"Điểm trắng” nơi… Mường Khương? (Kỳ 2):

Chỉ tại không ai đầu tư!

NGỌC TRUNG

VHO - Có một câu nói, “đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Đường lên Y Tý (Bát Xát, Lào Cai) khó khăn hơn nhiều so với Mường Khương, nhưng du khách cũng chẳng “ngại núi e sông”. Vậy, điều gì khiến du khách ít đến Mường Khương?

Chỉ tại không ai đầu tư! - ảnh 1

 Vẻ hùng vĩ của thác Páo Tủng ở huyn Mưng Khương

 Theo ông Hà Văn Thắng, Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai, những nguyên nhân cơ bản khiến các điểm du lịch của huyện Mường Khương bị thu hồi là “không được đầu tư phát triển cũng như quản lý, khai thác, phát huy giá trị của điểm du lịch đã được công nhận; không duy trì đảm bảo các điều kiện của điểm du lịch và hồ sơ đề nghị công nhận điểm du lịch không được bổ sung mới theo quy định của Luật Du lịch”. Sự nhận diện này liệu đã xác đáng?

Không chốn dừng chân

Từ TP Lào Cai lên thị trấn Mường Khương khoảng 60km, mất độ một giờ chạy xe. Trên đường, chúng tôi bắt gặp khá nhiều xe khách khá cũ kỹ, không phù hợp để vận chuyển khách du lịch, tiếp nữa là cơ sở lưu trú. Theo số liệu năm 2023, trên địa bàn huyện có 10 cơ sở lưu trú với 93 phòng và 143 giường, cơ bản đảm bảo phục vụ khách du lịch. Tuy nhiên, qua kiểm tra về công tác về an toàn phòng cháy, chữa cháy có 5/10 cơ sở chưa đạt. Hai cơ sở dừng hoạt động kinh doanh lưu trú do không khắc phục được phòng cháy, chữa cháy. Hiện chỉ còn 8 cơ sở lưu trú, với 80 phòng, 124 giường.

Cũng vì thế, việc du khách đặt phòng khá khó khăn. Hầu hết các ứng dụng đặt phòng phổ biến đều không có bất cứ thông tin gì về các cơ sở lưu trú trên địa bàn huyện Mường Khương. May mắn khi truy cập ứng dụng Google Map để tìm đường, chúng tôi liên hệ được với một “khách sạn”. Sở dĩ chúng tôi phải để trong dấu ngoặc kép vì không chắc đấy là “khách sạn”. Ngoài cơ sở này không còn khách sạn nào trên địa bàn thị trấn, cố tìm chỉ thấy thêm vài cái nhà trọ, nhà nghỉ bình dân. Vấn đề về phương tiện vận chuyển và địa điểm lưu trú chưa bất cập bằng sự vất vả trong việc tìm kiếm điểm du lịch. Cổng thông tin điện tử huyện Mường Khương không hề có mục thông tin du lịch cho du khách tham khảo. Không chỉ vậy, các nơi từng được công nhận là điểm du lịch cũng chẳng hề có biển báo hay biển chỉ dẫn hay được định danh trên các ứng dụng chỉ đường thông dụng. Mường Khương trở nên xa lắc có lẽ phần nào vì sự thiếu quan tâm của các cấp chứ đừng vội đề cập đến chuyện “ngân sách eo hẹp”, như cái cách Phó Chánh Văn phòng UBND huyện hay Trưởng Phòng VHTT huyện Mường Khương trả lời với chúng tôi.

Đường đi không “điểm đến”

Điểm du lịch Hàm Rồng (gồm hang động, thác nước Hàm Rồng và chợ phiên trung tâm huyện Mường Khương), một trong ba điểm du lịch bị thu hồi, vốn nằm ngay trong thị trấn huyện lỵ. Tuy vậy, cách duy nhất là hỏi đường người dân địa phương, đa số là đồng bào dân tộc thiểu số. Có người không biết điểm du lịch này ở đâu. Có người chỉ… sai đường, khiến chúng tôi nhầm tưởng thác Sảng Chảy là thác Hàm Rồng.

 Đi kiểm tra cả ba điểm thì cả ba điểm gần như chưa được đầu tư gì cả. Ngay như động Hàm Rồng là di tích danh thắng quốc gia nhưng đến việc đầu tư đường vào cũng không có. Ngay cả những cái ấy cũng không được đầu tư thì rất khó, vì huyện Mường Khương là huyện nghèo. Nguồn lực không có…

(Ông TRẦN VĂN THÁI, Trưởng phòng VHTT huyện Mường Khương)

