Du lịch Đà Nẵng tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phục hồi và tăng trưởng

VHO - Ngành Du lịch TP Đà Nẵng vừa tổ chức "Hội nghị đánh giá hoạt động du lịch thành phố 9 tháng đầu năm 2023, triển khai nhiệm vụ những tháng cuối năm 2023 và năm 2024".

Tại hội nghị, các doanh nghiệp du lịch cho rằng, Đà Nẵng vẫn là điểm sáng trong việc phục hồi du lịch sau Covid-19, tuy nhiên trong bối cảnh tới đây dự báo kinh tế sẽ có nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến nhiều đến ngành du lịch. Do vậy việc tính toán tìm kiếm thị trường mới, tăng cường xúc tiến, làm mới sản phẩm du lịch, đầu tư chu đáo cho sản phẩm du lịch đồng thời nghiên cứu xu hướng, hành vi, thói quen du lịch của khách… là những vấn đề quan trọng. 

Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng Trương Thị Hồng Hạnh nêu rõ: Hiện nay, việc bảo đảm hạ tầng cho phát triển du lịch gặp khó khăn khi các quy hoạch phân khu ven sông Hàn và bờ Đông, quy hoạch phân khu ven vịnh Đà Nẵng chưa được phê duyệt. Thiết kế ý tưởng cảnh quan tuyến biển đường Nguyễn Tất Thành, thiết kế đô thị khu vực ven biển chưa được thông qua, nên chưa có cơ sở lập hồ sơ chủ trương đầu tư cho dự án tạo cảnh quan mang tính chất điểm nhấn tại tuyến biển Hoàng Sa - Võ Nguyên Giáp - Trường Sa, và dự án đầu tư, bổ sung cơ sở hạ tầng, cải tạo cảnh quan, tiện ích công cộng phục vụ quản lý, khai thác du lịch ven biển tuyến đường Nguyễn Tất Thành. Ngoài ra, Đà Nẵng chưa có cảng biển du lịch chuyên dụng, các điểm dừng chân phục vụ các tuyến du lịch đường thủy nội địa chưa được triển khai do vướng kết luận Thanh tra Chính phủ (các dự án tại Sơn Trà), chậm triển khai các Đề án tạo điểm dừng chân của các địa phương.

Du lịch Đà Nẵng tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phục hồi và tăng trưởng - Anh 1

Trong bối cảnh mới đòi hỏi ngành Du lịch phải nghiên cứu xu hướng, hành vi, thói quen của khách

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng đưa ra nhiều nhóm vấn đề, kiến nghị. Trong đó, vấn đề tài chính doanh nghiệp được ông Dũng nhấn mạnh là nguyên nhân ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Ông Cao Trí Dũng phân tích về khó khăn của doanh nghiệp khi đứng trước thực trạng “mọi thứ đều tăng giá” nhưng các doanh nghiệp du lịch không thể tăng giá sản phẩm/dịch vụ vì nỗi lo cạnh tranh. Dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp lựa chọn cắt giảm một số chi phí liên quan khiến dịch vụ giảm chất lượng. 

“Khó khăn sẽ chồng chất khó khăn khi năm 2024 chưa thể có sự đột phá trong thu hút các nguồn khách quốc tế. Các thị trường khách quốc tế truyền thống và lớn nhất như Hàn Quốc và Trung Quốc sẽ sụt giảm hơn phân nửa do sự cạnh tranh của các điểm đến khác trong nước, sự phục hồi chậm của các đường bay và chính sách mở cửa thận trọng của các thị trường”, ông Dũng lo ngại. 

Chủ tịch Sun Group vùng miền Trung (Đà Nẵng) Nguyễn Văn Bình thẳng thắn: “Đà Nẵng đang thiếu các trung tâm sự kiện, quảng trường đẳng cấp quốc tế để có thể thu hút nhiều sự kiện mang tầm thế giới đến Đà Nẵng, từ đó nâng tính cạnh tranh của điểm đến. Chúng ta nói nhiều về kinh tế đêm, du lịch đêm và du lịch biển nhưng các hoạt động thực tiễn quy mô vẫn còn thiếu rất nhiều”...

Du lịch Đà Nẵng tiếp tục tháo gỡ khó khăn để phục hồi và tăng trưởng - Anh 2

Đà Nẵng đang thiếu sản phẩm du lịch đêm để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế (ảnh: Chợ đêm Sơn Trà)

Lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Lương Nguyễn Minh Triết cho biết chính quyền TP cũng nhìn nhận được kết quả cũng như khó khăn của ngành du lịch. Qua rà soát tình hình đầu tư công ở lĩnh vực kinh tế trong đó có du lịch thấy chưa được thỏa đáng, phải xác định thứ tự ưu tiên cho hài hòa hơn. Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng cam kết thành phố sẽ giải quyết tốt nhất những kiến nghị cụ thể của doanh nghiệp:

“Việc hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ những khó khăn và vướng mắc phải được xác định là nhiệm vụ, mục tiêu hàng đầu. Tuy nhiên muốn có được những giải pháp ổn thỏa cần có sự thông hiểu của các bên gồm sở, ban, ngành và doanh nghiệp. Các bên phải phối hợp  chặt chẽ để chuẩn bị kỹ càng cho “chặng đường dài” của ngành du lịch. Như hợp tác với các hãng hàng không để đẩy mạnh mở đường bay theo hướng các bên cùng có lợi, thực hiện ngay đầu tư quảng trường bắn pháo hoa, hình thành cơ chế đóng góp tài chính và xây dựng văn hóa ứng xử, tuân thủ giao thông, văn hóa môi trường trong cả chính quyền, doanh nghiệp và người dân”, ông Quảng nêu. 

Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng: Năm 2019, tổng lượt khách đến tham quan, du lịch tại Đà Nẵng đạt 8,6 triệu lượt, trong đó, khách quốc tế ước đạt 3,5 triệu lượt. Dự báo hết năm 2023, khách do cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt hơn 7,1 triệu lượt, trong đó khách quốc tế ước đạt 2,1 triệu lượt. Trước thực trạng đó, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Cao Trí Dũng cho rằng cần có nhiều giải pháp đồng bộ để có thể các lượng khách tiếp tục tăng trưởng và không quá thua sút so với năm 2019.

“Cụ thể là hạ lãi suất, khoanh nợ, giảm nợ, giá điện và thuế phí, xem xét lại giá thuê đất là vấn đề sống còn của doanh nghiệp, tháo gỡ vướng mắc về xây dựng sản phẩm du lịch mới, hạn chế xả thải ra môi trường biển và đường phố và cần thành lập quỹ tổ chức sự kiện quốc tế nhằm huy động nguồn lực từ xã hội và các doanh nghiệp là những việc cần làm” - ông Dũng  đề xuất.

NGỌC HÀ

Ý kiến bạn đọc