Chương trình điều tra thống kê quốc gia: Sẽ có 2 nội dung liên quan đến du lịch
VHO- Phó Thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 3/2023/QĐ-TTg ngày 15.2.2023 ban hành Chương trình điều tra thống kê quốc gia. Chương trình sẽ bao gồm 45 cuộc điều tra.
Bộ VHTTDL chủ trì điều tra thông tin khách du lịch nội địa Ảnh: HÒA BÌNH
Bộ VHTTDL được giao chủ trì cuộc điều tra thông tin khách du lịch nội địa và phối hợp với Bộ KH&ĐT điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam.
Bộ VHTTDL chủ trì điều tra thông tin khách du lịch nội địa
Theo Quyết định này, Chương trình điều tra thống kê quốc gia gồm 45 cuộc điều tra, khảo sát trong đó có 3 cuộc tổng điều tra thống kê quốc gia và 42 cuộc điều tra thống kê ở các lĩnh vực khác nhau. Trong đó, Nhóm 3 điều tra công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ và vốn đầu tư, gồm 8 cuộc điều tra: Điều tra ngành công nghiệp; Điều tra năng lực sản xuất của một số sản phẩm công nghiệp; Điều tra hoạt động xây dựng; Điều tra hoạt động thương mại và dịch vụ; Điều tra loại hình hạ tầng thương mại phổ biến; Điều tra thông tin khách du lịch nội địa; Điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam; Điều tra vốn đầu tư thực hiện.
Như vậy có 2 cuộc điều tra liên quan đến lĩnh vực du lịch, gồm điều tra thông tin khách du lịch nội địa do Bộ VHTTDL chủ trì và điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam do Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) chủ trì.
Điều tra thông tin khách du lịch nội địa là điều tra chọn mẫu khách du lịch nội địa tại các khu, điểm du lịch trong nước. Đơn vị điều tra là khách du lịch nội địa tại các điểm du lịch; cơ sở lưu trú, đơn vị lữ hành. Mục đích là thu thập thông tin khách du lịch nội địa tại các khu, điểm du lịch nhằm biên soạn chỉ tiêu thống kê quốc gia về lĩnh vực du lịch, đáp ứng nhu cầu thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chiến lược, quy hoạch vùng và chính sách phát triển du lịch của các cấp, các ngành. Nội dung điều tra tập trung vào các nhóm thông tin chung về nhân khẩu học (độ tuổi, giới tính, nghề nghiệp…); thông tin đặc điểm chuyến đi du lịch (hình thức tổ chức, phương tiện sử dụng, hình thức lưu trú…) và đánh giá của khách du lịch về cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện vật chất, dịch vụ của khu, điểm du lich; thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1706 “Số lượt khách du lịch nội địa” do Bộ VHTTDL chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp. Thời kỳ, thời điểm điều tra được thực hiện theo chu kỳ hằng năm, theo mùa du lịch.
Cuộc điều tra chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam do Bộ KH&ĐT (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với Bộ VHTTDL thực hiện. Mục đích là thu thập thông tin về tổng mức chi tiêu và những khoản chi tiêu chủ yếu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam, từ đó làm cơ sở tính mức chi tiêu bình quân chung và cơ cấu chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam, đồng thời là cơ sở để suy rộng một số chỉ tiêu chủ yếu về du lịch, xuất khẩu dịch vụ du lịch, đáp ứng yêu cầu Hệ thống tài khoản quốc gia (SNA) và các yêu cầu khác của người dùng tin.
Điều tra được thực hiện qua việc chọn mẫu khách du lịch, khách quốc tế đang nghỉ tại các cơ sở lưu trú. Đơn vị điều tra là khách du lịch, khách quốc tế đang nghỉ tại các cơ sở lưu trú; hộ dân cư; các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch lữ hành, các cơ sở kinh doanh dịch vụ lưu trú. Nội dung điều tra tổng thu mức chi tiêu và một số khoản chi tiêu của khách du lịch, khách quốc tế đến Việt Nam như: Chi đi lại, chi ăn uống, chi lưu trú, chi tham quan, chi cho các dịch vụ văn hóa, vui chơi giải trí, chi cho y tế bảo vệ sức khỏe, chi mua hàng hóa. Một số nhận xét đánh giá của khách quốc tế đối với cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện vật chất, dịch vụ của các cơ sở lưu trú tại Việt Nam. Thu thập chỉ tiêu thống kê quốc gia mã số 1009, 1707, 1708, 1709. Thời kỳ, thời điểm điều tra được thực hiện theo chu kỳ hằng năm, theo mùa du lịch.
Số liệu thống kê là cơ sở để đặt ra mục tiêu và lộ trình phát triển
Trao đổi với Văn Hóa, đại diện Hiệp hội du lịch, các doanh nghiệp du lịch đều cho rằng, thống kê du lịch có vai trò đặc biệt quan trọng trong công tác quản lý và hoạch định chính sách phát triển ngành. Các số liệu thống kê thu được, đặc biệt là chỉ tiêu về giá trị đóng góp của du lịch trong GDP, góp phần then chốt khẳng định vai trò và vị trí của du lịch là một ngành kinh tế quan trọng. Đây cũng chính là cơ sở để có thể đặt ra mục tiêu và lộ trình phát triển ngành Du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Trước dịch Covid-19, công tác thống kê du lịch đã được triển khai tích cực ở các cấp từ trung ương đến cơ sở, trong đó đã hình thành hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành Du lịch, xây dựng và triển khai chế độ cáo cáo thống kê du lịch, triển khai các cuộc điều tra du lịch và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê du lịch.
Tuy nhiên, thực trạng công tác thống kê du lịch ở cả Trung ương lẫn địa phương còn nhiều bất cập, chưa đánh giá một cách đầy đủ đóng góp của ngành Du lịch vào nền kinh tế. Công tác thống kê còn bị xem nhẹ, phương pháp điều tra thiếu khoa học và chất lượng đội ngũ nhân lực còn yếu và thiếu. Không phải địa phương nào, doanh nghiệp nào cũng tham gia và có báo cáo thống kê du lịch mặc dù hệ thống chỉ tiêu và chế độ báo cáo thống kê du lịch đã quy định trong Luật Thống kê 2015 và Luật Du lịch 2017. Việc triển khai áp dụng Tài khoản vệ tinh du lịch tại các địa phương, đặc biệt là các địa phương trọng điểm về du lịch cũng chưa được thực hiện, mặc dù Đề án triển khai áp dụng tài khoản vệ tinh du lịch tại Việt Nam đã được xây dựng từ hơn chục năm trước.
Với việc thống kê du lịch được đưa vào hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia cho thấy tầm quan trọng của công tác thống kê trong lĩnh vực du lịch, từ đó xác định vị trí và đóng góp của du lịch trong nền kinh tế ở tầm quốc gia, góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.
THÚY HÀ