Ghé Sảng Chảy, đường đi vào thác là bờ kênh khiến chúng tôi hết hồn, hết vía. Đâu ngờ, đường vào động Hàm Rồng càng “kinh hãi” hơn. Vấn đề này đã được chúng tôi đề cập trong bài viết Mọi đường vào đều bị “phong tỏa” (Báo Văn Hóa số 84, ra ngày 12.7.2024). Trả lời phóng viên Văn Hóa, ông Trần Văn Thái, Trưởng phòng VHTT huyện Mường Khương cho biết: “Đi kiểm tra cả ba điểm thì cả ba điểm gần như chưa được đầu tư gì cả. Ngay như động Hàm Rồng là di tích danh thắng quốc gia, nhưng đến việc đầu tư đường vào cũng không có. Ngay cả những cái ấy cũng không được đầu tư thì rất khó, vì huyện Mường Khương là huyện nghèo, nguồn lực không có. Mường Khương có hai hệ thống hang động lớn tại Na Măng và Hàm Rồng, còn rất nguyên sơ. Kể cả Sở Du lịch mấy lần vào khảo sát vẫn nói rằng chưa có nguồn kinh phí. Kinh phí khảo sát chỉ có 1 tỉ thôi thì chẳng thấm vào đâu được. Rất khó để có nguồn lực đầu tư phát triển du lịch. Huyện cũng đã mời gọi doanh nghiệp vào khảo sát nhưng từ đợt khảo sát ấy đến nay đã một năm cũng chưa có thông tin phản hồi”.

Động Hàm Rồng đón dòng sông Chảy đi qua và đổ ra tạo thành thác Hàm Rồng, hay còn gọi là thác Páo Tủng, hùng vĩ đến ngỡ ngàng trên đường đi Văn Leng, điểm du lịch khác bị thu hồi. Tương tự điểm du lịch Hàm Rồng, muốn đến điểm du lịch Văn Leng (gồm làng văn hóa Văng Leng, xã Tung Chung Phố và hang động Nấm Oọc, xã Nấm Lư) cũng chỉ có cách vừa đi vừa hỏi đường. Mất một ngày tìm Hàm Rồng, chúng tôi đành hẹn Văn Leng vào hôm sau, dù nơi này chỉ cách huyện lỵ chừng 7-8km. Thôn Văng Leng, xã Tung Chung Phố được huyện Mường Khương định hướng xây dựng mô hình làng văn hóa dân tộc Nùng nhằm huy động sự chung tay của người dân trong việc giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Người dân nơi đây vẫn lưu giữ nhiều nét đẹp truyền thống, như hát dân ca, nghề may, thêu và nhiều phong tục, tập quán truyền thống. Ngoài ra, Văn Leng trước đây còn mang nét trầm mặc, hoài cổ bởi những mái nhà lợp ngói âm dương. Đường vào Văn Leng mới thật mê đắm lòng người. Con đường độc đạo được đổ bê tông nên khá dễ đi, uốn lượn giữa thung lũng và sườn núi, một bên là những khoanh ruộng bậc thang, một bên là những tán cây cổ thụ cao tựa chọc trời. Ấn tượng nhất là dòng thác Páo Tủng như thể: “Nước bay thẳng xuống ba nghìn thước/ Tưởng dải Ngân Hà tuột khỏi mây”, như một câu thơ của nhà thơ Lý Bạch. Càng đi, càng ngắm vẻ nguyên sơ hùng vĩ ấy, càng không khỏi tiếc nuối vì cảnh đẹp như vậy lại chưa được nhiều du khách biết tới.

Buồn hơn nữa vì tới Văn Leng, vẻ u tịch còn đó nhưng mái ngói âm dương đã biến mất dần. Hình ảnh mái ngói đều tăm tắp như vảy cả ám khói lam chiều chỉ còn trong lời kể. Vì giông gió, vì thời gian, vì điều kiện kinh tế, người dân thôn Văn Leng phải thay mái ngói âm dương bằng mái tôn, fibro xi măng. Trưởng phòng VHTT huyện Mường Khương lại cho rằng: “Làng văn hóa Văn Leng đợt trước làm nhà trình trường, bây giờ đã vỡ hết vì giông lốc, mưa bão. Đặc thù là nhà người Nùng ở đây cũng không được đẹp. Ở Hà Giang lại khác Mường Khương, người dân ở đây chăn nuôi vẫn nhiều. Thế nên cảnh quan thiên nhiên lẫn công tác vệ sinh môi trường không được đảm bảo”. Anh Trần Sơn Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch Lào Cai cũng nói rằng, ba điểm du lịch này... thì thôi, để lúc nào điểm du lịch có tiềm năng thực sự sẽ công nhận”.

Ngoài Hàm Rồng và Văn Leng, Cao Sơn là điểm du lịch còn lại bị thu hồi. Chúng tôi thậm chí không thể đến vì lời cảnh báo đường đi đang sạt lở. Thử hỏi, giả như khách du lịch muốn đến Mường Khương tham quan đi chăng nữa, làm sao để đến được những điểm du lịch không có biển chỉ dẫn, chỉ nằm trên văn bản và ngày càng mai một như thế? Ông Lục Văn Thành, Phó Chánh Văn phòng huyện Mường Khương chỉ trả lời gọn lỏn: “Ba điểm du lịch không được đầu tư vì không hiệu quả, phải chờ doanh nghiệp vào đồng hành thôi”.

(Còn tiếp)

Ý kiến bạn đọc