Quỳnh, điều này đòi hỏi các đơn vị khách sạn phải “cởi mở hơn”, nhìn thẳng vào những hạn chế của mình, để tăng cường kêu gọi, thu hút những nhà đầu tư hợp tác.

Theo đó, sức mạnh tài chính, năng lực điều hành… là những “cánh cửa mở” để các khách sạn Đà Nẵng gặp gỡ được nhiều nhà đầu tư hơn, gồm chính những đơn vị có năng lực ở địa bàn, lẫn những chủ đầu tư mới từ nơi khác đến. Ngành khách sạn địa phương, vì thế phải mạnh dạn đưa ra nhiều thông điệp hơn, tổ chức nhiều cơ hội tiếp xúc hơn nữa, mới thực sự nắm chắc được các cơ hội mới, về phía tương lai. Hội thảo mới diễn ra, vì thế chỉ là một nút nhấn khởi đầu.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc