Đà Nẵng:

Tuổi trẻ tuyên truyền bảo vệ di tích, lịch sử và các công trình văn hóa

NGỌC HÀ

VHO - Tại Đà Nẵng, nhiều Đội hình Thanh niên tình nguyện tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử, công trình văn hóa đã được thành lập và hoạt động tích cực.

Với mong muốn thể hiện vai trò của tuổi trẻ trong việc tham gia giữ gìn, phát huy, quảng bá các giá trị lịch sử, văn hoá trên địa bàn huyện, Ban Thường vụ Đoàn phường An Hải Đông (quận Sơn Trà) đã thành lập Đội hình Thanh niên tình nguyện tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn quận.

Đội hình được thành lập với 15 thành viên đều là cán bộ Đoàn trên địa bàn phường. Các thành viên trong đội hình có nhiệm vụ phối hợp tuyên truyền, giới thiệu các di tích, công trình văn hóa trọng điểm của Quốc gia, địa phương bằng các hình thức trực tiếp và trực tuyến trên các nền tảng xã hội.

Điểm đầu tiên đội đến là di tích lịch sử Đền thờ Thoại Ngọc Hầu, phường An Hải Tây. Đây không chỉ là địa chỉ lý tưởng để giáo dục truyền thống yêu nước cho các thế hệ hôm nay và mai sau mà còn là điểm tham quan, nghiên cứu cho du khách khi đến Đà Nẵng.

Năm 2025, Đội hình Thanh niên tình nguyện tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử, công trình văn hóa trên địa bàn phường sẽ tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của mình trong công tác chuyển đổi số.

Tuổi trẻ tuyên truyền bảo vệ di tích, lịch sử và các công trình văn hóa - ảnh 1
Quận đoàn - Hội LHTN quận Liên Chiểu ra mắt đội tuyên truyền viên trẻ với nhiệm vụ bảo vệ các di tích, công trình văn hóa trọng điểm trên địa bàn

Giúp người dân trong và ngoài phường tìm hiểu các di tích lịch sử văn hoá được sinh động, hấp dẫn, dễ hiểu và đầy đủ thông tin hơn, qua đó thể hiện vai trò, trách nhiệm của tuổi trẻ trong việc góp phần bảo tồn, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử.

Nhằm không ngừng nâng cao trách nhiệm của thế hệ trẻ trong giữ gìn, quảng bá các địa chỉ đỏ, nhiều quận, huyện đoàn thành lập các đội tuyên truyền viên trẻ tại các di tích.

Năm 2024, Quận đoàn Ngũ Hành Sơn ra mắt đội hình “Tuyên truyền, giới thiệu các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ" tại 3 địa điểm trên địa bàn quận gồm: Khu Di tích lịch sử căn cứ cách mạng K20, Khu quyết tử bám trụ - Nhà truyền thống Khu 3, Di tích lịch sử 45 em học sinh Mân Quang.

Đội hình gồm 29 thành viên với nhiệm vụ tiếp đón, hướng dẫn, giới thiệu thông tin, lịch sử về di tích cho người dân và du khách đến tham quan.

Thành đoàn Đà Nẵng cho biết, đơn vị đang chỉ đạo hơn 20 đơn vị đoàn trực thuộc tiếp tục ra mắt đội hình tuyên truyền viên tại các di tích lịch sử, văn hóa trọng điểm.

Để đội hình hoạt động hiệu quả, thành viên các đội hình sẽ được trau dồi, rèn luyện các kiến thức, kỹ năng thuyết minh về lịch sử, văn hóa, được hỗ trợ trong những hành trình về nguồn.

Mục tiêu nhằm giáo dục đoàn viên, thanh niên về truyền thống cách mạng, lịch sử hào hùng của dân tộc, thể hiện tinh thần xung kích, tình nguyện, sáng tạo của tuổi trẻ trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.

Tuổi trẻ tuyên truyền bảo vệ di tích, lịch sử và các công trình văn hóa - ảnh 2
Thanh niên Đà Nẵng đẩy mạnh “số hóa địa chỉ đỏ”, gắn mã QR tại các di tích lịch sử, văn hóa

Qua đó góp phần hiệu quả trong việc quảng bá văn hóa, lịch sử, truyền thống cách mạng, đồng thời gìn giữ, bảo tồn, lan tỏa và phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố.

Thực hiện phong trào “Thanh niên Đà Nẵng tiên phong trong chuyển đổi số”, các cấp bộ đoàn thành phố Đà Nẵng đã đẩy mạnh “số hóa địa chỉ đỏ”, gắn mã QR tại các di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn thành phố để giới thiệu đến người dân và du khách.

Ban đầu, Đoàn phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) đã hoàn thành “số hóa” và gắn mã QR tại các địa chỉ đỏ: Di tích chiến thắng kho xăng Liên Chiểu; Di tích chiến thắng Đồn Nhất; Di tích chiến thắng cầu Thủy Tú (Nam Ô); Bia tưởng niệm căn cứ kháng chiến Khu I; Bia chiến tích Trung đoàn 96.

Tương tự, Đoàn phường Hòa Hiệp Nam (quận Liên Chiểu) cũng hoàn thành “số hóa” Đền tưởng niệm Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng lực lượng vũ trang, Anh hùng liệt sĩ phường Hòa Hiệp Nam.

Để có được nguồn dữ liệu phục vụ “số hóa”, đoàn viên thanh niên tổ chức nhiều đợt hành quân về nguồn để thu thập hình ảnh, thông tin từng di tích. Sau đó xây dựng thành bài thuyết minh, giới thiệu các điểm, thu âm file nội dung thuyết minh và chuyển thành dữ liệu số, tích hợp trong mã QR bằng tiếng Việt và tiếng Anh.

Người dân, du khách khi đến tham quan các di tích chỉ cần quét mã QR gắn tại di tích bằng điện thoại thông minh sẽ cập nhật được đầy đủ thông tin, hình ảnh về địa chỉ đỏ.

Hoạt động của các đội tình nguyện trẻ đã góp phần nâng cao nhận thức của xã hội trong việc bảo vệ và phát huy giá trị di sản địa phương, đồng thời thể hiện mục tiêu, trách nhiệm của giới trẻ đối với di sản văn hóa trong thời đại mới.