Về nơi Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm hy sinh
VHO – Đoàn chúng tôi tìm về di tích nơi làm việc và hy sinh của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm ở xóm Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi), nơi chị đã cống hiến tuổi thanh xuân tươi đẹp cho Tổ quốc.

Vượt gần 60 km từ TP Quảng Ngãi, 8 giờ sáng, đoàn chúng tôi đã có mặt tại bờ đập hồ Liệt Sơn, thị xã Đức Phổ để bắt đầu hành trình “Về nơi chị đi xa”. Đoàn gồm có Sở VHTTDL tỉnh, thị xã Đức Phổ cùng lãnh đạo và lực lượng vũ trang của xã Ba Trang, phường Phổ Hòa.

Những chuyến ghe máy đưa chúng tôi vượt qua mặt hồ lênh đênh giữa sóng nước, phong cảnh núi rừng thơ mộng. Vừa cập đến bến, đoàn đi bộ men theo lối mòn vượt qua những con suối nhỏ chừng 4 cây số đến điểm dừng bên ngôi làng đồng bào dân tộc Hrê ở thôn Nước Đan, xã Ba Trang. Nơi đây chỉ vỏn vẹn có 19 hộ đang sinh sống, không có sóng điện thoại, không có điện lưới quốc gia.

Từ điểm này chúng tôi đi qua những ruộng bậc thang, cả đoàn leo núi với độ cao gần 250m mới đến được đỉnh núi nơi hy sinh của liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, tại xóm Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang. Đây là nơi trên đường đi công tác chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng vào ngày 22.6.1970.

Taị lễ viếng di tích lịch sử Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Văn Thành bày tỏ, trong không khí Lễ kỷ niệm 50 Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, thật xúc động và tự hào khi chúng ta cùng nhau có mặt tại Khe nước Lạnh, xóm Đồng Lớn, thôn Nước Đang, xã Ba Trang nơi cách đây 55 năm, bác sĩ Đặng Thùy Trâm đã anh dũng hy sinh!.

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, đồng đội và chính quyền địa phương đưa chị về an nghỉ tại nghĩa trang liệt sĩ xã Phổ Hòa, thị xã Đức Phổ và gia đình giáo sư Đặng Ngọc Khuê đã đưa hài cốt của chị về nghĩa trang liệt sĩ Xuân Phương, quận Từ Liêm, Hà Nội.

“Chúng tôi - các thế hệ trẻ đi sau, xin kính cẩn nghiêng mình thắp nén hương, bày tỏ sự khâm phục và lòng tri ân sâu sắc đến chị - Người anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm!.
Chúng tôi xin nguyện tiếp tục giữ mãi ngọn lửa tuổi 20, giữ mãi truyền thống anh hùng cách mạng của chị và ngọn lửa truyền thống ấy thấm sâu vào công cuộc xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, xây dựng và phát triển quê hương Quảng Ngãi ngày càng giàu đẹp”, ông Thành xúc động nói.

Anh hùng, liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm sinh ngày 26.11.1942 trong một gia đình trí thức có truyền thống về ngành y. Tháng 7.1966, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Y khoa - Hà Nội đạt loại ưu, chị có thể ở lại trường làm giảng viên hoặc xin làm việc tại một bệnh viện lớn ở Hà Nội, nhưng chị đã từ chối, để theo học khóa huấn luyện đặc biệt, chuẩn bị đi miền Nam, phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc ta.
Tháng 3.1967, sau gần 3 tháng hành quân đầy gian truân, vất vả, chị đã vào đến chiến trường Quảng Ngãi, được phân công về huyện Đức Phổ. Trong thời gian này, Chị đã đảm nhận rất nhiều công việc, nhất là phục vụ cứu chữa cho rất nhiều thương binh đơn vị 120 lực lượng vũ trang huyện, Nhân dân và du kích các xã thuộc huyện Đức Phổ, nhưng chị vẫn xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ và đã được tuyên dương điển hình toàn tỉnh về thành tích điều trị và các mặt khác trong công tác.

Ngày 28.4.1969, Khu vực bệnh xá Đức Phổ bị đánh phá ác liệt, chị đã cùng với cán bộ, nhân viên bệnh xá quyết định chuyển bệnh xá về địa điểm mới ở Hố Bầu Tây thuộc thôn Nước Đang, xã Ba Trang, huyện Ba Tơ nhằm tiếp tục duy trì trụ bám, cứu chữa thương binh và Nhân dân.
Ngày 22.6.1970, trên đường đi kiếm thức ăn cho anh em thương binh, không may bị lọt vào ổ phục kích của kẻ thù và chị đã anh dũng hy sinh, khi chưa đầy 28 tuổi! Chị đã hy sinh, cả đất nước nghiêng mình!.
Ngày 20.2.2006, ghi nhận thành tích đặc biệt xuất sắc của chị, Chủ tịch nước Trần Đức Lương đã ký Quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm.

Di sản trước khi hy sinh 2 ngày mà chị để lại là hai cuốn nhật ký rất đặc biệt về sự tồn tại của nó, được chị viết từ ngày 8.4.1968 cho đến ngày 20.6.1970. Đó là những tác phẩm văn học lịch sử rất đặc biệt, thể hiện quan điểm sống và lý tưởng cách mạng của thế hệ thanh niên thời bấy giờ.
Khắc ghi nỗi gian khổ, ác liệt, khốc liệt của cuộc chiến đấu trên mảnh đất Quảng Ngãi kiên trung, ngoan cường, để góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc - giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Năm 2006, Bệnh xá Đặng Thùy Trâm được xây dựng tại thôn Nga Mân, xã Phổ Cường, do bạn đọc báo Tuổi Trẻ cả nước đóng góp. Tại đây, có một phòng trưng bày lưu niệm về Anh hùng liệt sĩ, bác sĩ Đặng Thùy Trâm, thu hút hàng nghìn lượt du khách trong nước, quốc tế đến tham quan.